Năm 2020, mục tiêu đặt ra là tăng thêm ít nhất 300 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện lên ít nhất 800 nghìn người. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 nên công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng đã bị ảnh hưởng và gặp một số khó khăn.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến thời điểm 30/4/2020, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên cả nước là 557 nghìn, đạt 46,5% kế hoạch giao, giảm 11 nghìn người so với thời điểm tháng 3 và giảm 16 nghìn đối tượng so với năm 2019.
Năm 2020 cũng là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 1676/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phát biểu trong buổi giao lưu: "“Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dịch Covid-19". |
Theo đó, tháng 5 được chọn là tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân.
Phát biểu trong buổi giao lưu “Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dịch Covid-19" ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử (Báo Nhân dân) cho biết, hệ thống cơ chế, chính sách về Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã thông thoáng và đầy đủ bảo đảm hành lang pháp lý tạo điều kiện tối đa để người dân, người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm mở rộng vững chắc diện bao phủ Bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu Bảo hiểm xã hội toàn dân.
"Bảo hiểm xã hội tự nguyện thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi về già, quỹ bảo hiểm được nhà nước bảo trợ; đồng thời, chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.
Mặc dù, chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều ưu việt, nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện còn chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xảy ra vừa qua đã và đang ảnh hưởng phần nào đến công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện", ông Thanh nói.
Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, qua khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có hơn 70% người dân khi được hỏi còn chưa được biết đến chính sách, hoặc biết đến chính sách còn chưa đầy đủ, vẫn có sự nhầm lẫn giữa chính sách Bảo hiểm xã hội với các sản phẩm bảo hiểm thương mại khác.
Đó chính là những hạn chế dẫn tới khó khăn trong công tác vận động, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trong những năm qua.
Khi người dân còn chưa hiểu những lợi ích của việc tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cũng rất khó để vận động, kêu gọi mọi người tham gia.
Do vậy, trong năm 2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1676 về Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền Bảo hiểm xã hội.
Tháng 5 được chọn là tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân, đây là dịp để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của người lao động và xã hội về những lợi ích của Bảo hiểm xã hội.
Qua đó tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia Bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu Bảo hiểm xã hội toàn dân và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia Bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), tháng cao điểm vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân được triển khai trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền Bảo hiểm xã hội phải đặt ra nhiều tình huống, kịch bản phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang nỗ lực khai thác những thuận lợi, thế mạnh sẵn có để triển khai Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân mang lại hiệu quả nhất định.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thành lập Phòng Truyền thông - Phát triển đối tượng tại Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố, hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác truyền thông gắn với phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế .
"Qua đánh giá cho thấy trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh, người lao động ngày càng thấy được rõ hơn tầm quan trọng của việc tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.
Ngày 23/5 tới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền, phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ Trung ương đến địa phương; đồng thời tiếp tục tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp tới người dân", bà Mai Hạnh cho hay.
Để tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân hiệu quả, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò trụ cột của chính sách Bảo hiểm xã hội trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước, đại diện các cơ quan tại buổi giao lưu cho rằng, trước tiên phải xác định được các nhóm đối tượng truyền thông phù hợp, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người dân và người lao động trong khu vực phi chính thức để phát triển mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đồng thời, đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền về chính sách Bảo hiểm xã hội để người dân, người lao động dễ tiếp cận, nắm bắt.
Khi người dân còn chưa hiểu những lợi ích của việc tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cũng rất khó để vận động, kêu gọi mọi người tham gia. Ảnh minh họa: Báo điện tử Đảng công sản. |
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông qua các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, báo viết, các trang thông tin điện tử, fanpage, mạng xã hội…
Tăng cường hình thức tuyên truyền hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ với các sản phẩm truyền thông có chất lượng về nội dung, ứng dụng công nghệ thông tin đồng thời duy trì hình thức tuyên truyền miệng, trực tiếp.
Song song với đó là treo băng-rôn, khẩu hiệu, áp-phích với nội dung các thông điệp tuyên truyền và các tranh cổ động tuyên truyền về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó nêu bật được về ý nghĩa, lợi ích của chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trong năm 2020, trên cơ sở đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ban hành kế hoạch tuyên truyền Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2020-2025, trong đó sẽ cụ thể hóa các nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền trong giai đoạn sắp tới.
Đối với hoạt động truyền thông theo chiến dịch sẽ tập trung vào các nội dung sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, dự kiến trình Quốc hội xem xét trong giai đoạn 2021 - 2022.
Theo ông Trần Hải Nam, các cơ quan báo chí, thông tấn sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải những nội dung, thông điệp của chính sách, đặc biệt là cung cấp góc nhìn đa chiều, phản ánh, tổng hợp ý kiến của người dân đối với những vấn đề đang được xem xét, dự kiến điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm hướng tới một chính sách hoàn thiện, bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi người dân khi tham gia Bảo hiểm xã hội.
"Với việc truyền thông theo chiến dịch thì chúng ta cũng sẽ có được những chủ đề, có được sự tập trung vào từng nội dung, bám sát theo các nội dung sửa đổi, điều chỉnh.
Đó là một trong những kênh rất hữu hiệu để thu thập thông tin, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lắng nghe các ý kiến phản hồi của người dân, của doanh nghiệp liên quan đến thay đổi của chính sách.
Đây là một trong những hướng tiếp cận mới và phương thức truyền thông mới cũng rất hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tham mưu, đề xuất, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng tới phục vụ các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm các quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm xã hội", ông Nam nhấn mạnh.