Ngày xưa chúng tôi chạy loạn, chạy giặc suốt mà vẫn học hành đàng hoàng đấy thôi

19/03/2020 06:38
Tùng Dương
(GDVN) - Thế giới họ có những nhân tài mới 10 tuổi đã vào đại học, trong khi chúng ta cứ 12 bậc thang mà bước thì đến bao giờ mới hội nhập được. Phải thay đổi cách dạy.

“Theo tôi thì thời đại này đã mở ra cho con người nhiều cách học mà người thầy, cha mẹ cũng như các nhà quản lý xã hội phải thấy được điều đó.

Rõ ràng là các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin quá phát triển như Internet, truyền hình, công nghệ không dây cách xa hàng vạn km mà như ngồi cạnh nhau thì tại sao con người lại bắt nhau phải học theo kiểu cũ.

Hơn nữa mọi người đâu phải đều giỏi như nhau, kiến thức của mỗi con người nó là một sự tổng hợp rất nhiều loại hình khác nhau, cũng như từ nhiều nguồn khác nhau, có thể tôi là một người giỏi ở địa điểm này nhưng ở nơi khác tôi chỉ là người tầm thường, vậy nên phải kết hợp.

Vì thế cho nên phụ huynh học sinh, giáo viên cũng như các nhà quản lý phải thay đổi lại quan niệm về cách dạy và cách học từ xưa đến nay xem có còn phù hợp hay không”, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Nguyên giáo viên dạy Toán tại Trường Trung học phổ thông Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cả hai vợ chồng nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc luôn trăn trở về việc dạy và học hiện nay. Ảnh: Tùng Dương.
Cả hai vợ chồng nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc luôn trăn trở về việc dạy và học hiện nay. Ảnh: Tùng Dương.

Theo thầy Ngọc: “Công bằng mà nói thì cách học như cũ tôi cho rằng đã quá lạc hậu rồi, chúng ta phải thấy trẻ em bây giờ may mắn hơn thời đại của ông cha chúng ngày xưa.

Ngay cả ở nước Mỹ thì trường Đại học Harvard cũng phát tài liệu cho sinh viên tự nghiên cứu, sau đó làm tổng kết gửi lại trường, rồi thi nếu đạt thì nhà trường sẽ chấp nhận kết quả học và cấp bằng.

Những việc như vậy thế giới đã làm rồi, chỉ cần những ông thầy thật giỏi và có một hệ thống quản lý tốt là mọi việc sẽ trở nên đơn giản.

Vậy nên tôi nghĩ rằng nhìn toàn cục mà nói thì thời đại này phải thay đổi lại quan niệm về giáo dục, ở trên lớp thì người thầy không phải đóng vai trò truyền thụ kiến thức mình có vào đầu học trò, mà phải là người phát hiện năng khiếu của học sinh, xem mạnh hay yếu ở điểm nào để giúp các em phát triển tài năng hữu ích cho xã hội sau này.

Đó mới là những người thầy đúng nghĩa chứ không phải đọc cho học sinh chép những điều trong sách giáo khoa.

Cha mẹ cũng vậy, không thể lấy quyền uy để bắt con phải làm theo mình, mà phải xem con mình mạnh hay yếu ở điểm nào để phát triển cho con.

Hiện nay, tôi thấy các bậc phụ huynh nhận thức về điện thoại thông minh hay máy tính vẫn còn ấu trĩ quá, cứ thấy trẻ con cầm vào các thiết bị đó là cấm, tại sao lại như thế? Tôi thấy trẻ em học được kiến thức từ những thiết bị này là vô cùng lớn, lớn hơn so với học ở lớp và ở nhà.

Theo tôi bố mẹ cấm vì không hiểu con mình đang làm cái gì với những thiết bị đó, vì không hiểu nên tốt nhất là cấm, không quản lý được là cấm, đó cũng là tư duy hiện nay của một số cán bộ quản lý trong xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Tư duy ấy đã quá cũ và lạc hậu lắm rồi.

