Giáo viên vào mùa "cấy, sạ, xin, cho... điểm"

19/05/2018 06:07
NHẬT KHOA
(GDVN) - Nguyên nhân llà việc ngành giáo dục giao các chỉ tiêu quá cao trong nhà trường, nhà trường giao lại các chỉ tiêu cho giáo viên phải thực hiện.

LTS: Thời điểm này, các thầy cô giáo dạy phổ thông đang thực hiện những công việc cuối năm học.

Trong bài viết này, thầy giáo Nhật Khoa phản ánh việc các giáo viên phải "nỗ lực" như thế nào để đạt chỉ tiêu về chất lượng trong giáo dục.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chỉ còn vài ngày là các trường tổ chức tổng kết năm học 2017 – 2018, giai đoạn này các thầy, cô giáo trong cả nước ở các cấp học, bậc học đang chuẩn bị coi kiểm tra học kỳ 2, chấm bài và quan trọng nhất là vào điểm phần mềm quản lý học sinh trên mạng Edu.vn, vào sổ học bạ,…

Những tưởng những việc đó giáo viên chỉ ra đề, chấm bài rồi vào điểm trên phần mềm, phầm mềm sẽ tính điểm trung bình cho từng học sinh, tính cả thứ hạng, xếp loại khá, giỏi, trung bình, yếu, kém của từng học sinh, giáo viên chủ nhiệm chỉ việc xếp loại hạnh kiểm học sinh là hoàn thành.

Giáo viên phải “nát óc” suy nghĩ, cẩn trọng tính toán thật cẩn thận từng điểm số của từng học sinh để đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra. Ảnh minh hoạ: Vtv.vn
Giáo viên phải “nát óc” suy nghĩ, cẩn trọng tính toán thật cẩn thận từng điểm số của từng học sinh để đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra. Ảnh minh hoạ: Vtv.vn

Nhưng sự thật không phải vậy, trước khi vào điểm phần mềm, giáo viên phải “nát óc” suy nghĩ, cẩn trọng tính toán thật “cẩn thận” từng điểm số của từng học sinh sau đó mới vào phần mềm.

Giáo viên phải tính điểm trung bình của từng em, tính số lượng học sinh giỏi trong một quyển sổ điểm “nháp” sau đó mới dám vào phần mềm, rồi in ra sau đó nhập vào sổ điểm “thật”.

Tại sao trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và phần mềm trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán hầu hết công việc của giáo viên nhưng giáo viên phải sổ điểm “nháp”, mục đích sổ “nháp” để làm gì?

Nếu không tính "nháp", "rớt chỉ tiêu" là cái chắc

Theo quy định trước khi kỳ kiểm tra học kỳ II diễn ra, giáo viên đã vào đủ các cột điểm, giáo viên chỉ việc cho đề kiểm tra học kỳ, chấm đúng đáp án và vào điểm phần mềm là gần như là hoàn thành nhiệm vụ cả năm học.

Nhưng những ai làm giáo viên mới biết “trong chăn có rận”, hầu như không có một giáo viên nào làm như thế.

Đa số giáo viên đều có một sổ điểm “nháp” để tính toán hầu hết các cột điểm của từng học sinh xong mới vào điểm nếu không “rớt” chỉ tiêu của trường giao là cái chắc!

Giáo viên vào mùa "cấy, sạ, xin, cho... điểm" ảnh 2Xin Bộ hãy bỏ chỉ tiêu, đừng chỉ có ra công văn nhắc nữa!

Mà chỉ tiêu chất lượng bộ môn trường giao thì cao chót vót như Toán 90%, Văn 85%, Hóa, Lý, Sử, Địa,… 95%, các môn Giáo dục công dân, Thể dục, Âm Nhạc, Mỹ Thuật lên đến 100%.

Không chỉ có thế các trường học còn giao chỉ tiêu chất lượng học sinh giỏi như Toán, Văn 30%, Lý, Hóa 40 – 50%, thậm chí có môn như Tin học, Giáo dục công dân có môn 60 – 70% học sinh phải đạt loại giỏi.

Chất lượng bộ môn và học sinh giỏi giao cho giáo viên bộ môn đều rất cao nhằm để tổng hợp lại trường sẽ có kết quả cao để đạt chỉ tiêu mà Phòng Giáo dục và đào tạo giao cho các trường, và để trường “báo cáo” cuối năm.

Bên cạnh đó có trường còn giao chỉ tiêu học sinh thi lại, ở lại của bộ môn không quá 2%.

Phải nói rằng với việc chạy theo thành tích “lùa” học sinh lên lớp ở các năm trước, chất lượng học sinh yếu, kém, ngồi nhầm lớp như hiện nay cộng với với chỉ tiêu “khủng” trên, nếu chấm điểm kiểm tra học kỳ thật, các bài kiểm tra định kỳ như kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết thật thì làm sao đạt các chỉ tiêu “khủng” đó?

Nên có chuyện nực cười ở các môn chỉ tiêu 100% như Thể dục, Tin học,… là khi kiểm tra học kỳ các em đã không vào thi, giáo viên nhắn học sinh vào thi nhiều lần nhưng vẫn không thi, tới ngày báo cáo thì đành cho học sinh… lên lớp vì nếu không sẽ rớt chỉ tiêu!?

