Góc nhìn khác của cô giáo trường Nguyễn Bỉnh Khiêm về sách Tiếng Việt lớp 1

07/10/2020 09:10
Tùng Dương
GDVN- Nhiều phụ huynh, giáo viên lớp 1 kêu vì bài học mới được xây dựng khá nặng, quá sức học sinh. Không ít học sinh phải học đến 22 giờ đêm để theo kịp chương trình.

“Hiện nay trên nhiều diễn đàn xã hội mọi người đang tranh luận rất nhiều về chương trình mới của lớp 1 giáo dục phổ thông, nhưng mọi người lại chưa hiểu rõ thế nào là chương trình và thế nào là sách giáo khoa.

Về chương trình thì từ trước đến nay các em học sinh lớp 1 vẫn học chương trình đó, và khi kết thúc lớp 1 các em vẫn đọc thông viết thạo 29 chữ cái và khoảng 140 âm vần. Đó là chương trình và vẫn không thay đổi.

Việc thay đổi ở đây là cách tiếp cận của mỗi bộ sách giáo khoa mới rất khác nhau, đứng trên khía cạnh đó sẽ thấy là ngày trước chúng ta có một bộ sách giáo khoa và với cùng một cách tiếp cận duy nhất.

Nhưng hiện nay theo hướng đổi mới thì Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích mỗi bộ sách giáo khoa là một sự sáng tạo, có thể cho học sinh tiếp cận kiến thức theo nhiều hướng khác nhau, cũng như các nhà trường được chọn cách tiếp cận phù hợp với môi trường giáo dục của mình”.

Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc - Khối trưởng khối 1, chủ nhiệm lớp 1A1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo cô Ngọc: “Lượng tiếp thu bài vẫn như vậy, vẫn là 1 ngày học hai âm, hai vần". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo cô Ngọc: “Lượng tiếp thu bài vẫn như vậy, vẫn là 1 ngày học hai âm, hai vần". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo cô Ngọc: “Có bộ sách giáo khoa sẽ kéo dài hơn số tuần về phần học đọc, học viết và cũng có những bộ sách lại muốn dành thời gian để các con tiếp cận kiến thức nhanh hơn, rồi sau đó luyện tập củng cố thực hành kiến thức nhiều hơn.

Như vậy vẫn với lượng kiến thức đấy của chương trình đấy làm khung và mục tiêu của từng bộ sách đưa ra khác nhau thì sẽ có sự hình thành kiến thức khác nhau.

Về phần âm vần tôi thấy với lượng tiếp thu của các con có thể là một âm đến hai âm và tối đa là hai vần trong 1 tiết học, lượng tiếp thu bài vẫn như vậy, vẫn là 1 ngày học hai âm, hai vần.

Nhưng cũng có bộ sách với cách tiếp cận khác, các nhà xây dựng sách với mục đích đẩy thời gian các con biết đọc biết viết nhanh hơn, và khoảng thời gian còn lại sẽ dành cho các tiết thực hành đọc, tiết học thư viện, tiết học sáng tạo…mà những tiết học này ở chương trình cũ không có và lượng kiến thức sẽ trải dài trong 35 tuần học.

Với sách giáo khoa mới hiện nay sẽ có những bộ sách kéo dài cả năm học, nhưng cũng có những bộ sách gần hết năm học là các con đã hoàn thành và thời gian.

Hiện nay các con được học 12 tiết trong 1 tuần, chương trình cũ là 10 tiết trong 1 tuần. Nhưng việc tăng thêm 2 tiết ở đây không phải là tăng thêm lượng kiến thức mà ở đây là 2 tiết thực hành.

Từ đó dẫn đến việc có thể hết học kỳ 1 các con đã đọc được gần hết các văn bản Tiếng Việt, và sang học kỳ 2 các con sẽ có thời gian thực hành rất nhiều với những tiết ôn tập, những định hướng tiếp thu kiến thức cho bài học.

Như vậy có thể hiểu bộ sách mới là tăng thời lượng thực hành chứ không phải là tăng khối lượng kiến thức. Đó là cách tiếp cận kiến thức của các con đối với từng bộ sách giáo khoa mới”.

Có khó hơn trong việc học âm, vần?

Cô Ngọc cho biết: “Ngày trước các con học từng âm đơn, học hết 29 âm nhưng không phải âm nào cũng ghép được chữ, thành từ.

Ví dụ âm q chỉ giới thiệu với học sinh khi giới thiệu bảng chữ cái, nó không được dạy riêng khi dạy chữ, dạy vần như các chữ khác vì chữ q không đứng riêng một mình.

