Trộn lẫn sách giáo khoa vào sách tham khảo, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

06/10/2020 13:27
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách giáo khoa là tài liệu dạy học chính thức trong nhà trường. Trong các loại sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thì không có khái niệm nào là “sách bổ trợ”.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu hiện tượng nhiều trường ép học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. "Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong Giáo dục".

“Từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tập trung chấn chỉnh tình trạng “ép” may đồng phục, “ép” mua sách.

Bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo nhưng về sách chưa có chuyển biến rõ như với đồng phục. Bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn. Những nơi vi phạm cần xử lý nghiêm”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. [1]

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học: "Trong các loại sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thì không có khái niệm nào là “sách bổ trợ”. Ảnh: Tùng Dương.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học: "Trong các loại sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thì không có khái niệm nào là “sách bổ trợ”. Ảnh: Tùng Dương.

Chiều 30/9/2020, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Quy định tại Thông tư 21/2014/BGDĐT và Điều lệ trường học yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.

Hầu hết các sách tham khảo này được xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo không thẩm định nội dung các sách tham khảo trên thị trường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu rõ, trong luật quy định chương trình chỉ có sách giáo khoa.

Sách tham khảo là do các nhà xuất bản tung ra theo Luật xuất bản và nội dung được “kiểm sạn” theo mỗi đơn vị. Những tài liệu này ở ngoài thị trường và không phải bắt buộc.

Theo ông Thành: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 21 năm 2014 trong đó có 8 điều quy định rõ ràng về tài liệu này. “Thứ nhất, loại sách này là xuất bản phẩm tham khảo.

Thứ hai, khi đưa vào trong nhà trường thì có quy định rất rõ ràng rằng Hiệu trưởng phải tổ chức lựa chọn, tổ chuyên môn phải lựa chọn ra sao, phải có trách nhiệm nghiên cứu kỹ để xem tài liệu tham khảo đó có phù hợp không? Đáp ứng yêu cầu thì mới đề xuất.

Không được đưa những nội dung sách tham khảo vượt quá yêu cầu của chương trình vào bài dạy cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh. Cùng đó quy định giáo viên không được ép, khuyến khích học sinh mua”.

Ông Thành cũng khẳng định trong các loại sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không có khái niệm nào là “sách bổ trợ”. [2]

Câu hỏi được dư luận xã hội đặt ra là trại sao nhà trường không chia thành 2 gói sách. 1 gói là nguyên bộ sách giáo khoa theo quy định và 1 gói là sách tham khảo, bổ trợ, như vậy sẽ tiện hơn cho phụ huynh học sinh khi lựa chọn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Câu hỏi được dư luận xã hội đặt ra là trại sao nhà trường không chia thành 2 gói sách. 1 gói là nguyên bộ sách giáo khoa theo quy định và 1 gói là sách tham khảo, bổ trợ, như vậy sẽ tiện hơn cho phụ huynh học sinh khi lựa chọn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục

Như vậy có thể thấy rõ ràng ở đây là việc đưa thêm sách tham khảo, sách bổ trợ vào trường học rồi “thông báo” để các em học sinh và phụ huynh mua là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở Giáo dục chứ không phải ai khác và việc này là sai luật!

Chị Trâm (quận Ba Đình) có con vào học lớp 1 cho biết đã phải chi hơn 500 nghìn đồng để mua sách cho con theo danh mục sách nhà trường "thông báo".

Trong danh mục 22 đầu sách được trường in sẵn danh sách đề nghị mua, ngoài các sách giáo khoa lớp 1 của 9 môn học theo danh mục sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, còn lại là các vở bài tập Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Tập viết.

Ngoài ra còn một số sách tham khảo như Cùng em học Tiếng Việt, Cùng em học Toán, Giáo dục an toàn giao thông, Giáo dục phòng chống bạo lực học đường, Giáo dục quyền và bổn phận trẻ em... mà số tiền của những cuốn sách này tính ra còn hơn số tiền mua sách giáo khoa.

