Ngày 18/8/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 2620/BHXH-BT gửi Bộ Tài chính về việc đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2400/VPCP-KTTH ngày 27/3/2020 về việc kiến nghị giải pháp mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội đối với người lao động khu vực chính thức ở Việt Nam, chuyển văn bản số 2602/UBVĐXH14 của Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nghiên cứu, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng
Công văn nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, những năm qua các cấp Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiều đổi mới đột phá trong tổ chức thực hiện như: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đơn giản thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý, cộng tác viên; đặc biệt từ năm 2019 phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức các Hội nghị với người dân để tuyên truyền, vận động tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Kết quả, nếu như năm 2016 cả nước có trên 203 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thì đến năm 2017 có trên 224 nghìn người tham gia, tăng khoảng 10% so với năm trước;
Năm 2018 khi có hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước, số người tham gia tiếp tục tăng nhanh đạt trên 277 nghìn người, tăng 23,6% so với năm 2017;
Đặc biệt từ năm 2019, cùng với hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước và vỡi những giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện thì số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã tăng vượt bậc, đạt trên 574 nghìn người, tăng trên 296 nghìn người, tương ứng tăng 107% so với năm 2018 và đến hết tháng 7/2020, đạt trên 737 nghìn người, tăng trên 163 nghìn người, tương ứng tỷ lệ tăng trên 28% so với năm 2019 và đạt tỷ lệ 1,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Trong đó, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo năm 2018 là 2,93 nghìn người, chiếm 1,05% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là 4,39 nghìn người, chiếm 1,58% so với tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện;
Năm 2019 số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo là trên 6,5 nghìn người, chiếm 1,13% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo là 9,7 nghìn người, chiếm 1,70% so với tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là số người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện 02 năm qua chỉ chiếm dưới 3% so với tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân:
- Về chính sách: Mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp (hiện người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng.
Số tiền hỗ trợ năm 2018 là 25.496 triệu đồng, năm 2019 là 90.467 triệu đồng và dự kiến năm 2020 là 170.000 triệu đồng; thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam).
- Về tổ chức thực hiện: Sự quan tâm vào cuộc của một số chính quyền các cấp, các ngành và Bảo hiểm xã hội tại một số địa phương trong thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện còn chưa quyết liệt;
Thu nhập của người dân còn thấp, không ổn định, trong khi đó hầu hết các địa phương chưa bố trí hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; người dân còn mong muốn Nhà nước có thêm chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn khác, như: ốm đau, sinh con, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp để có nhiều lựa chọn khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện. |
Đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng để thúc đẩy tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Để hoàn thành mục tiêu phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội (đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó Bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1%;
Đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó Bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó Bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5%), cùng với việc nghiên cứu tiếp tục đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, phối hợp với Bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng giảm điều kiện về thời gian đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu;
Bổ sung các chế độ Bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt; Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng Bảo hiểm xã hội một lần, cụ thể: Nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
Theo dự kiến của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội tại Công văn số 2602/UBVĐXH14 ngày 18/3/2020 gửi Chính phủ kiến nghị giải pháp mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội đối với người lao động khu vực phi chính thức ở Việt Nam, cũng như dự kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về kế hoạch tài chính - ngân sách 05 năm, giai đoạn 2021-2025, nếu Nhà nước hỗ trợ theo mức đề nghị này thì:
- Số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người; đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người.
- Số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm đến năm 2025 ở mức 1.167 tỷ đồng (chiếm 0,3% chi cho an sinh xã hội) và đến năm 2030 ở mức 3.141 tỷ đồng (chiếm 0,71% chi cho an sinh xã hội).
Như vậy, bên cạnh nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về Bảo hiểm xã hội tự nguyện để tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người tham gia nhằm mở rộng vững chắc diện bao phủ Bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu Bảo hiểm xã hội toàn dân.