Gặp H. ở nhà xe, hình như vừa khóc, mắt còn ngấn lệ, tôi ái ngại hỏi: Có chuyện gì mà sáng sớm đã mít ướt rồi em? H. lý nhí trả lời, không như thường ngày ăn to nói lớn “Dạ không có gì ạ”.
Vốn “ruột để ngoài da”, H. chẳng giấu được, đành kể: “Hồi sáng, em mới cho cháu ăn xong, chuẩn bị đi, thì hiệu trưởng gọi, quát em, sao bộ môn em thấp thế?
Em bảo học sinh học sao, em tổng kết vậy. Ổng bảo, đã học phụ đạo từ đầu năm rồi, giờ như thế phụ huynh họ bảo cô dạy phụ đạo hay không? Điểm nó thấp thì mình thay đổi cách thức kiểm tra, nâng nó lên, để vậy có mà chết à?
Em bảo, em nâng rồi, gấp đôi luôn; ổng bảo phải nâng cho đạt chỉ tiêu, em không nâng, thì phải gánh thành tích của cả trường đấy.
Em ức quá, phát khóc luôn; cái lớp em dạy, thầy biết rồi, toàn thi lại dồn vào đó; nó hổng kiến thức ngay từ tiểu học; lớp 7 mà cộng trừ nhân chia làm tùm lum, chẳng biết dạy từ đâu.
Dạy “phụ đạo” (dạy thêm-NV), em đề nghị tổ trưởng dạy; cô M. dạy đúng một buổi, trả lớp; em phải dạy; kiểm tra 1 tiết là đề chung của cả khối, giáo viên khác chấm.
Các môn khác cấy sạ vô tư, với môn toán, rành rành đó…; em ngu, đầu năm không biết nên cứ phải dạy cái lớp chót khối; năm sau phải … thầy ạ”.
Với căn bệnh thành tích hiện nay, làm giáo viên trung thực rất khó. (Ảnh minh hoạ: Vtv.vn) |
Tôi liền hỏi “Thế có sửa điểm không?”, “Dạ, có ạ, biết làm sao được thầy?”.
Với căn bệnh thành tích hiện nay, làm giáo viên trung thực rất khó; làm đúng chưa chắc đã đúng; làm sai, chưa chắc đã sai; tổng kết đúng chỉ tiêu kế hoạch đầu năm … là đúng.
Cũng có hiệu trưởng tâm huyết, muốn vực dậy chất lượng thực sự, vào điểm trên Vnedu đều giao cho bộ phận chuyên trách.
Giáo viên toán, văn, anh chỉ nộp sổ điểm cá nhân vào điểm hệ số 1; các bài hệ số 2 đề chung cả khối, chấm chéo lớp, chấm xong nộp bộ phận vô điểm.
Vì thế, giáo viên toán, văn, anh không thể “can thiệp” điểm được; sau một học kỳ, điểm thấp quá, đành “vỡ trận”.
Cũng có đơn vị, trước kì kiểm tra là “khóa” Vnedu, phụ huynh không biết điểm con mình để vào “mùa xin điểm, chạy điểm”; cũng có mục đích khác, “cân đối chỉ tiêu” rồi mới “công khai hóa”.
Có cần yêu cầu học sinh … học tốt không?
Ai thương, ai ghét nhỉ? |
Với chương trình hiện tại là quá nặng nề cho học sinh, đặc biệt là môn toán.
Việc đòi hỏi học sinh đều … học tốt môn toán là một sai lầm với giáo viên; học sinh có thể học không tốt môn này, nhưng học tốt môn khác; có thể học không tốt văn hóa nhưng rất có năng lực hoạt động khác.
Vì thế, phát huy, khơi dậy được năng lực của học sinh là thành công của giáo dục.
Đề kiểm tra không nên ra khó, cần có các mức độ kiến thức phù hợp; nội dung dề dành cho học sinh trung bình cũng có thể làm được 5 điểm.
Nội dung phân hóa cần phù hợp với đối tượng, nhận thức, năng lực của học sinh; không ít đề kiểm tra quá cao cũng góp phần gây tâm lý chán học, ngại học và ghét bộ môn cho học trò.
Việc dồn các em lên lớp cho đạt chỉ tiêu ở tiểu học, cứ đôn đít lên trung học cơ sở; đến bậc học này mới “lòi” học sinh ngồi nhầm lớp, ngồi nhầm bậc học.
Nâng điểm cho đạt chỉ tiêu, cho các em lên lớp; học trò biết không? Biết chứ, chính những học trò này sẽ “tuyên truyền” cho “hậu bối”, không ít học trò lớp sau “Đố thầy cho em ở lại lớp”; chất lượng giáo dục cứ “luẩn quẩn” vì chỉ tiêu!
Ái ngại cho năm học 2020 – 2021!
Tâm lý chung của giáo viên, học sinh, phụ huynh không muốn con ở lại lớp học chương trình khác, vì thế việc cho học sinh “được lưu ban” chắc chắn sẽ “vô cùng khó”.
Còn tình trạng "dưới cứ đẩy lên" sẽ còn đó rất nhiều giáo viên phải gánh việc của “quá khứ”.
Chất lượng của lớp áp sát chương trình mới cần được các trường quan tâm đúng mức; giáo viên cần quan tâm hơn với học sinh yếu.
Nhà trường cần liên hệ với phụ huynh “đồng hành” cùng nhà trường để lấy lại kiến thức cơ bản cho học trò.
Hãy trả lại cho các em quyền được lưu ban, giúp học trò và cũng giúp đồng nghiệp của mình.