Và điều đương nhiên là những sách bán kèm này không qua thẩm định hay xét duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà nghiễm nhiên trở thành sách được phép sử dụng trong chương trình học phổ thông?

Chi Trâm bức xúc: “Vấn đề là những quyển sách này rất ít khi dùng, thậm chí không bao giờ dùng tới vì mấy năm trước cháu lớn nhà tôi cũng phải mua của trường nên tôi biết.

Vậy nên năm nay đến lượt cháu thứ 2 tôi sẽ không mua nữa. Khi cô giáo hỏi là gia đình có đăng ký mua không, để cô gửi danh sách lên trường, tôi nói tránh đi là để gia đình tự đi mua.

Nhưng hôm sau con tôi đến trường, cô giáo hỏi có mua sách không, cháu sợ nên nói có, thế là cô ghi vào danh sách. Sau đó, tôi nói với cô là cháu không biết, cô rút lại hộ thì cô nói, danh sách đã gửi lên trường, không rút lại được nữa?

Trở lại vấn đề chính ở đây là cơ chế nào khiến cho câu chuyện nói trên luôn trở thành chủ đề nóng mỗi khi năm học mới bắt đầu nhưng bao nhiêu năm nay không thể giải quyết được triệt để? Và thực tế là "gói" sách giáo khoa mà các trường cung cấp lại luôn kèm sách tham khảo, sách bổ trợ. Phụ huynh chỉ có sự lựa chọn hoặc mua cả gói hoặc là không mua mà thôi.

Câu hỏi được dư luận xã hội đặt ra là trại sao nhà trường không chia thành 2 gói sách? 1 gói là nguyên bộ sách giáo khoa theo quy định và 1 gói là sách tham khảo, bổ trợ, như vậy sẽ tiện hơn cho phụ huynh học sinh khi lựa chọn.

Đằng này nhà trường "gói tất cả" chung làm một dẫn đến nếu như phụ huynh không mua thì đương nhiên là sẽ không có sách giáo khoa cho con học, mà mua thì sẽ bị kèm rất nhiều loại sách nhưng không bao giờ dùng đến, rất lãng phí về kinh tế.

Lễ khai giảng năm học mới tại Thủ Đô Hà Nội. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Lễ khai giảng năm học mới tại Thủ Đô Hà Nội. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cùng chung nỗi bức xúc bị ép phải mua “combo” sách lớp 1 vào đầu năm học với số tiền lên đến hàng triệu đồng, đã có rất nhiều phụ huynh lên tiếng.

Anh Liêm (quận Tây Hồ) đặt vấn đề, Bộ Giáo dục không thẩm định, không yêu cầu sách bổ trợ, vậy cho xin hỏi cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý chất lượng các loại sách bổ trợ được bán cho học sinh?

Anh Thuận (Hà Nội) thắc mắc, nói như vậy thì hóa ra Bộ Giáo dục và Đào tạo là vô can trong vấn đề bắt mua sách tham khảo, sách bổ trợ tràn lan đang gây nhức nhối cho phụ huynh học sinh? Mà vấn nạn này đâu chỉ xảy ra có mỗi năm nay ?

Chị Trang (Hà Nội): "Tôi nản lắm, học sinh vào lớp 1, khai giảng là học luôn, có lúc nào để nhà trường và phụ huynh trao đổi thống nhất mua sách tham khảo đâu.

Khi đi nộp hồ sơ cho con là nhà trường yêu cầu mua sách cả bộ gồm cả sách giáo khoa và tham khảo, combo đồ dùng học tập…cùng với các loại đồng phục.

Sau một tháng con đi học, nhà trường mới gửi giấy cho con mang về để bố mẹ ký vào là tự nguyện đăng ký mua sách, yêu cầu ký tên nhưng để chống ngày tháng, chỗ này để trường tự điền?"