Qu (quờ) được xem là một chữ, ghép bởi hai con chữ q và u (giống như ch, tr...). Riêng con chữ q, lâu nay người ta đọc là cu hoặc qui (tùy vào từng vùng, từng bộ sách khác nhau).

Chính vì vậy mà các nhà viết sách giáo khoa đã tối giản đi, bây giờ âm q sẽ được gọi là âm qui và chỉ được giới thiệu khi dạy âm qui, còn sẽ không dạy riêng chữ q.

Có những bộ sách sẽ giới thiệu âm ă - â bên cạnh dạy vần mới, và từ vần đó các con ghép tiếng, từ phù hợp. Ví dụ khi các con học vần ăm, giáo viên sẽ giới thiệu cấu tạo vần gồm âm ă và m.

Như vậy người ta không dạy hẳn một âm đó vào trong một bài khi âm đó lại không sử dụng gì trong thực tế, mà qua đó người ta sẽ lồng ghép âm đó vào một bài cụ thể.

Có thể hiểu hiện nay họ dạy những gì gắn liền với thực tế, cái gì dùng thì bộ sách mới sẽ dạy. Còn những cái thừa của chương trình cũ, học một cách máy móc tách riêng ra từng chữ cái sẽ rất mất thời gian của học sinh.

Đơn giản là với cách tiếp cận của sách giáo khoa mới này sẽ thực tế hơn rất nhiều, không dàn trải, cần gì học nấy và học đến đâu học sinh sẽ được thực hành đến đấy”.

Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc và các em học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc và các em học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Ngọc chia sẻ: “Đa số ý kiến kêu khó và nặng hơn thì đều là của phụ huynh, còn giáo viên là người hiểu chương trình nhất vì họ đã được tập huấn. Giáo viên hiểu rõ mình đang dạy cái gì và họ được chọn lựa bộ sách giáo khoa phù hợp nhất.

Khi thực hiện bất cứ một việc gì mới thì chắc chắn sẽ phải có khó khăn, thuận lợi…nhưng quan trọng là nhà trường và phụ huynh phải tìm được điểm hay của bộ sách giáo khoa đó và cùng nhìn về một hướng để giáo dục các con.

Phần nữa có thể là phụ huynh sốt ruột, kỳ vọng quá về sự tiến bộ của các con trong khi mỗi con lại có tố chất khác nhau, có con không cần học trước nhưng chỉ nghe giảng qua một lần là đã nhớ mặt chữ, và ngược lại có con học xong lại quên.

Trước đây các con học âm vần, học từ rồi học câu. Nếu nói trước đây các con không được học câu đó, đoạn văn dài đó là quan điểm sai. Chương trình học cũ cũng vẫn có đầy đủ 3 phần như vậy”.

Mọi người chưa hiểu đúng?

Cô Ngọc nói: “Hiện nay người ta đưa câu từ lồng ghép với những tranh vẽ dễ hiểu, nó như một mẩu chuyện tranh nho nhỏ. Còn nếu để nói chuyện tranh phải diễn đạt được tròn vành rõ chữ thì các con phải học hết âm vần Tiếng Việt thì may ra mới hiểu được.

Giáo viên không chỉ dạy học sinh đọc mà còn sẽ giải thích, dạy cả nghĩa để các con hiểu đúng. Một bài mới sẽ có phần tìm hiểu bài và nội dung tranh, nhiệm vụ của giáo viên là giúp học sinh hiểu trọn vẹn câu truyện mà các con đang học.

Chứ học sinh mới học được mấy âm b, l, e, ê…mà lại muốn các con hiểu được hết nghĩa, hoặc là để người viết sách diễn đạt được hết cả một câu chuyện thì sẽ rất là khó.

Ngay như chuyện bé Hà, bé Lê…đang được tranh luận rất sôi nổi, và mọi người đang cho là vô lý. Ví dụ: Vì bé Lê nhỏ hơn bé Hà và lại đang khóc, nên bà sẽ bế bé Lê trước, rồi sau đó sẽ đến xem Hà bị ho thế nào, bà vẫn yêu và quan tâm đến bé Hà.

Giáo viên dạy như thế là đúng tinh thần của sách giáo khoa mới, nhưng quan điểm của phụ huynh lại cho rằng bà chỉ bế bé Lê mà không quan tâm đến bé Hà. Như vậy là mọi người chưa hiểu đúng nghĩa của giáo dục”.

