Đừng lạm dụng từ "xuất sắc" trong xếp loại và khen thưởng học sinh cấp tiểu học

16/04/2020 06:16
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Học sinh tiểu học rất cần khen, cần khích lệ để các em cố gắng vươn lên trong học tập nhưng có cần thiết phải lạm dụng từ “xuất sắc” như hiện nay hay không?

Ngày 9/4/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới- đây được xem là bước chuẩn bị cần thiết để ngành giáo dục bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2020-2021 tới đây.

Theo Dự thảo Thông tư quy định Đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học vừa được Bộ công bố để lấy ý kiến từ ngày 9/4 đến ngày 9/6/2020 thì Dự thảo của Thông tư lần này đã kế thừa những nội dung cơ bản của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT hiện hành.

Điều chúng tôi thấy vẫn băn khoăn là Dự thảo Thông tư này vẫn duy trì xếp loại và khen thưởng danh hiệu học sinh “xuất sắc” ở cuối năm học. Liệu khi áp dụng Thông tư chính thức thì còn xảy ra tình trạng loạn học sinh xuất sắc như hiện nay hay không?

Việc đánh giá, khen thưởng không đúng sẽ phản tác dụng đối với học sinh tiểu học (Ảnh minh họa: vov.vn)

Việc đánh giá, khen thưởng không đúng sẽ phản tác dụng đối với học sinh tiểu học

(Ảnh minh họa: vov.vn)

Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30 và sau đó là Thông tư 22 vào năm 2016 quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học thì ngành giáo dục đã chuyển từ việc cho điểm sang đánh giá bằng nhận xét. Nhưng, cuối học kỳ thì kiểm tra một số môn lấy điểm số như: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lí…

Thay vào đó, tên gọi các danh hiệu để khen thưởng cuối kỳ, cuối năm cho học trò cũng được gọi khác so với trước đây.

Bởi ngày trước thì cấp tiểu học có các danh hiệu: học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nhưng khi thực hiện Thông tư 30 và Thông tư 22 thì có các danh hiệu: học sinh hoàn thành xuất sắc các môn học; danh hiệu học sinh có thành tích vượt trội. Ngoài ra, còn có khen thưởng đột xuất cho nhưng học sinh có thành tích đột xuất trong năm học…

Tuy nhiên, khi thực hiện Thông tư này thì các nhà trường đã đôn lên khen thưởng học sinh đạt danh hiệu: học sinh xuất sắc quá nhiều. Các trường tiểu học đều hướng tới việc khen thưởng danh hiệu học sinh xuất sắc nên nhiều lớp học có tới hơn một nửa là “học sinh xuất sắc”.

Để đạt danh hiệu này thì các môn kiểm tra viết phải đạt từ 9 điểm trở lên, những môn được đánh giá bằng nhận xét thì phải xếp loại “hoàn thành tốt”. Nhưng, thực tế thì để đạt được kết quả như vậy, giáo viên chủ nhiệm lớp thường phải “ôn tập kĩ” cho học trò trước lúc kiểm tra. Đến khi kiểm tra học kỳ thì học sinh chỉ “tái hiện” lại nội dung mà thầy cô đã ôn trước đó.

Những môn học đánh giá bằng nhận xét thì giáo viên chủ nhiệm thường “thương lượng” với giáo viên môn chuyên để nâng kết quả đánh giá của một số học sinh lên mức “hoàn thành tốt” nhằm đủ chuẩn để khen thưởng. Vì vậy, sau mấy năm thực hiện Thông tư 22 thì học sinh tiểu học loạn danh hiệu học sinh xuất sắc như chúng ta đã thấy.

Dự thảo Thông tư mới vẫn tiềm ẩn bệnh thành tích

Theo Dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ giáo dục công bố để lấy ý kiến thì việc xếp loại chất lượng giáo dục học sinh theo ba mức.

Đó là, “xếp loại Hoàn thành xuất sắc: những học sinh có kết quả đánh giá các môn học đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên.