Phụ huynh Trương Chí Hiền (quận Hai Bà Trưng) Phải chăng nguyên nhân gián tiếp của việc đưa sách tham khảo vào trường học là Thông tư 21 năm 2014 của Bộ với quy định về sách tham khảo?

Vì có quy định việc tham khảo để ban giám hiệu và giáo viên tự chủ trong bài dạy, có báo cáo cho bộ môn quản lý, có thể dùng nhiều tài liệu tham khảo với tiêu chí đảm bảo phản ảnh được nội dung của sách giáo khoa.

Phụ huynh Ngô Kiệt (quận Nam Từ Liêm): Nếu cho quyền trường học và giáo viên đưa nội dung sách tham khảo vào giảng dạy thì học sinh gần như bắt buộc phải mua rồi. Nếu không thì lấy gì mà học.

Phụ huynh Vũ Viết Thuận (Hà Đông) Cần khẳng khái tuyên bố: Nghiêm cấm bán sách tham khảo, bổ trợ.... trong phạm vi nhà trường, nghiêm cấm ban giám hiệu, giáo viên làm tiếp thị cho các nhà xuất bản.

Chỉ cần đơn giản vài dòng chỉ thị như vậy thì môi trường giáo dục sẽ trong sáng hơn. Đừng biến các cháu thành những con cừu non dâng lộc cho nhóm lợi ích. (3)

Lợi dụng lòng tin của phụ huynh để ép mua sách

Giáo sư tiến sỹ Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng đây là hình thức “bán bia kèm lạc” , thương mại hóa, trục lợi từ phụ huynh, học sinh.

Sách tham khảo chỉ dùng khi nội dung khoa học súc tích, sách giáo khoa và bài giảng trên lớp không thể chuyển tài được hết tri thức cơ bản. “Vậy tại sao phải dùng sách tham khảo cho học sinh lớp 1 khi trẻ chỉ học 1 cộng 1 bằng 2, những phép cộng trừ nhân chia cơ bản. Chuyện này rất vô lý, đây là lợi dụng lòng tin của phụ huynh để lấy tiền”.

Giáo sư Phạm Tất Dong thẳng thắn nêu quan điểm: Hiện nay khi Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đối số, ngành giáo dục cần đi đầu trong việc áp dụng công nghệ thông tin, tuy nhiên các học liệu hiện nay vẫn làm theo cách truyền thống, xuất bản sách in thay vì các bản ebook.

Trước thực trạng phụ huynh được “giới thiệu” để mua cả chục cuốn sách tham khảo lớp 1, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: Nếu không có thù lao từ phía doanh nghiệp chi trả cho nhà trường, thì sách tham khảo khó có tên trong danh mục sách cần mua như vậy. Lớp 1 thì mua thêm cả chục cuốn sách tham khảo để làm gì? (4)

Tài liệu tham khảo: Vietnamnet

(1) https://www.baogiaothong.vn/doc-quyen-sgk-ep-hoc-sinh-mua-sach-tham-khao-de-huong-hoa-hong-d273871.html

(2) (3) https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-gd-dt-khong-tham-dinh-sach-tham-khao-khong-yeu-cau-sach-bo-tro-677715.html

(4) https://vov.vn/xa-hoi/lop-1-thi-mua-them-ca-chuc-cuon-sach-tham-khao-de-lam-gi-778785.vov

Tại Điều 5, Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 07/7/2014 Quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về Trách nhiệm của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp:

1. Giáo viên có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, nhận định và đề xuất đúng, khách quan, tin cậy cho cơ sở giáo dục để lựa chọn được những xuất bản phẩm tham khảo có chất lượng và sử dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu; kịp thời phản ánh với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về những xuất bản phẩm tham khảo không đúng với các quy định tại Thông tư này.

2. Giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học.

3. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục xuất bản phẩm tham khảo mà cơ sở giáo dục đã lựa chọn cho học sinh, học viên và cha mẹ học sinh, học viên.

4. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Tùng Dương