Cũng theo cô Ngọc: “Chương trình sách giáo khoa mới hiện nay không thay đổi hoàn toàn mà vẫn dựa trên chương trình cũ, nên tất cả những câu từ mà mọi người đang cho là đọc khá trúc trắc thì ở chương trình cũ các con vẫn học.

Tiếng Việt rất phong phú và cách đọc như vậy theo tôi cũng là luyện đọc, mở rộng vốn từ cho các con, những từ đó không phải đánh đố, không gây khó.

Trong sách có âm từ le le, và khi các con học âm l và âm e ghép lại với nhau thì minh họa bằng hình con chim le le là phù hợp.

Giáo viên khi dạy đến từ này sẽ đi kèm với Clip, tranh ảnh... giúp con hiểu được về con chim le le, ngoài ra có thể mở rộng thêm về kiến thức như con chim này có họ hàng với loài chim nào, sống ở đâu và đặc tính thế nào…

Tất nhiên là với 5 bộ sách giáo khoa như hiện nay thì không thể tránh khỏi việc mọi người đánh giá, so sánh bộ này với bộ kia, chương trình nặng hoặc nhẹ…

Nhưng theo tôi mỗi bộ sách giáo khoa đều có ưu nhược điểm riêng và có thể cùng một bộ sách nhưng được triển khai ở nhiều trường khác nhau thì chắc chắn cũng có sự khác nhau vì sẽ theo quan điểm của từng nhà trường. Chính vì vậy nó sẽ gây ra sự xáo trộn và sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, không đồng nhất".

Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc trong giờ luyện tập viết của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc trong giờ luyện tập viết của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phần tập viết nhẹ đi hay nặng hơn ?

Cô Ngọc chia sẻ: “Có ý kiến cho rằng phần tập viết làm khó cho học sinh? Theo tôi đây là quan điểm giáo dục riêng của mỗi nhà trường.

Ở trường chúng tôi từ trước tới nay dù theo chương trình cũ hay mới thì các con không bị áp lực thi đua vở sạch chữ đẹp để đi thi chữ đẹp các cấp.

Nói như vậy không phải là các con viết thế nào cũng được, mà vấn đề chính là các con viết đúng nét, gọn gàng chứ không nhất thiết phải đẹp như tranh vẽ.

Tôi thấy có nhiều trường quá tập trung vào dạy viết trong khi chương trình quy định dạy viết chỉ chiếm khoảng 25% thời lượng. Thời lượng còn lại được phân bổ khoảng 60% dạy đọc, 10% dạy nói, nghe và 5% cho kiểm tra, đánh giá.

Nhiều trường còn đưa yêu cầu “vở sạch chữ đẹp” vào tiêu chuẩn thi đua, khiến giáo viên phải ép học sinh luyện viết quá nhiều và vô tình tạo áp lực lên tất cả.

Hầu hết giáo viên dạy theo sách giáo khoa cũ trước đây phải tranh thủ mọi thời gian, thậm chí cắt bớt cả giờ dạy môn khác để cho học sinh tập viết.

Theo tôi nên chia bớt thời gian tập viết để cho các con được tập đọc nhiều hơn, nên cân bằng vì còn rất nhiều môn học cần thiết chứ đâu phải suốt ngày chỉ ngồi để nắn nót từng chữ.

Phần bộ viết của sách giáo khoa mới dễ hơn rất nhiều so với những năm trước, hiện nay mỗi tuần các con có 2 tiết viết và với mỗi âm vần, tính từ thì các con chỉ phải viết một dòng.

Trên một dòng đó các con phải tô 3 chữ theo các chấm đã in sẵn và tự viết 3 chữ còn lại, còn theo chương trình cũ thì các con chỉ có một chấm để đặt bút viết nét đầu tiên.

Vậy nên phần tập viết Tiếng Việt ở sách giáo khoa mới rất dễ, không yêu cầu các con phải viết ngay được một chữ mà là đưa dần từ tô chữ đến viết chữ, nâng dần mức độ lên”.

Với sách giáo khoa mới 2020

Tiếng Việt có 420 tiết học tương đương 5 tiết/tuần

Toán 105 có tiết học, học sinh học 3 tiết/tuần.

Đạo đức có 35 tiết học.

Tự nhiên và Xã hội có 70 tiết học.

Giáo dục thể chất có 70 tiết học.

Mỹ thuật, Âm nhạc có 70 tiết học.

Hoạt động giáo dục bắt buộc có 105 tiết học.

Số tiết học trung bình là 25 tiết/tuần.

Tùng Dương