Xếp loại Hoàn thành: những học sinh chưa được xếp loại Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên.

Xếp loại Chưa hoàn thành: những học sinh không thuộc các đối tượng trên”.

Việc khen thưởng cuối năm theo các danh hiệu: "Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh xếp loại Hoàn thành xuất sắc;

Khen thưởng danh hiệu Học sinh Thành tích vượt trội - Tiến bộ vượt bậc cho những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một phẩm chất, năng lực được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận".

Như vậy, khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện thì cấp tiểu học sẽ có 3 mức đánh giá và 3 danh hiệu khen thưởng. Đối với 2 mức sau chúng tôi thấy phù hợp nên không bàn luận thêm. Tuy nhiên, đối với mức xếp loại “hoàn thành xuất sắc” thì thấy nó không phù hợp bởi thực ra nó không cần thiết.

Vì theo cách gọi thông thường thì sau mức “hoàn thành” sẽ là “chưa hoàn thành” và trên mức “hoàn thành” sẽ là “hoàn thành tốt”. Hơn nữa, từ “xuất sắc” có nghĩa là “giỏi vượt hẳn lên, xuất chúng”. Trong khi, nhiều học sinh tàng tàng mà khen thưởng bằng danh hiệu “hoàn thành xuất sắc” liệu ngành giáo dục có quá lạm dụng từ ngữ hay không?

Học sinh tiểu học rất cần khen, rất cần khích lệ để các em cố gắng vươn lên trong học tập nhưng có cần thiết phải lạm dụng từ “xuất sắc” như hiện nay hay không? Bởi, từ ngữ này vô tình nó sẽ là con dao hai lưỡi khiến cho nhiều học sinh dễ dàng bằng lòng mà mất đi động lực học tập vì mình đã là “học sinh xuất sắc” trong lớp, trong trường.

Đừng lạm dụng từ "xuất sắc" trong xếp loại và khen thưởng học sinh cấp tiểu học ảnh 3Đang có loạn điểm 9, 10 và danh hiệu xuất sắc

Một số đề xuất

Về cơ bản, chúng tôi thống nhất với Dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ vừa công bố.

Tuy nhiên, chúng tôi băng khoăn với danh hiệu “hoàn thành xuất sắc” khi xếp loại học sinh. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Bộ cần tính toán để thống nhất các mức xếp loại của học sinh đối với tất cả các cấp học. Bởi vì học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở đang được xếp ở 5 mức: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém và khen thưởng với 2 danh hiệu: học sinh giỏi và học sinh tiên tiến.

Cách xếp loại và khen thưởng như thế này có lẽ phù hợp hơn vì đã phân loại được các loại học lực của học sinh.

Thứ hai: học sinh tiểu học đánh giá theo 3 mức thì sẽ khập khiễng so với 2 cấp học còn lại. Trong đó, đánh giá ở mức “hoàn thành xuất sắc” hay khen thưởng danh hiệu “học sinh xuất sắc” nó sẽ tạo ra sự khiên cưỡng không cần thiết.

Nhất là trong khi nhiều trường học đang lạm phát việc đánh giá, khen thưởng cho học trò. Vì vậy, chỉ nên để mức “hoàn thành tốt” hoặc xếp như 2 cấp học phổ thông còn lại là phù hợp. Nó vừa tạo ra sự khiêm tốn cho việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng mà nó sẽ kìm hãm được bệnh thành tích trong giáo dục.

Nhìn lại cách đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học trong mấy năm qua, chúng ta thấy có quá nhiều học sinh xuất sắc vào dịp cuối năm nhưng nhiều danh hiệu khen thưởng và thực tế học tập của học sinh lại không song hành cùng nhau. Vì vậy, Bộ cũng cần cân nhắc kĩ khi đưa ra các tên gọi cho việc đánh giá, xếp loại học sinh tới đây.

Tài liệu tham khảo:

//moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1464

NGUYỄN NGUYÊN