Theo quy định, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các trường không bắt ép phụ huynh mua sách tham khảo, bổ trợ và cha mẹ các em có quyền từ chối nhưng rất nhiều người đã phải bỏ tiền ra mua những thứ lẽ ra họ không phải mua với giá cao như vậy.
Nhìn vào danh mục nhà trường phát cho học sinh để mua với hơn chục cuốn gồm cả sách giáo khoa lẫn sách tham khảo thì không khó nhận thấy rằng có cần thiết nhồi nhét vào đầu những đứa trẻ chỉ mới lớp 1 từng ấy kiến thức.
Trong khi năm học này được đặt nhiều kỳ vọng mở đầu chặng đường đổi mới giáo dục, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Nhưng xem bảng giá sách cùng số tiền có thể lên đến gần 1 triệu đồng thì chắc chắn không phụ huynh nào thấy thoải mái khi trường “gợi ý” mua, và cũng chắc chắn không ai dám từ chối.
Rất nhiều cha mẹ phải cắn răng mua những “combo” sách và đồ dùng học tập mà trường đưa ra để cho con mình bằng các bạn trong lớp, hoặc để thầy cô không hỏi thăm hay nhắc nhở.
Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu “Tuyệt đối không ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo”. Chỉ đạo này được Bộ đưa ra trong văn bản gửi ngành giáo dục các địa phương ngày 8/9/2020.
Danh sách mà giáo viên tại một trường tiểu học ở quận Đồng Đa, Hà Nội gửi cha mẹ học sinh từ cuối năm lớp 1 để đăng kí mua sách cho lớp 2. Ảnh: Phụ huynh cung cấp. |
Sách tham khảo chỉ dành cho giáo viên
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, cho biết:
“Chủ trương của trường chúng tôi là không mua hộ hoặc bán sách giáo khoa cho học sinh cũng như các loại đồ dùng học tập, chúng tôi là nhà giáo chứ đâu phải người kinh doanh sách và đồ dùng dạy học?.
Tất cả những việc đó phụ huynh các em tự mua, nhà trường chỉ hướng dẫn mua đúng đầu sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Còn các loại sách tham khảo, bổ trợ hoặc các loại sách tự chọn khác… nếu phụ huynh tự thấy có nhu cầu thì ra ngoài thị trường mua chứ nhà trường không bắt buộc.
Nhà trường chỉ trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên, khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục”.
Theo thầy Hòa: “Kiến thức trong sách giáo khoa đã khá đủ và toàn diện, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trong đó đã là tốt rồi, ngoài ra còn phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp dạy của các giáo viên.
Hơn nữa mỗi học sinh có tư duy và nhận thức khác nhau nên không thể áp dụng chung một cách dạy, chính vì thế nên các giáo viên trường chúng tôi thường xuyên bám sát, nắm chắc từng học sinh để biết điểm mạnh, điểm yếu rồi từ đó đưa ra phương pháp dạy phù hợp".
Thầy Hòa nhấn mạnh: "Theo tôi đối với các em học sinh lớp 1 thì không cần thiết phải dùng quá nhiều sách bổ trợ, tham khảo như vậy vì thực sự là các em chưa cần đến.
Lớp 1 với lứa tuổi này, các em cần thời gian làm quen với môi trường mới, để thấy việc học là niềm vui, mỗi ngày được đến trường là một ngày hạnh phúc chứ không phải áp lực, có cảm giác sợ học vì bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức”.
Quá nhiều sách tham khảo sẽ khiến cho các em học sinh lớp 1 mất tập chung. Ảnh: TD. |
Cũng về vấn đề sách tham khảo cho học sinh lớp 1, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Mỹ Đình Hà Nội, cho biết:
“Vấn đề hướng dẫn cho học sinh lớp 1 mua nhiều sách tham khảo như vậy là do từng trường, chứ trường của chúng tôi tuyệt đối không có mua hộ hay bán sách giáo khoa cùng các loại sách khác cho học sinh.
Duy nhất chỉ có sách Tiếng Anh là chúng tôi mua giúp học sinh vì sách đó hiếm và rất đắt, trong khi nhà trường đặt mua số lượng nhiều sẽ rẻ hơn và đúng là sách nhập từ nước ngoài, việc này học sinh sẽ được lợi.
Nói đúng ra thì hiện nay các nhà xuất bản họ cũng kinh doanh và sách giáo khoa là mặt hàng kinh doanh của họ, ngoài ra họ còn làm cả sách tham khảo, sách bài tập và nhiều loại khác…
Theo tôi kinh doanh thì hãy công bằng, để phụ huynh học sinh thấy cần thiết sẽ mua chứ không thể thông qua các trường ép học sinh phải mua như vây. Tôi nghe nói là phần trăm hoa hồng sau bán sách là rất lớn và đặc biệt là các loại sách tham khảo.
Sách giáo khoa theo quy định thì được công khai giá chứ các loại sách tham khảo, bài tập, bổ trợ… thì giá cao vô tội vạ và các nhà xuất bản tự định giá khi đưa ra thị trường”.
Theo thầy Cường: “Hiện nay việc đánh giá học sinh lớp 1 đã khác trước, không còn chấm điểm mà chỉ nhận xét, cách dạy cũng khác trước rất nhiều vậy thì đâu cần đến các loại sách tham khảo.
