Các tỉnh nên lùi lịch thi tuyến sinh 10 để giảm bớt áp lực cho các nhà trường

21/02/2020 06:51
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Với tình hình hiện tại, học sinh trở lại học tập bình thường vào đầu tháng 3 thì bố trí kỳ thi tuyển sinh 10 vào tuần cuối cùng của tháng 6 sẽ là hợp lý nhất.

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã khiến cho kế hoạch giáo dục của các địa phương phải thay đổi. Nhiều hoạt động, chương trình phải lùi lại như thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa ở lớp 9, thi giáo viên giỏi, tập huấn chuyên môn…để phòng tránh dịch bệnh.

Một vấn đề quan trọng trong lúc này cũng được đặt ra là các địa phương có lùi lịch thi tuyển sinh 10 như kế hoạch đã được ban hành từ đầu năm học hay không? Đặc biệt là đối với những địa phương đã lên kế hoạch sẽ tổ chức kỳ thi này vào đầu tháng 6/2020.

Kỳ thi tuyển sinh 10 ở một số địa phương nên lùi lại vào cuối tháng 6 (Ảnh minh họa: Lã Tiến).
Kỳ thi tuyển sinh 10 ở một số địa phương nên lùi lại vào cuối tháng 6 (Ảnh minh họa: Lã Tiến).

Nếu như không có gì thay đổi, đa phần học sinh cả nước sẽ nghỉ học hết tháng 2/2020 thì cũng đồng nghĩa là quỹ thời gian của năm học 2019-2020 đã chậm đi mất 1 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Vì vậy, việc điều chỉnh kỳ thi tuyển sinh10 là điều rất cần thiết cho các địa phương, bởi nếu như các tỉnh vẫn tổ chức kỳ thi như kế hoạch ban đầu thì sẽ khiến cho thầy và trò ở các trường trung học cơ sở phải dạy và học dồn ép trong quỹ thời gian còn lại của năm học.

Đối với những tỉnh mà có kế hoạch thi tuyển sinh 10 vào tháng 7 thì có lẽ không cần phải thay đổi kế hoạch vì thời gian còn lại cũng phù hợp, không quá gấp gáp.

Nhưng, đối với nhiều tỉnh thi vào đầu tháng 6 mà không thay đổi thì các trường phải “vắt chân lên cổ” mới có thể hoàn thành được chương trình học của lớp 9 và phải thực hiện rất nhiều khâu trước khi học sinh tham gia kỳ thi.

Việc đầu tiên của học sinh lớp 9 là sau kỳ nghỉ phòng tránh dịch bệnh này là phải hoàn thành được chương trình học của học kỳ II. Sau đó, nhà trường sẽ tiến hành xét và đề nghị công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở. Thủ tục này cũng phải trải qua một thời gian nhất định mới có thể hoàn tất được.

Tiếp theo là làm hồ sơ thi tuyển lớp 10 qua nhiều bước nữa, các trường phải báo cáo sơ bộ về số lượng học sinh tham gia dự kỳ thi, tiến hành cho học sinh đăng ký sơ tuyển, hoàn thiện hồ sơ tuyển sinh 10 để nộp về sở giáo dục và các trường trung học phổ thông mà học sinh đăng ký thi.

Các trường trung học phổ thông, sở giáo dục còn phải tiến hành thêm rất nhiều khâu nữa mới có thể thành lập các hội đồng thi tuyển sinh 10 cho địa phương mình.

Chính vì thủ tục tuần tự phải qua nhiều bước như vậy nên đa phần các địa phương mà có kế hoạch thi vào tháng 6 đã phải tổ chức cho học sinh học tăng tiết để hoàn thành chương trình học, công nhận tốt nghiệp và làm các thủ tục cần thiết cho học sinh trước khi tổ chức kỳ thi.

