Hiện nay có khá nhiều băn khoăn về việc dạy bài mới qua truyền hình vì việc này đòi hỏi học sinh chủ động tiếp nhận, xử lý kiến thức, kỹ năng ghi chép, kỹ năng tìm kiếm thông tin và luyện tập theo hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên, đối với phần lớn học sinh (nhất là ở vùng nông thôn) đều yếu về kỹ năng tự học một cách chủ động.
Trên thực tế thì việc chuyển đổi từ học trực tiếp tại lớp sang học trực tuyến, học qua truyền hình hiện nay mới ở giai đoạn khai mở (giải pháp tạm thời), về lâu dài cần một kế hoạch cụ thể, thậm chí cần một đội ngũ xây dựng và phát triển, đánh giá, thẩm định chương trình chứ không thể phát triển tự do.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga: "Học sinh tiếp nhận bằng cảm xúc trước, vì vậy tôi luôn cố gắng tạo sự hứng thú cho học trò rồi mới vào bài học". Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng), chia sẻ: “Học sinh đã quá quen với môi trường học trực tiếp trên lớp, nhưng khi học ở nhà thì không gian cũng rất quan trọng, vậy nên học sinh cần chú ý về không gian học tập ở nhà trước khi bắt đầu tiết học trực tuyến, học Online.
Không gian đó phải là nơi yên tĩnh, nếu có phòng riêng thì càng tốt, nên đóng cửa để không bị phân tán tư tưởng, nếu nhà có hai học sinh thì mỗi người 1 phòng, không bật các thiết bị như tivi, đài… phát ra âm thanh ngoài thiết bị đang dùng để học.
Tư thế ngồi học cũng rất quan trọng, vì vậy tôi cũng yêu cầu học sinh ngồi học ngay ngắn tại bàn học, trang phục nghiêm chỉnh thì sẽ có cảm giác tập trung hơn.
Học sinh đã quen với việc nhìn bảng và tương tác trực tiếp với giáo viên ở trên lớp, vậy nên việc trình bày của giáo viên ở trên màn hình khi dạy Online phải hết sức khoa học, dễ hiểu, chữ viết rõ ràng, ngắn gọn, súc tích và không viết tắt bởi môn Văn có một đặc trưng là khi các em nhìn lên màn hình học Online mà thấy nhiều chữ quá thì đều có cảm giác là ngại, không muốn học.
Hơn nữa giáo viên phải có sự tương tác với học sinh trong quá trình dạy Online, khi xem trên truyền hình là một chuyện, nhưng ví dụ giáo viên các bộ môn khi dạy thì bao giờ chúng tôi cũng ưu tiên những phần mềm có sự tương tác, trao đổi thì học sinh sẽ học sôi nổi hơn.
Còn nếu cứ dạy độc thoại như trên truyền hình, hoặc sử dụng các phần mềm có ít tương tác thì học sinh nhanh chán, không tập chung và như vậy rõ ràng là các em không tiếp thu được kiến thức, đó có thể nói là thất bại”.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga và các em học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng). Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Cũng theo cô Nga: “Việc dạy trên truyền hình như hiện nay rất cần sự phối hợp từ nhà trường, giáo viên, học sinh và cha mẹ các em, tất cả đều phải phối hợp cùng vào cuộc. Tôi thấy nếu như giáo viên các trường có kết nối, hợp tác được với các chương trình dạy trực tuyến trên ti vi thì những tiết học đó sẽ có hiệu quả hơn.
Khi học sinh theo dõi tiết học trên ti vi thì giáo viên bộ môn như tôi cũng phải ngồi xem, sau đó cùng thảo luận tổ bộ môn để giải đáp những vấn đề mà học sinh chưa hiểu.
Chúng tôi không những theo dõi, phân tích mà còn lưu lại những đường link để sau đó gửi cho học sinh xem lại. Tôi nghĩ việc này nó là sự kết hợp trên mọi mặt, còn nếu xé lẻ ra thì sẽ không đạt được hiệu quả tổng thể như mong muốn.
Tôi hướng dẫn cho học sinh cách ghi chép khi học qua truyền hình, không phải là chép chính tả vì tốc độ dạy rất nhanh nên các em chỉ nên ghi những ý chính, cũng có nhiều em nghe không kịp, chính vì vậy mà chúng tôi theo dõi, dựa trên những gì cô biết để giải đáp cho các em, việc này rất quan trọng.