Có nhiều người hỏi, giáo viên cứ cho điểm thực vào điểm thực tại sao lại phải chạy theo chỉ tiêu, giữ lương tâm nghề nghiệp, nếu không đạt thì thôi cùng lắm là cắt thi đua.

Nhưng ai là giáo viên mới biết không phải thế, nếu không đạt chỉ tiêu (do học sinh yếu, kém, nguyên nhân không phải do mình) thì giáo viên đó được tổ trưởng chuyên môn, công đoàn, Ban giám hiệu,…mời làm việc động viên, nhắc nhở nếu không chấp hành sửa điểm, nâng điểm sẽ bị xử lý.

Nếu giáo viên vẫn không chấp hành thì cuối năm bị phê bình trước hội đồng sư phạm, trước toàn thể phụ huynh, học sinh,…

Bên cạnh đó là cắt thi đua, xếp không hoàn thành nhiệm vụ, kỷ luật,…

Ai trong giáo viên dám không tuân theo?

Làm sao để có điểm số “đẹp”, đạt các chỉ tiêu “khủng” trên?

Giáo viên vào mùa "cấy, sạ, xin, cho... điểm" ảnh 3Giáo viên truyền nhau bí quyết cấy điểm để đạt chỉ tiêu

Giáo viên để đạt các chỉ tiêu trên không chỉ phải làm một quyển sổ điểm “nháp” tính toán chi li điểm số của các em để đạt chỉ tiêu mà còn phải “cấy”, “sạ”, xin, cho,… điểm số mới đạt được.

Việc “cấy”, “sạ”,… nghe như chỉ diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp trồng lúa như “cấy” là để chỉ việc khi gieo lúa có chỗ dày, chỗ thưa thì ta lấy chỗ dày đem qua chỗ thưa cho đều, hay “sạ” để chỉ việc nơi nào chưa có lúa thì ta gieo thêm thì nay nó diễn ra rất nhiều trong giáo dục.

Cuối năm giáo viên thường “để dành” vài cột điểm chưa vào.

Sau khi có điểm kiểm tra học kỳ, giáo viên phải vào điểm kiểm tra đó (điểm thật) sau đó tính toán nháp nếu bài kiểm tra học kỳ hay các bài khác điểm khá thì giáo viên “cấy” điểm đó vào tức là lấy điểm cao ở bài khác vào những cột “để dành” đó cho đạt chỉ tiêu.

Nếu học sinh kiểm tra học kỳ điểm thấp thì giáo viên “sạ” điểm tức là cho đại các cột điểm đó để đạt các chỉ tiêu trên.

Bên cạnh đó, ngoài chất lượng bộ môn, tỷ lệ học sinh giỏi,…còn có tỷ lệ lên lớp, ở lại,… cũng rất cao, nên muốn đạt thì giáo viên chủ nhiệm cuối năm phải xin điểm của các giáo viên bộ môn, vì tế nhị nên có giáo viên dù không muốn cũng phải cho, nên phải nâng điểm, sửa điểm,…

Nên cuối năm việc “cấy”, “sạ”, xin, cho,… điểm diễn ra rất nhộn nhịp!

Nguyên nhân chính

Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng trên là việc ngành giáo dục giao các chỉ tiêu quá cao trong nhà trường, nhà trường giao lại các chỉ tiêu cho giáo viên phải thực hiện.

Giáo viên vào mùa "cấy, sạ, xin, cho... điểm" ảnh 4Chỉ tiêu không có tội nhưng người thực thi thì có

Để rồi cuối năm báo cáo tổng kết cuối năm đều là những con số đẹp, thậm chí rất đẹp nhưng sự thật thì ai cũng biết đó chính là những con số ảo do “cấy”, “sạ”, xin, cho,... của giáo viên.

Nhiều vị Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng không cần biết giáo viên làm như thế nào, cố gắng dạy dỗ ra sao,… miễn sao đạt chỉ tiêu là được, nếu không đạt sẽ “hại thân” nên nhiều giáo viên đều làm ngơ cho yên thân.

Bên cạnh đó nhiều giáo viên cũng không có sự cố gắng, tu dưỡng, rèn luyện trong quá trình giảng dạy thì “tàn tàn”, không học hỏi kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy cho tốt mà chỉ chăm chăm vào chỉ tiêu bằng cách cho các điểm số ảo để hoàn thành các chỉ tiêu mà quên đi thiên chức làm thầy là dạy thật, vừa dạy chữ, dạy làm người cho học sinh.

Có người nói “làm láo, báo cáo láo” thì được khen, làm thật thì bị phê bình.

Vì thế, nhiều giáo viên chán nản, buông xuôi nên không tạo được không khí phấn đấu, cố gắng, nhiệt tình trong dạy và học.

Để việc dạy học trở thành dạy thật, học thật, dạy chú trọng dạy chữ hơn dạy người rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền tự chủ cho các trường trong việc đánh giá học sinh tùy theo đối tượng mà giao các chỉ tiêu;

Dừng ngay việc thực hiện “chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước”;

Tránh các chi tiêu khủng để giáo viên bớt áp lực, chú tâm vào học hỏi, nghiên cứu kiến thức, chuyên môn, kiến thức chung để giảng dạy và giáo dục đạt hiệu quả tốt nhất!

NHẬT KHOA