Những ngày gác kiểm tra học kỳ chúng tôi luôn gặp rất nhiều những cảm xúc trái ngược nhau của học trò. Có em vào lớp làm bài chỉ phân nửa thời gian đã xong, có những em cặm cụi hết thời gian cũng làm không xong được bài.
Những em làm được bài thì hớn hở, vui cười, những em không làm được bài thì lộ rõ những nét buồn trên khuôn mặt.
Điều chúng tôi băn khoăn nhất là trong số những em làm xong bài không phải em nào cũng giỏi mà có những em làm xong sớm vì đã được thầy cô giảng trước ở lớp học thêm rồi.
Một số học sinh tham gia học thêm đã biết đề trước khi kiểm tra (Ảnh minh họa: pgdngochoi.kontum.edu.vn) |
Khi học sinh làm bài rất nhanh…bất thường
Trong giờ kiểm tra học kỳ môn Toán, chúng tôi được phân công gác kiểm tra cùng một giáo viên nữa. Nhìn chung, lớp làm bài khá nghiêm túc trong khoảng thời gian đầu nhưng về sau thì một số em đã làm xong có dấu hiệu nói chuyện và quay lên, quay xuống liên tục.
Chúng tôi đề nghị học sinh giữ trật tự và lưu ý một học sinh đang có thái độ đùa giỡn, bắt chuyện với học sinh bàn kế bên. Khi được hỏi em làm bài xong chưa thì em này nói đã làm xong rồi.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì nhiều em vẫn đang cắm cúi làm bài thì học sinh này hồn nhiên khoe: “Đề này em biết hết trơn rồi thầy”. Nghe học sinh nói “em biết hết trơn rồi” nên chúng tôi tò mò hỏi vì sao em biết được đề kiểm tra thì em này rất hồn nhiên trả lời là cô dạy Toán đã nói ở lớp học thêm rồi.
Sự hồn nhiên của em nữ sinh khiến chúng tôi thấy một sự thật cay đắng đang diễn ra ở một số môn học mà giáo viên dạy thêm ở nhà. Vậy là những em đi học thêm có “lợi thế” như vậy đó, còn những em không học thêm thì sao?
Câu nói: “Đề này em biết hết trơn rồi thầy ạ” của học sinh cứ thảng thốt vang lên trong đầu chúng tôi một nỗi buồn, xen lẫn nỗi xót xa không thể gọi thành lời...!
Những nỗi buồn vương mãi…
Chuyện học sinh đi học thêm ở nhà thầy, cô giáo được điểm cao trong các giờ kiểm tra không còn là câu chuyện mới nhưng chúng tôi chỉ mới “nghe đồn” mà thôi.
Kiểm tra học kỳ cần nhẹ nhàng, không nên quá quan trọng vấn đề! |
Chỉ đến hôm vừa rồi, khi gác kiểm tra học kỳ môn Toán thì sự thật thà, hồn nhiên của một em học sinh đã giúp chúng tôi khẳng định một sự thật đáng buồn đang tồn tại ở một số nhà trường phổ thông.
Những em đi học thêm, tất nhiên cũng có nhiều em giỏi hơn nhưng cũng có những em đi học thêm chỉ hòng đối phó với điểm kiểm tra trên lớp. Bởi, chân lý của một số em đi học thêm là để cải thiện bảng điểm của mình.
Trước khi kiểm tra trên lớp cũng đồng thời những giáo viên dạy thêm đã “gợi giải” cho học trò những câu hỏi, những bài tập mà mình sẽ kiểm vào ngày hôm sau để học sinh đi học thêm biết trước.
Ngày kiểm tra, học sinh chỉ cần “tái hiện” lại những nội dung mà thầy cô đã hướng dẫn trong những buổi học thêm mà thôi. Học sinh không cần thông minh, không cần giỏi vẫn có thể lấy điểm cao như thường.
Những điểm số đẹp trong các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ được các em “sưu tầm” trong quá trình học tập sẽ làm đẹp cho điểm tổng kết và đương nhiên khi điểm cao thì dẫn đến việc các em được khen thưởng cuối học kỳ, cuối năm học.
Thầy cô dạy thêm thì có tiền và đương nhiên "uy tín" của mình sẽ cao hơn những giáo viên cùng khối, cùng trường bởi nhận được sự "tín nhiệm" của phụ huynh nhiều hơn. Nhưng, cũng từ đây sẽ dẫn đến một căn “bệnh dối trá” và “bệnh thành tích” ở trong các nhà trường.
Chính vì cách kiểm tra của một số giáo viên như vậy nên dẫn đến học sinh không có động lực để học tập. Và, hệ lụy thì năm nào chúng ta cũng thấy rất rõ qua những kỳ thi tập trung.
Tại sao điểm tổng kết ở lớp của nhiều em ở mức khá, giỏi, nhiều em được khen thưởng cuối năm học. Nhiều trường có tỉ lệ học sinh khá, giỏi chiếm đa số mà đến khi thi tuyển sinh 10 và thi Trung học phổ thông lại thấp, thậm chí điểm 0 nhiều vô kể?
Chất lượng giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu nếu vẫn tồn tại cách đánh giá dối trá như thế này?
Sự công bằng trong trường học vẫn còn nhiều nhưng đang đan xen sự giả dối
Những trường quê thì chuyện học thêm không phổ biến, chỉ tập trung ở một số môn học và không phải học sinh nào cũng có điều kiện đi học thêm ở nhà thầy cho dù đó môn học đó được xem là môn chính.
Nhưng, vẫn có nhiều em vươn lên trong học tập, dù không học thêm vẫn hoàn thành các bài kiểm tra của thầy cô ra và đạt được điểm số tốt.
Có những em không học thêm, không làm được bài nhưng các em trung thực chỉ làm một vài câu mà mình hiểu rồi nộp bài khi hết thời gian. Và, rất nhiều thầy cô giáo không dạy thêm, họ đối xử với học trò công bằng.
Những học trò, những thầy cô như vậy đang góp phần làm đẹp cho ngành giáo dục và nuôi dưỡng sự trung thực cho học trò. Song, sự giả dối, hư danh, vụ lợi đang song hành trong ngành giáo dục. Một số giáo viên đang gieo vào học trò sự bất bình khi không học thêm với thầy.
Chúng ta biết rằng, trong mỗi lớp học, có những học sinh yếu, kém về học lực, thầy cô cũng đừng sợ vì đó là chuyện rất bình thường. Chúng ta không thể đòi hỏi tất cả học trò (không phải là học sinh trường chuyên) đều học giỏi, đều được điểm cao hết.
Khi gặp những em học trò yếu, kém về học lực thì thầy cô cần nỗ lực để giúp các em tiến bộ hơn mới là điều cần thiết, đáng trân quý trong môi trường giáo dục.
Thầy cô dạy cho học trò trung thực, có động lực vươn lên trong học tập, vươn lên trong cuộc sống mới khó chứ dạy cho học trò đối phó, dối trá thì dễ vô cùng.