Ngoài ra tôi cũng tổ chức những cuộc thi Online sau khi các em học xong tiết học trên ti vi, nội dung cuộc thi là hỏi lại kiến thức mà các em vừa được tiếp nhận, thi xem ai ghi bài tốt, từ đó sẽ bộc lộ những điểm yếu của học sinh để bổ sung, có như vậy sẽ khuyến khích được các em tham gia học tập”.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga: " Việc dạy trên truyền hình như hiện nay rất cần sự phối hợp từ nhà trường, giáo viên, học sinh cũng như cha mẹ các em, tất cả đều phải phối hợp cùng vào cuộc". Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Lưu ý khi học Ngữ văn trên truyền hình
Cô Nga cho biết: “Những giáo viên dạy trên truyền hình bao giờ cũng có những chỗ ngắt, nghỉ sau một phần để chuyển sang ý mới, vậy nên học sinh phải để ý chỗ chuyển ý đó.
Trong quá trình nghe giảng thì các em ghi chép theo từ khóa, nên ghi từ 4 đến 8 chữ cho 1 ý, có như vậy thì mới theo kịp được.
Ngay từ khi nghỉ phòng chống dịch thì tôi đã duy trì dạy Online một tuần 2 buổi cho 1 lớp, nguyên tắc của tôi là phải lắng nghe học sinh, thay đổi liên tục các hình thức, ví dụ như nếu dạy tương tác thì tôi sử dụng công cụ Zoom và ngay trong Zoom tôi cũng luôn thay đổi để khuyến khích học sinh tham gia.
Có lúc tôi lại dùng phần Chat để học sinh viết và tôi sửa được luôn, khi vào bài văn tôi lại dùng hình thức hỏi trực tiếp để học sinh phát biểu, nhiều lúc lại dùng các phần mềm để vừa trả lời câu hỏi, đồng thời thi đấu giữa các nhóm học sinh với nhau khiến cho các em rất hào hứng.
Ngay như ở nhà thì các em có thể đấu Online với nhau, hoặc các lớp đấu với nhau, tôi luôn thay đổi hình thức vì nếu cứ theo mãi một phần mềm sẽ khiến các em chán, tâm lý các em thích cái mới và sự linh hoạt, đa dạng.
Học trực tuyến, học qua truyền hình không phải là khoán hết cho học sinh |
Có những phần mềm cao cấp nhưng không phải học sinh nào cũng có đủ thiết bị đầu cuối để sử dụng, vì vậy chúng tôi thường lựa chọn những phần mềm phổ thông, thuận tiện dễ sử dụng cho cả cô và trò, như vậy thì việc học tập sẽ đem lại kết quả cao hơn.
Ngoài ra tôi cũng thông báo đến các phụ huynh học sinh để họ nắm bắt được thời khóa biểu, giờ học, từ đó giáo viên phối hợp cùng gia đình để quản lý tốt hơn việc học tập của các em ở nhà.
Phải thường xuyên trao đổi, chia sẻ và tạo tâm thế học tập cho học sinh, chính về thế tôi rất hay nói chuyện với các em về trách nhiệm của mỗi người trong việc chung tay với cộng đồng.
Thầy trò lớp tôi có một khẩu hiệu và cũng đã gửi đến các phụ huynh học sinh từ đầu mùa dịch là “Cách tốt nhất để cống hiến và giúp chung tay cùng xã hội lúc này, đó là làm tốt nhiệm vụ của mình”, vậy nên học sinh cũng hiểu được nhiệm vụ cần thiết nhất lúc này của mình là học.
Học sinh tiếp nhận là bằng cảm xúc trước, nên khi bắt đầu vào giờ học Online thì bao giờ tôi cũng trao đổi về tư tưởng, cảm xúc trước rồi sau đó mới truyền kiến thức.
Nhưng trong trường hợp bất khả kháng như hiện nay thì mình phải biến những điều kiện chưa thuận lợi thành khả năng mình để có thể đáp ứng được, vậy nên tôi cũng như các giáo viên trong trường đang ở trạng thái cố gắng hết mức có thể, còn tất nhiên là không thể bằng giao tiếp trực tiếp giữa giáo viên và học sinh.
Cái hạn chế lớn nhất hiện nay là chúng tôi không tổ chức được cho học sinh làm việc nhóm, làm việc nhóm này rất quan trọng, bây giờ có thể trao đổi nhóm Online nhưng cũng không thể bằng các em họp lại với nhau trực tiếp điều hành trên lớp.
Nhưng về mặt kiến thức thì tôi nghĩ học Online có thể truyền tải cơ bản gần hết, nhưng cũng có điều thuận lợi là đợt nghỉ này như một cú kích cho học sinh cũng như giáo viên buộc phải tiếp thu về công nghệ thông tin.
Chúng tôi cũng rất may mắn là được ban giám hiệu nhà trường thường xuyên cung cấp các phần mềm mới, hướng dẫn và đồng thời thiết lập các đường truyền Internet tốc độ cao nên giáo viên trong trường rất thuận lợi cho việc dạy học Online”.