Từ lâu, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn được xem là một trong những vùng trũng giáo dục, bởi khu vực này vẫn còn khó khăn về nhiều mặt.
Cứ nhìn vào tỉ lệ học sinh bỏ học, nhìn vào điểm thi tuyển sinh 10, nhìn vào kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia…thì chúng ta cũng thấy rõ điều này.
Và thực tế thì các bộ, ngành cũng đã có nhiều Hội thảo để bàn về giải pháp nâng chất lượng giáo dục cho các tỉnh Tây Nam Bộ.
Nhưng điều đáng mừng là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 vừa qua thì có 3 tỉnh ở khu vực này, bao gồm: An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ đã nằm trong tốp 10 tỉnh có điểm thi cao nhất nước. Các tỉnh còn lại cũng có được những vị trí xếp hạng tương đối khả quan.
Học sinh một số khu vực ở Đồng bằng Sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Báo Bạc Liêu) |
Giáo dục Đồng bằng Sông Cửu Long đang ở đâu?
Chỉ cần tra chữ “vùng trũng về giáo dục” lên google.com thì trang tìm kiếm này hiện ra 193.796 kết quả và có vô vàn các bài viết đang được mặc định trên google.com nói về giáo dục Đồng bằng Sông Cửu Long.
Những năm qua Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã tổ chức nhiều hội thảo nhằm tìm giải pháp để nâng chất lượng giáo dục ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mới đây nhất là ngày ngày 25/5/2019, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long” đã bàn rất kỹ về vấn đề này.
Tại Hội thảo này, đại diện 13 địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đều thống nhất với báo cáo đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Các địa phương cũng thống nhất với các đề xuất giải pháp được đưa ra, trong đó đặc biệt là đề xuất xem xét có cơ chế đặc thù cho giáo dục Đồng bằng Sông Cửu Long giống như Tây Bắc, Tây Nguyên bởi đây là vùng sông nước điều kiện đi lại khó khăn, tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015 theo quyết định 1033 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Dù đã thoát khỏi “trũng sâu” nhưng Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn còn là vùng trũng về giáo dục".
Tuy nhiên, trong những kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trước đây và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trong năm nay thì khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã có những bước tiến khá ngoạn mục. Đặc biệt, trong kỳ thi năm nay đã có một số tỉnh đã nằm trong tốp 10 về điểm cao của cả nước.
Những tín hiệu vui qua kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông
Đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay có 62 tỉnh, thành tham dự. Sau khi có điểm thi thì chúng ta thấy trong 10 tỉnh có điểm trung bình các môn cao nhất cả nước nhưng đã có 3 đại diện thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đó là An Giang đứng ở vị trí thứ 4, Bạc Liêu đứng ở vị trí số 9 và Cần Thơ đứng ở vị trí số 10.
Đối với các tỉnh còn lại cũng có rất ít tỉnh nằm ở nửa sau ở bảng xếp hạng.
Đó là: Vĩnh Long thứ 12; Đồng Tháp thứ 15; Tiền Giang thứ 16; Bến Tre thứ 21; Long An thứ 22; Cà Mau thứ 34; Sóc Trăng thứ 35; Trà Vinh thứ 37; Hậu Giang 45; Kiên Giang thứ 47.
Như vậy, điểm trung bình các môn cao nhất của khu vực này thuộc về tỉnh An Giang với 6,713 điểm, xếp ở vị trí thứ 4.
Điểm trung bình các môn thấp nhất là tỉnh Kiên Giang với điểm trung bình là 6,071 điểm. Tuy nhiên, dù là đứng cuối cùng ở Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng Kiên Giang vẫn đứng trên 15 tỉnh ở bảng xếp hạng.
Điều đáng chú ý là 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long không có tỉnh nào có điểm trung bình dưới 6,0 điểm, trong khi cả nước có tới 10 tỉnh nằm ở ngưỡng điểm này.
Nếu nhìn vào điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông qua điểm số thì có lẽ chúng ta thấy đó là những thông số lạc quan vì 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã vượt qua chính và đang tiến về phía trước.
Vẫn còn nhiều nỗi lo!
Nếu chỉ nhìn vào điểm số thi tốt nghiệp Trung học phổ thông không có gì đáng lo ngại nhưng những ai quan tâm về giáo dục Đồng bằng Sông Cửu Long thì vẫn còn có những băn khoăn.
Bởi vì, cho dù điểm số kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đang được cải thiện nhưng có lẽ giáo dục Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn chưa thực sự toàn diện.
Đó là tình trạng các cấp học phổ thông ở khu vực này còn tình trạng nhiều điểm trường nên dẫn đến chất lượng không đồng đều giữa các khu vực. Tỉ lệ học sinh bỏ học ở các cấp vẫn còn cao nhất nước.
Các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hàng năm thì Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn chưa có nhiều học sinh đạt giải và có rất ít giải cao. So với các vùng khác trên cả nước thì Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn còn rất khiêm tốn.
Nhưng rõ ràng, chất lượng giáo dục Đồng bằng Sông Cửu Long đã và đang được cải thiện đáng kể, điều này thể hiện rõ qua điểm trung bình qua các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hàng năm.
Dù chưa toàn diện ở tất cả các mặt nhưng giáo dục Đồng bằng Sông Cửu Long đã và đang có những bước chuyển mình đáng khích lệ. Và, chúng ta hy vọng vào một ngày không xa nữa thì giáo dục ở khu vực này sẽ phát triển tốt hơn, toàn diện hơn.
Tài liệu tham khảo:
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nam-dinh-dan-dau-ca-nuoc-ve-diem-thi-tot-nghiep-thpt-2020-669620.html
https://tuoitre.vn/dbscl-van-la-vung-trung-ve-giao-duc-975019.htm
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dbscl-ty-le-hoc-sinh-bo-hoc-cao-nhat-nuoc-20150925160351583.htm