Khen thưởng học sinh đại trà ở cuối năm học đã trở thành căn bệnh khó chữa

12/07/2020 06:55
NHẬT DUY
GDVN- Nhà trường muốn thành tích, giáo viên cũng muốn có thành tích, phụ huynh cũng muốn con mình được khen thưởng nên nhiều học sinh không hiểu sao mình lại được khen.

Mấy ngày nay, bức ảnh cả lớp chỉ có 1 học sinh duy nhất không giơ giấy khen đã trở thành tâm điểm trên các tờ báo, mạng xã hội và nhận được rất nhiều bình luận.

Nhìn vào bức ảnh, phần đông mọi người đều ngao ngán với hiện tượng khen thưởng học sinh ở nhiều trường tiểu học hiện nay. Vì sao lại có hiện tượng khen thưởng đại trà như vậy và đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Hình ảnh em học sinh ngồi đầu bàn không được khen thưởng trở nên lẻ loi trong lớp (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Hình ảnh em học sinh ngồi đầu bàn không được khen thưởng trở nên lẻ loi trong lớp

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Phải thừa nhận một điều là chuyện khen thưởng học sinh ở cấp tiểu học hiện nay đang rất khó kiểm soát vì rất nhiều lí do khác nhau.

Nhà trường muốn có thành tích, giáo viên cũng muốn có thành tích, phụ huynh cũng muốn con mình được khen thưởng nên nhiều học sinh không hiểu sao mình lại được khen thưởng.

Theo hướng dẫn ở Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì khi học sinh kiểm tra cuối kỳ, cuối năm mà các môn đánh giá bằng điểm số đạt từ 9 điểm trở lên.

Đối với những môn đánh giá bằng nhận xét được xếp ở mức hoàn thành tốt (T) là được khen thưởng danh hiệu: “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.

Ngoài ra, những em có cố gắng ở môn học nào, hoạt động nào cũng đều được khen thưởng để ghi nhận sự cố gắng của các em.

Trong khi, với cấp tiểu học hiện nay thì đề kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ nhà trường đảm nhận toàn bộ nên giáo viên các khối thường thống nhất với nhau trong các đơn vị kiến thức.

Nhất là học sinh lớp 1 và lớp 2 thì rất dễ được khen thưởng vì 2 lớp học này các em chưa học môn tiếng Anh- ít khi bị khống chế về điểm số.

Chỉ cần các môn cho điểm (giáo viên chủ nhiệm dạy) được 9 điểm trở lên và 3 môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật xếp loại “T” là được khen thưởng danh hiệu học sinh xuất sắc.

Trong khi, học sinh đạt được 9 điểm trở lên bây giờ cực dễ vì đề kiểm tra học kỳ thì giáo viên ra, ôn tập thì giáo viên ôn, gác kiểm tra cũng thường là giáo viên dạy lớp nào thì gác lớp đó nên em nào sai là giáo viên điều chỉnh ngay từ lúc đang làm bài.

Khi chấm kiểm tra thì cũng giáo viên chủ nhiệm chấm nên giáo viên muốn em nào được khen thưởng thì đều nằm trong sự tính toán của thầy cô hết cả rồi.

Đối với 3 môn nhận xét lại quá dễ vì nếu 3 môn này mà giáo viên xếp ở mức hoàn thành (H) thì giáo viên chủ nhiệm xin mà việc xin thay đổi kết quả nhận xét thì khá phổ biến.

Đa phần các Ban giám hiệu nhà trường đều chủ trương học sinh nào đủ số điểm để khen thưởng thì giáo viên bộ môn phải “phối hợp” để xếp loại học sinh với giáo viên chủ nhiệm.

Vì vậy, mới xảy ra hiện tượng khen thưởng đại trà ở tiểu học, nhất là khu vực đô thị- nơi mà nhiều phụ huynh gửi gắm con mình học thêm với giáo viên chủ nhiệm.

Chính vì phụ huynh gửi con học thêm cả năm nên gần như em nào cũng được thầy cô chủ nhiệm xếp và đề nghị khen thưởng.

Việc khen thưởng bây giờ cũng rất dễ dàng vì giấy khen thì nhà trường tự in, phần thưởng thì nhà trường vận động xã hội hóa từ phụ huynh học sinh nên nhà trường cũng gần như không mất gì.

Chỉ vất vả mấy ngày khi huy động giáo viên nữ vào gói quà. Tuy nhiên, bây giờ các dịch vụ cũng sẵn nên nhiều khi nhà trường liên hệ và đặt sẵn ở các cửa hàng văn phòng phẩm gói luôn.

Vậy nên, khen nhiều thì nhà trường cũng có mất mát gì đâu mà lại được tiếng. Nhà trường thì có số liệu đẹp để báo cáo lên trên, giáo viên thì có tiếng là dạy giỏi để có thể tạo thêm “uy tín” của mình đối với phụ huynh ở các khóa sau.

Phụ huynh thì có giấy khen, phần thưởng của con để tự hào và để khoe với mọi người, khoe trên mạng xã hội.

Hệ lụy của việc khen thưởng tràn lan

Không phải bây giờ mà việc khen thưởng tràn lan ở tiểu học đã được phản ánh khá nhiều trong các năm học gần đây.

Cũng chính vì loạn danh hiệu học sinh xuất sắc ở tiểu học học mà khi lên đến trung học cơ sở thì giáo viên cấp học này phải ngỡ ngàng vì nhìn học bạ thì đẹp vô cùng nhưng nhiều em chưa đọc thông, viết thạo, làm những bài toán đơn giản mà không được.

Cũng chính vì loạn học sinh xuất sắc nên dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy thêm ở tiểu học nhưng giáo viên tiểu học vẫn dạy thêm như thường, kể cả đối với học sinh bán trú.

Học sinh thì nhiều em lơ mơ về kiến thức, chủ quan trong học tập vì đã đạt được danh hiệu cao nhất trong học tập. Nhiều phụ huynh cứ tưởng là con mình học giỏi…

Giáo viên thì cứ dối lừa nhau và cứ mạnh tay xếp loại học sinh ở mức cao chót vót, hết năm là hết trách nhiệm và cứ thế đẩy lên dần làm khổ giáo viên ở các lớp trên.

NHẬT DUY