Thế nhưng, sự cố dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã khiến cho nhiều kế hoạch của nhà trường và ngành giáo dục địa phương bị đảo lộn hoàn toàn. Thời gian nghỉ ở nhà 1 tháng dù cho các trường, địa phương có mở lớp dạy trực tuyến, dạy trên truyền hình nhưng phần lớn cũng chỉ ôn lại kiến thức đã học và tập trung cho một số môn mà thôi.

Nếu bước sang tháng 3, các địa phương đồng loạt cho học sinh đi học trở lại mà tổ chức thi tuyển sinh 10 vào đầu tháng 6 thì thời gian chỉ còn lại có 3 tháng để các nhà trường hoàn tất rất nhiều công việc là điều vô cùng cập rập mà rất khó thực hiện được.

Bởi đa phần các địa phương mới bước vào thực hiện chương trình học kỳ II được 2 tuần lễ. Thời lượng chính khóa của học kỳ II còn lại là 15 tuần học nên dù có tăng tiết vào trái buổi thì cũng chỉ giảm đi được vài tuần lễ mà thôi.

Vì vậy, các trường dù có gồng mình lên để dạy tăng tiết thì khi kết thúc chương trình lớp 9 cũng phải rơi vào khoảng cuối tháng 5/2020. Thời gian còn lại của tháng 5 cực kỳ ngắn nên việc xét và đề nghị công nhận tốt nghiệp cho học sinh cũng mất vào khoảng chục ngày nữa.

Hơn nữa, nội dung kiến thức thi tuyển sinh 10 khác với kiểm tra học kỳ bởi vì khi kiểm tra học kỳ thì chỉ có thể ra ở các đơn vị kiến thức ở học kỳ II, còn thi tuyển sinh 10 thì kiến thức là cả năm lớp 9, thậm chí là kiến thức của các lớp học trước đó.

Các tỉnh nên lùi lịch thi tuyến sinh 10 để giảm bớt áp lực cho các nhà trường ảnh 3Có hơn 40.000 học sinh Hà Nội sẽ không được vào lớp 10 công lập

Trong khi, các em vừa hoàn tất việc kiểm tra học kỳ với hơn 10 môn học mà lao vào thi tuyển sinh 10 thì tất nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, nếu nhà trường không tổ chức ôn tập, không có thời gian cho học trò ôn tập lại thì các em sẽ không nắm được kiến thức để thi.

Lâu nay, các địa phương, các trường tổ chức ôn luyện cho học sinh cả tháng trời, thậm chí ôn cả học kỳ II mà nhiều học sinh khi thi vẫn bị điểm liệt. Điều này đã được phản ánh khá nhiều trong những năm qua sau mỗi lần địa phương công bố điểm thi.

Chính vì vậy, nếu có sớm thì các địa phương cũng chỉ có thể tổ chức thi tuyển sinh 10 vào khoảng giữa tháng 6 chứ không thể sớm hơn được bởi thực tế chương trình học của lớp 9 vừa mới bắt đầu bước vào học kỳ II.

Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 có liên quan đến cả cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cấp quản lý từ nhà trường cho đến sở giáo dục và đào tạo, ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố), cùng với hàng chục ngàn học sinh tham dự.

Vì vậy, các tỉnh cũng cần tính toán kỹ để bố trí thời gian tổ chức kỳ thi cho hợp lý.

Thời gian còn lại của năm học này không nhiều nhưng không phải vì thế mà các địa phương tổ chức vào đầu tháng 6- như kế hoạch ban đầu. Bởi vì với áp lực như kỳ thi tuyển sinh 10 thì việc tổ chức gấp gáp sẽ ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi và đặc biệt là tâm lý, sức khỏe của các em học sinh.

Và có lẽ, với tình hình hiện tại, nếu học sinh trở lại học tập bình thường vào đầu tháng 3 thì việc bố trí kỳ thi tuyển sinh 10 vào tuần cuối cùng của tháng 6 là hợp lý nhất bởi (có thể) sang tháng 7 thì các địa phương còn phải tham gia một kỳ thi quan trọng nữa là thi trung học phổ thông quốc gia đối với học sinh lớp 12.

NGUYỄN CAO