Rõ ràng việc cho học sinh nghỉ hay đi học, hay học vào thời điểm nào là đều do chúng ta đặt ra. Đặt ra học kỳ 1 đến đây và học kỳ 2 đến đây là do quản lý, bảo thế nào thì các em học như thế.

Ở các nước họ đâu có học kỳ 1, học kỳ 2 như chúng ta mà họ học từng đoạn theo học phần rồi học sinh được nghỉ đông, nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ tết… đủ cả, cứ 2 tháng là các em lại được nghỉ một đợt ngắn mà có làm sao đâu, việc gì cứ phải nghỉ liền 3 tháng hè.

Học có nhiều cách, vậy nên trong thời kỳ kháng chiến ác liệt chúng ta không học nổi, phải chạy về quê sơ tán đủ kiểu nhưng rồi chương trình chúng ta cũng sắp xếp đâu vào đấy, thi tốt nghiệp vẫn tốt, thậm chí có cả xét đặc cách cho những người đi làm nhiệm vụ cũng có làm sao đâu.

Cái đó là do chúng ta đặt ra và thực hiện, vậy chúng ta không nên bảo thủ và cứ khư khư như tôi đã làm thì mới đúng, còn làm khác đi là sai.

Tôi thấy trong thời gian này nó bật ra được nhiều thứ, trong cái rủi có cái may và nhất là trong đợt dịch bệnh này thì nhiều lĩnh vực nói chung và giáo dục nói riêng cũng đã mở mắt ra được nhiều điều.

Nhiều giáo viên có lương tâm và trách nhiệm thấy rằng lúc này học sinh phải nghỉ học ở nhà dễ mải chơi, vậy nên có nhiều trường tư thục đã tiến hành dạy học Online từ những ngày nghỉ học đầu tiên cho đến bây giờ, họ không ngừng một buổi học nào cả và mọi việc đang tiến triển rất tốt.

Hiệu trưởng trường tư thục tập hợp các giáo viên lại, từng tổ bộ môn ngồi lại với nhau và lên giáo trình dạy học Online. Tôi thấy đây là một việc làm rất hay, học sinh không phải nghỉ mà kết quả học tập vẫn chất lượng”.

Kiến thức đến với học sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Kiến thức đến với học sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Những cái lợi từ việc học Online

Thầy Ngọc nói: “Nếu Bộ Giáo dục đưa ra được một giáo trình học Online cho các cấp học, và chấp nhận kết quả bằng cách quản lý tốt các khâu giáo trình, học, thi kiểm tra thì chúng ta sẽ có nhiều cái lợi.

Thứ nhất: Học sinh vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo sẽ có đủ giáo viên giỏi, chương trình tốt để học, các em không phụ thuộc vào trường nào hay trung tâm nào, các em ở xa vẫn được học các thầy ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí cả các giáo viên trên toàn thế giới.

Thứ hai: Có thể có rất nhiều học sinh giỏi nên không nhất thiết phải học theo thứ tự từ lớp 1, lớp 2 cho đến lớp 12. Thế giới họ cũng có những nhân tài mới 10 tuổi đã vào đại học, trong khi chúng ta cứ 12 bậc thang mà bước thì đến bao giờ mới hội nhập được.

Thứ ba: Tốc độ dạy Online tiến rất nhanh và tránh được nhiều phiền hà tạo ra cơ chế tiêu cực như trong ngành giáo dục chúng ta đã thấy.

Thứ tư: Dạy Online nó đánh giá thực chất, thỏa mãn được nhiều đối tượng già, trẻ, miền núi, hải đảo... đều có thể học được mà không phụ thuộc vào không gian cũng như khoảng cách. Nếu đời sống xã hội văn minh phát triển thì con người ta càng về sau càng có nhu cầu học thì việc dạy Online này sẽ đáp ứng được, vì việc học tập là cả đời.

Vậy dạy Online có ưu điểm hơn rất nhiều so với dạy truyền thống và chất lượng cũng không hề kém. Theo tôi thế giới họ cũng đã cấp bằng cho những khóa học Online nên Việt Nam cũng nên học tập, nhưng mấu chốt của vấn đề là phải thật sự minh bạch trong các khâu dạy, học và thi cấp bằng".