Trước đây khi chưa thay đổi sách giáo khoa mới thì Bộ đã để 1 học kỳ 1 của lớp một để các em làm quen với việc học phổ thông. Cả 1 học kỳ chỉ để làm quen nên đâu cần phải quá nhiều sách vở.
Chương trình dạy con trẻ chập chững từ mầm non lên chưa biết đọc biết viết nên phải dạy và cho làm quen là đúng.
Mà bây giờ cách tiếp cận với kiến thức cũng khác trước nhiều và rất thông minh, chơi mà học, học mà chơi. Ngay cả cách dạy trên lớp cũng khác đâu có đặt nặng vấn đề sách này sách kia.
Cải cách giáo dục đi kèm với đổi mới phương pháp, cách dạy có tác động lên nhiều đối tượng, tôn trọng sự khác biệt của từng học sinh, chú trọng đến quyền phát biểu của các cháu.
Cái gì cũng bắt các cháu phải làm theo từ những cái đơn giản nhất, rồi đến các bài văn mẫu…thì sau này các cháu ra đời sẽ mất hết cả sự sáng tạo.
Sách tham khảo thì người cần là giáo viên chứ không phải là các em học sinh và nhà trường phải trang bị sách này cho các giáo viên, các thầy cô vận dụng sách tham khảo khéo léo đưa vào bài giảng chứ trẻ con lớp 1 đã biết gì mà vận dụng với tham khảo”.
Một "combo" sách mà học sinh một trường tiểu học ở Hà Nội phải mua. "combo" này được giáo viên chủ nhiệm đưa cho phụ huynh học sinh.Ảnh: PV. |
Nhà trường không phải là siêu thị
Bộ Giáo dục và Đào tạo nói không được ép học sinh mua sách tham khảo, nhưng tại nhiều trường học, sách tham khảo, bổ trợ được trộn chung sách giáo khoa khiến không ít phụ huynh tưởng tất cả là sách bắt buộc.
Chị L.T., phụ huynh học sinh lớp 1, trường Tiểu học Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội, cho biết khi con nhập học, chị được giáo viên yêu cầu nộp tiền mua sách giáo khoa.
Chị cùng các phụ huynh khác phải nộp 717.000 đồng tiền sách và 160.000 đồng bộ đồ dùng học tập.
"Cô giáo yêu cầu nộp tiền, không đưa ra danh sách cụ thể. Tôi thắc mắc giá sách đắt, hỏi xin danh mục mới biết một bộ lên đến 30 quyển", chị L.T. nói.
Khi bắt đầu năm học, ngoài các khoản thu đầu năm, giáo viên còn yêu cầu phụ huynh mua thêm vở bổ trợ Toán, Tiếng Việt với giá 23.000 đồng. 10 quyển vở trắng giá 70.000 đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng tiền sách, vở, đồ dùng học tập, chị L.T. phải chi 970.000 đồng. Thêm tiền đồng phục, phụ huynh này phải đóng hơn 1,7 triệu đồng.
"Tôi không tiếc tiền mua sách vở cho con. Tuy nhiên, liệu con có dùng hết số sách này? Lớp 1 có cần học đến 30 quyển sách, vở?". Chị L.T. cho hay khi thông báo đóng tiền mua sách, giáo viên không hề thông tin sách bắt buộc và tự chọn.
Có con năm nay lên lớp 2, chị Lê Ngọc Trâm (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Trong buổi họp phụ huynh từ cuối năm học trước, chị đã nhận được thông báo mua sách giáo khoa lớp 2 cho con cùng với combo đồ dùng học tập như bút, thước kẻ...
Trong thông báo này sách giáo khoa và sách bổ trợ, thiết bị tối thiểu và sách tự chọn có giá là 187.000 đồng”.
Chị Trâm cho biết: “Năm ngoái lớp 1 có mấy đầu sách tham khảo, bổ trợ cả năm con không dùng đến. Vì thế, năm nay chị thắc mắc với cô giáo chủ nhiệm của con và được giải thích trường làm theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục?
Theo tienphong.vn. Ngày 18/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có Công văn số 1515 gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học phổ thông trực thuộc.
Trong văn bản này, Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra danh mục sách từ lớp 1 đến lớp 12 mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gửi đến các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và các đơn vị trực thuộc tổ chức đăng ký đặt mua theo nhu cầu trên tinh thần tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh.
Ngoài các sách theo quy định, các trường không được tổ chức để bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo khác, các loại vở và học liệu khác.
Tuyệt đối không lạm dụng việc thu nộp từ phụ huynh học sinh làm ảnh hưởng uy tín và công tác quản lý của nhà trường.
Tuy nhiên, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo có kèm theo công văn của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội với danh sách các loại sách từ lớp 1 đến lớp 12 mà phụ huynh cần mua, gồm cả sách giáo khoa và sách bổ trợ. Danh sách không phân biệt đâu là sách giáo khoa, đâu là sách bổ trợ. (1)
Tài liệu tham khảo:
(1). https://www.tienphong.vn/giao-duc/sach-bo-tro-nup-bong-sgk-ai-dung-tung-1718144.tpo