Chỉ tuyển giáo viên không quá 30 tuổi, nhiều thầy cô mất trắng cơ hội

17/06/2020 06:04
NGUYỄN CAO
GDVN- Ủy ban nhân dân thành phố Vinh nên trao cho tất cả mọi người cơ hội như nhau là cùng tham gia thi (xét) tuyển để tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng với nhau.

Đã từ lâu rồi, đa phần các địa phương trên cả nước đều thừa giáo viên nên nhiều giáo sinh ra trường không xin được việc làm. Nhiều người phải xin đi dạy hợp đồng để chờ cơ hội được đứng trên bục giảng.

Nhưng, cũng chính vì tình trạng dư thừa giáo viên nên đã dẫn đến việc các cơ quan tuyển dụng đưa ra những quy định, yêu cầu khắt khe, khiến cho nhiều người mất đi cơ hội để được dự tuyển.

Câu chuyện này đã và đang được phản ánh khá nhiều khi mà Ủy ban nhân dân thành phố Vinh (Nghệ An) ra thông báo tuyển dụng giáo viên nhưng lại khống chế “tuổi đời không quá 30 tuổi”.

Quy chế tuyển dụng viên chức ngành giáo dục của thành phố Vinh (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Quy chế tuyển dụng viên chức ngành giáo dục của thành phố Vinh

(Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Cái lý của cơ quan tuyển dụng

Trước sự việc Ủy ban nhân dân thành phố Vinh đưa ra yêu cầu khi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục là “tuổi đời không quá 30 tuổi” khiến cho nhiều người băn khoăn.

Điều này được được ông Đậu Vĩnh Thịnh- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vinh chia sẻ: “Những giáo viên lớn tuổi thường hạn chế về sức khỏe và biểu hiện an phận, sức phấn đấu kém so với những người trẻ tuổi hơn.

Thành phố Vinh muốn khống chế độ tuổi để tuyển chọn được những giáo viên trẻ hơn, có sức bật mạnh hơn, gần gũi với chuyên môn hơn”. [1]

Những điều mà ông Đậu Vĩnh Thịnh- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vinh cũng có cái lý riêng của đại diện cho cơ quan tuyển dụng viên chức ngành giáo dục của địa phương này.

Nhưng là người nhiều năm làm công tác giảng dạy ở bậc phổ thông, chúng tôi cảm thấy có nhiều điều xót xa cho các đồng nghiệp của mình khi nghe tin này.

Thực tế có những giáo sinh ra trường nhiều năm nhưng chưa có cơ hội được tuyển dụng, họ đang phải dạy hợp đồng, họ vẫn khát khao được đứng trên bục giảng và âm thầm chờ cơ hội thi tuyển, xét tuyển.

Ảnh minh họa, thí sinh làm bài thi trong kỳ thi tuyển và xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã năm 2019 của thành phố Hà Nội. Ảnh: Hữu Tiệp / Báo Hà Nội Mới.

Ảnh minh họa, thí sinh làm bài thi trong kỳ thi tuyển và xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã năm 2019 của thành phố Hà Nội. Ảnh: Hữu Tiệp / Báo Hà Nội Mới.

Khống chế tuổi cũng có nghĩa là một cách loại trực tiếp những trường ngoài số tuổi quy định mà trong số này có nhiều người vẫn mong có cơ hội để được thi (xét) tuyển để trở thành viên chức ngành giáo dục.

Nếu nhà tuyển dụng là các trường tư thục thì những quy định về độ tuổi hay những yêu cầu riêng thì không nói làm gì nhưng đây là viên chức nhà nước thì quy định như vậy có lẽ khiến nhiều người hụt hẫng.

Bởi, không chỉ ở thành phố Vinh mà giáo viên nhiều nơi trên cả nước đang cố bám vào những số tiết dạy hợp đồng rẻ mạt để níu kéo những hy vọng được gắn bó với ngành giáo dục.

Bây giờ, Ủy ban nhân dân thành phố Vinh đưa ra quy định như vậy cũng đồng nghĩa những tia hy vọng cuối cùng của những giáo viên hợp đồng, hay những người đang thất nghiệp ngoài 30 tuổi bỗng tan biến mất vì cơ hội đã đóng lại với họ.

Ủy ban nhân dân thành phố Vinh nên mở ra một cơ hội cạnh tranh cho nhiều người

Thực tế dễ nhận thấy rằng nhân lực ngành sư phạm đã và đang dư thừa và mỗi ngày càng nhiều hơn, nhất là đối với các tỉnh từ miền Trung trở ra.

Trong số những giáo viên trên 30 tuổi vẫn có nhiều người đang đầy nhiệt huyết, sức khỏe và khát khao cống hiến cho ngành giáo dục bởi nhiều người đang dạy hợp đồng.

Thông thường, ở độ tuổi 30-40 là cái tuổi đẹp nhất khi mà họ đủ chín chắn, có kinh nghiệm và tràn đầy sức lực, nhiệt huyết của người thầy.

Vì thế, hơn lúc nào hết thì Ủy ban nhân dân thành phố Vinh nên trao cho tất cả mọi người một cơ hội như nhau là cùng tham gia thi (xét) tuyển để tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng với nhau.

Nếu tuyển chọn như vậy thì chắc rằng Ủy ban nhân dân thành phố Vinh sẽ lựa chọn được những người có chuyên môn, đạo đức, sức khỏe tốt nhất cho địa phương.

Nếu như các giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đang đấu tranh để được xét tuyển đặc cách, thì với quy định này của thành phố Vinh, ngay cả cơ hội thi tuyển công bằng với các ứng viên trẻ hơn cũng bị lấy mất, những giáo viên hợp đồng cố bám trụ với nghề chờ ngày thi tuyển sẽ làm gì đây?

Hơn nữa, tại khoản 1, Điều 22 của Luật viên chức 2010 đã hướng dẫn cụ thể như sau:

Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:

- Có lý lịch rõ ràng;

- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;

- Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;

- Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật”...

Như vậy, Luật viên chức cũng không hề khống chế độ tuổi đối với việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.

Hơn nữa, tiến tới đây thì nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi mới về hưu nên việc khống chế độ tuổi không quá 30 tuổi của Ủy ban nhân dân thành phố Vinh sẽ khiến cho nhiều người không có cơ hội dự tuyển.

Điều này cũng được ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định: "Tiêu chuẩn tuổi đời không quá 30 tuổi mà Ủy ban nhân dân thành phố Vinh đưa ra không hợp lý.

Đặc biệt, địa bàn có nhiều giáo hợp đồng tuổi đời trên 30 tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình công tác và nhiều cống hiến cho ngành".[2]

Hàng chục năm qua, nhiều giáo sinh ở các tỉnh miền Trung khi ra trường phải tìm đến nhiều địa phương khác nhau để tìm việc làm hoặc ở lại quê nhà dạy hợp đồng cũng vì địa phương mình dư thừa nhân lực quá nhiều.

Vì thế, sẽ hợp lý hơn khi Ủy ban nhân dân thành phố Vinh bỏ đi yêu cầu “tuổi đời không quá 30 tuổi” để tạo cho những người trên 30 tuổi có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các bạn trẻ tuổi. Và khi đã vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực này, không ai có thể nói những thầy cô ngoài 30 thua kém các đồng nghiệp trẻ hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thanh-pho-vinh-ra-tuyen-vien-chuc-giao-duc-khong-qua-30-tuoi-648843.html

[2] //giaoducthoidai.vn/tuyen-giao-vien-khong-qua-30-tuoi-tai-nghe-an-lam-kho-giao-vien-20200616095137159.html

NGUYỄN CAO