Những ngày cuối tháng năm, các trường học trong cả nước đều đồng loạt tổ chức lễ tổng kết năm học.
Điều không ít người quan tâm vẫn là chuyện giấy khen và phần thưởng.
Kể từ khi áp dụng Thông tư 30 và Thông tư 22 bổ sung sửa đổi thì nhiều chuyện về khen thưởng đã xảy ra.
Hình ảnh minh họa về vấn đề thi đua - khen thưởng trong ngành giáo dục (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Ngoài tỉ lệ học sinh được khen thưởng tăng vọt so với trước đây còn xảy ra chuyện “loạn” cách khen và “loạn” phần thưởng.
Ở bài viết này, chúng tôi sẽ phản ánh chuyện "loạn" cách khen và “loạn” phần thưởng để bạn đọc thấy được việc khen và thưởng ở bậc tiểu học đang nhiêu khê đến mức nào.
Khen thưởng trong nhà và ngoài trời
Khái niệm “Khen thưởng trong nhà”; “Khen thưởng ngoài trời” cũng mới xuất hiện từ khi bậc tiểu học thay đối cách đánh giá xếp loại học sinh.
Do lượng học sinh được khen quá nhiều nên không ít trường đặt ra quy định 2 kiểu khen thưởng.
Đó là khen trong nhà và khen ngoài trời.
Những học sinh nổi bật thường được vinh dự nhận giấy khen và phần thưởng ngoài sân lễ do nhà trường phát gọi là khen thưởng ngoài trời.
Ai đủ sức chữa được những “bệnh” này ở nhà trường, giáo viên? |
Số học sinh còn lại nhận thưởng trong lớp do giáo viên chủ nhiệm phát gọi là khen thưởng trong nhà.
Học sinh đương nhiên sẽ thích được ra ngoài nhận thưởng hơn vì “Một miếng giữa đàng hơn một sàng xó bếp”.
Thưởng mà không khen
Phần thưởng của những học sinh nhận ngoài trời và học sinh nhận trong nhà cũng khác nhau.
Nhận thưởng ngoài trời ngoài tờ giấy khen có thể nhận được từ 7-10 cuốn vở.
Những học sinh thưởng trong nhà cũng có một tờ giấy khen và khoảng 5 cuốn vở.
Ngoài ra còn một kiểu thưởng (bằng hiện vật) mà không khen (không có giấy khen của trường).
Phần thưởng này tự giáo viên đặt ra mà không thông qua trường.
Có thầy cô chỉ phát thưởng (bằng tiền của phụ huynh) cho dăm em có lực học nổi trội kế sau những em đã được khen của nhà trường.
Có thầy cô mua phần thưởng phát đều cho những học sinh còn lại trong lớp mà không được khen.
Một số giáo viên cho biết “Cuối năm, em nào cũng nhận thưởng cho vui”.
Tạo ra những phần thưởng này vì không ít giáo viên nói “Thấy tội cho các em, cả năm học vất vả, xem như động viên, khuyến khích các em cố gắng hơn trong học tập”.
Thế là, cả lớp đều được khen thưởng. Phụ huynh vui, học sinh vui, giáo viên đương nhiên cũng thấy vui.
Nhưng không phải ai cũng thấy thế, một số ít phụ huynh lại cho rằng“ khen thưởng đại trà tạo cho một số em có suy nghĩ tự mãn “Học như thế cũng được thầy cô thưởng” nên không biết cố gắng, phấn đấu trong học tập”.
Có phụ huynh thắc mắc “Làm thế khó nhắc nhở con. Trong năm học, thầy cô liên tục gọi điện phàn nàn con lười học.
Mình cũng rày la nhưng cuối năm lại nhận phần thưởng của thầy cô nó nói “Mẹ thấy chưa? Con mà học dốt thì cô đâu tặng quà?”
Khen thưởng học sinh là hoạt động giáo dục quan trọng, theo đúng quy định hiện hành. Khen thưởng đúng sẽ tạo ra động lực cho các em phấn đấu và rèn luyện.
Ngược lại, khen không đúng theo kiểu “hòa cả làng” dễ nảy sinh ra tiêu cực cho chính các em học sinh.
Bởi thế, cần loại bỏ kiểu khen trong nhà hay chỉ thưởng mà không khen như cách làm của một số trường học hiện nay.