Vậy dạy Online có ưu điểm hơn rất nhiều so với dạy truyền thống và chất lượng cũng không hề kém. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Vậy dạy Online có ưu điểm hơn rất nhiều so với dạy truyền thống và chất lượng cũng không hề kém. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Thầy Ngọc chia sẻ: "Tôi biết hiện nay rất nhiều giáo viên có tài nhưng đã nghỉ hưu, nhiều giáo sư, tiến sĩ, giáo viên các trường… có thể tham gia soạn và đưa ra các giáo trình tốt để dạy Online cho các cấp từ tiểu học đến đại học. Như vậy, chúng ta tránh được chuyện lãng phí nguồn nhân lực.

Các giáo trình đó phải được Bộ kiểm soát và định hướng, sau đó đưa lên mạng cho toàn dân dùng, còn việc giáo trình đó có được tín nhiệm, chất lượng hay không thì không thuộc về cá nhân hay bộ phận nào đánh giá, mà như trên thế giới là người học, người tiếp nhận nó sẽ đánh giá, giáo trình nào nhiều người học thì tôi cho giáo trình đó chất lượng.

Thế giới người ta đánh giá một ông giáo sư, một nhà bác học có tài hay không thì thường họ không nói đến bằng cấp, mà chỉ cần nói đến những tài liệu ông ta đưa lên mạng đã được bao nhiêu người vào đấy tra cứu, số lượng người tra cứu tham khảo trích dẫn nhiều là ông đó giỏi. Xã hội văn minh là như vậy thì tại sao chúng ta cứ bó vào cái cũ.

Ngày xưa chúng tôi chạy loạn, chạy giặc suốt mà vẫn học hành đàng hoàng đấy thôi ảnh 4Dạy trực tuyến với lớp học... “trên mây”

Bộ cứ làm được giáo trình Online và đưa ra, học sinh học và thi, nếu qua được thì phải chấp nhận và cấp bằng.

Như vậy sau này chúng ta sẽ có những sinh viên 15 tuổi… và đó là những thiên tài vốn quý của dân tộc, các em tự vào học Online và thi đỗ, đâu cần phải tuổi cao hay thấp, cần gì phải học đủ giáo trình 12 năm, thậm chí giáo trình 1 năm nhưng tôi chỉ học 1 tháng đã xong, miễn là tôi qua được kỳ thi kiểm tra.

Chúng ta phải có hệ thống kiểm tra nghiêm ngặt thì sẽ thấy rõ ràng lợi ích từ việc học Online rất lớn, bây giờ chúng ta phải thay đổi lại cách dạy cách học, và Việt Nam thừa sức làm được việc đó.

Còn đánh giá phương pháp giáo dục cũ và giáo dục Online thì mỗi cái đều có ưu và nhược điểm riêng, đây tôi nói giáo dục là giáo dục phổ thông, giáo dục toàn dân.

Giáo dục phổ thông là các em từ lớp 1 cho đến lớp 12 thì có 2 khía cạnh, đó là dạy làm người và dạy chữ, nếu dạy Online để dạy làm người thì hơi khó, đương nhiên có nhiều cách dạy nhưng hiện nay bị pha tạp nhiều quá nên nó bị phản giáo dục, cho nên vẫn phải dạy trực tiếp.

Trong các đối tượng đi học thì phân ra nhiều các đối tượng khác nhau, nếu chúng ta có cơ chế dạy thông thoáng, rằng em nào học vượt được chương trình thì nhà trường sẽ chấp nhận, như vậy thì vấn đề dạy Online có tác dụng ngay.

Theo tôi từ lớp 1 cho đến lớp 5 chúng ta cứ dạy phổ cập vì các em hãy còn bé, chưa bộc lộ hết năng khiếu, nhưng từ cấp 2 trở lên là chúng ta thấy rõ rồi và có thể khuyến khích các em tự tìm hiểu kiến thức, phát triển thế mạnh và việc dạy kiến thức Online ở lứa tuổi này là rất thích hợp”.

Tùng Dương