Ai thương, ai ghét nhỉ?

18/12/2019 06:19
SÔNG TRÀ
(GDVN) - “Học sao thì điểm vậy, tôi không thay đổi điểm đâu, mất lòng đành chịu. Sang học kỳ 2, tôi sẽ quan tâm, giúp đỡ cháu về phương pháp học bộ môn này nhiều hơn”.

Cô Ng. một giáo viên vừa giỏi về chuyên môn vừa nghiêm túc trong đánh giá xếp loại học sinh.

Cuối học kỳ, cuối năm, em nào học như thế nào thì điểm, kết quả như thế ấy, tuyệt đối không có chuyện nâng điểm, sính thành tích. 

Nói không với bệnh thành tích và giả dối trong giáo dục (Ảnh minh họa: NHỐP 15).
Nói không với bệnh thành tích và giả dối trong giáo dục (Ảnh minh họa: NHỐP 15).

Ngay cả con em của Ban giám hiệu, giáo viên đồng nghiệp cùng trường đến nhờ vả, xin điểm, cô Ng. trả lời thẳng:

Học sao thì điểm vậy, tôi không thay đổi điểm đâu, mất lòng đành chịu. Sang học kỳ 2, tôi sẽ quan tâm, giúp đỡ cháu về phương pháp học bộ môn này nhiều hơn”.

Tất nhiên, mới lúc đầu, các đồng nghiệp cảm thấy khó chịu, không được vui khi giáo viên cùng trường cự tuyệt chuyện nâng điểm cho con em mình.

Nhưng sau đó, họ cũng phải thừa nhận một điều rằng, cô Ng. giáo viên cùng trường đã làm đúng, chẳng thiên vị về điểm số với em nào, con em của ai.

Tính nghiêm túc, chặt chẽ trong dạy học và ghi điểm, đánh giá kết quả học tập ở các lứa học sinh đã trở thành “nét riêng” của cô Ng.

Từ đó, các phụ huynh, đồng nghiệp giáo viên hiếm có ai đến cuối học kỳ, cuối năm dám  mở miệng xin điểm cô giáo này mà chỉ biết động viên, nhắc nhở con em lo học tập, kiểm tra, đừng trông mong, ỷ lại chỗ quen biết.

Trường hợp cô T. thì trái ngược hoàn toàn với cô Ng. Trong ghi điểm, đánh giá xếp loại học sinh thì cô T. vô cùng dễ dãi, điểm số, kết quả các lớp cô dạy bao giờ cũng cao chót vót.

Những trường hợp phụ huynh, người quen, đồng nghiệp xin điểm cho con em, cô T. luôn sẵn sàng, vô tư, muốn nâng bao nhiêu điểm, phẩy đều được cả. 

Chống bệnh thành tích đang trong tình thế trứng chọi đá tảng
Chống bệnh thành tích đang trong tình thế trứng chọi đá tảng

Các năm cô T. được phân công làm chủ nhiệm, cô lo lắng cho lớp hết cỡ, em nào thiếu điểm, chưa đạt điểm học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, cô sốt sắng gặp từng giáo viên bộ môn để năn nỉ, xin điểm cho bằng được.

Một số thầy cô giáo nói không thể nâng được, để các em ấy tự cố gắng hơn, thì cô T. trách móc ra mặt.

Vì cả hội đồng sư phạm nhà trường ấy đã quá biết về cô T, một cô giáo rất thích thành tích trong dạy học, trong chủ nhiệm và tìm đủ cách để đạt được nó.

Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm vừa rồi, một số phụ huynh, giáo viên ở trường nọ đã thất vọng tràn trề vì không gửi gắm được, con em bị trượt nguyện vọng 1, do trúng thầy K. về làm chủ tịch hội đồng coi thi rất nghiêm túc, quán triệt cả hội đồng phải làm việc đúng quy chế, nói không với tiêu cực, gian lận trong thi tuyển.

Nhưng với thầy G. hiệu trưởng một trường trung học phổ thông từ sở tại đến đi hội đồng coi thi khác lại luôn “nặng gánh” chuyện “phải không”, quan hệ nọ kia với đồng nghiệp, giáo viên, phụ huynh…. nên khá dễ dãi, để mặc cho các giám thị tung hoành, làm mưa làm gió (nháp bài, gà bài cho thí sinh quen biết) ở các phòng thi. 

Có thể, học sinh, phụ huynh và một số người khác sẽ buồn khi gặp trúng cô Ng. và thầy K. trong học tập và kiểm tra, thi cử.

Có thể, học sinh, phụ huynh và một số người khác lại rất vui mừng khi gặp trúng cô T. và thầy G. trong học tập và kiểm tra, thi cử.

Biết làm sao đây, khi trong đội ngũ thầy cô giáo của chúng ta, vẫn còn người nọ, người kia?

Ai đáng ghét, ai đáng thương nhỉ? Xin nhường lại câu trả lời cho tất cả bạn đọc đã, đang quan tâm đến chất lượng, sự phát triển của giáo dục nước nhà.      

SÔNG TRÀ