LTS: Xung quanh các trao đổi, tranh luận trên nghị trường và truyền thông về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để cung cấp đến quý bạn đọc, thầy cô thông tin đầy đủ và đa chiều, góp phần vào việc thúc đẩy công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết của Đảng.
- PV: Thưa Thứ trưởng, trước những tranh luận về vấn đề sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 và Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học cùng nhiều ý kiến dư luận có phản ánh gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, Thứ trưởng có thể chia sẻ gì về điều này?
- Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Giáo dục là vấn đề tác động đến mọi gia đình, nên việc ĐBQH và Nhân dân quan tâm, tranh luận, trao đổi, trong đó có việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới là điều dễ hiểu và cần thiết. Trước những vấn đề mới, việc trao đổi, tranh luận để làm rõ quan điểm, nội dung đổi mới, phù hợp với xu hướng phát triển của Thế giới trong tiến trình hội nhập, kịp thời cung cấp thông tin cho công luận, tạo sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội sẽ giúp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục đi tới thành công.
Thời gian vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên học sinh trước khi vào lớp 1 đã phải ở nhà khá dài (khoảng 6 tháng, từ tháng 2 đến hết tháng 8) các em hầu như không được học chương trình mầm non dành cho trẻ 5 tuổi (không được nhận biết mặt chữ, không được làm quen với việc học tập và chuẩn bị tâm lý trước khi vào lớp 1)…Điều này rất khó khăn cho các nhà trường tiểu học và giáo viên lớp 1.
Mặt khác, cũng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai tập huấn cho giáo viên lớp 1 cũng bị gián đoạn về thời gian và ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ và chất lượng, các thầy cô ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới. Tuy Bộ GDĐT và các địa phương đã rất nỗ lực thực hiện tập huấn cho giáo viên thông qua trực tuyến, thực hành trên môi trường mạng… nhưng do giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên nên đã vấp phải những lúng túng bước đầu.
Tiến sĩ Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại nghị trường Quốc hội, ảnh: quochoi.vn. |
Đặc biệt, đây là năm học đầu tiên triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Chương trình mới, tuy không tăng về khối lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học và sách giáo khoa mới không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà được biên soạn theo chủ đề, theo mạch kiến thức và giao cho giáo viên, cho nhà trường nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, nghiên cứu đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng…nhưng những điểm mới quan trọng này chưa được lan tỏa rộng rãi trong phụ huynh và giáo viên.
Nhiều giáo viên chưa hiểu thấu đáo về quyền và trách nhiệm của mình, của nhà trường được giao nhiều hơn, chủ động hơn trong việc phân bố giờ dạy, tiết dạy theo chương trình nên chưa mạnh dạn thay đổi, vẫn thực hiện theo cách cũ và có sự lúng túng khi thực hiện giai đoạn đầu. Không ít phụ huynh thường có tâm lý so sánh chương trình cũ và mới. Do chưa đủ thông tin nhưng đã vội đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu thận trọng đã gây cho con em và cho giáo viên, nhà trường nhiều áp lực không đáng có.
Trên thực tế, cấp ủy chính quyền các địa phương, ngành giáo dục, từng thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo lớp 1 đã và đang rất cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Hiện tại, công việc giảng dạy đã bước đầu ổn định và đi vào nề nếp, rất cần sự động viên, chia sẽ và thấu hiểu của các lực lượng xã hội để các thầy cô giáo yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến.
- PV: Thưa Thứ trưởng! Có ý kiến cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới nặng hơn nhiều so với Chương trình và sách giáo khoa hiện hành. Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? Một số giải pháp mà Bộ GDĐT đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo đối với Chương trình và sách giáo khoa mới?
- Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Khi xây dựng Chương trình, Bộ GDĐT đã đặc biệt chú ý thực hiện việc giảm tải kiến thức hàn lâm để tăng tính trải nghiệm thực hành. Qua giám sát (khi tôi đang là Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN của Quốc hội) tôi nhận thấy: Về môn học ở chương trình mới đã giảm rõ rệt.
Ví dụ: cấp Tiểu học, lớp 1 và lớp 2 chỉ có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học (trong khi chương trình cũ: lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học). Về số giờ học, Chương trình mới ở cấp Tiểu học bố trí tổng số 2.838 giờ và học 9 buổi/tuần tức là 2 buổi/ngày, trung bình 1,8 giờ/lớp/buổi (chương trình cũ bố trí 2.353 giờ nhưng chỉ học 5 buổi/tuần, học 1 buổi/ ngày, trung bình 2,7 giờ/lớp/buổi).
Về tổng số tiết học môn Tiếng Việt cho cả cấp tiểu học chương trình mới không thay đổi, đều là 1.505 tiết (từ lớp 1 đến lớp 5). Việc tăng số tiết (01 tiết/ tuần) cho lớp 1 và lớp 2 nhằm giúp học sinh phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó các em có được công cụ để học tốt các môn học khác, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới.
Thời gian qua, tuy Bộ GDĐT đã tăng cường truyền thông, xây dựng các video để gửi về các địa phương, trường học, giúp các giáo viên, phụ huynh hiểu rõ về thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhưng do tình hình dịch bệnh, thiên tai nên việc tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng quy định Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 3977/BGDĐT-GDTH, chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện một số giải pháp sau:
- Chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với khả năng tiếp thu của từng học sinh, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng trong ngày học, trong tuần học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.
- Chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.
- Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu các Sở GDĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GDĐT theo quy định.
- Để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng sách giáo khoa trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Bộ GDĐT đã tập trung chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Các Sở GDĐT yêu cầu các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong Chương trình Ngữ văn, căn cứ vào trình độ học sinh, căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT.
- PV: Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có một chủ trương rất mới đó là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK phổ thông. Thứ trưởng đánh giá thế nào khi có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này?
- Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Thực tại từ trước đến nay, chúng ta luôn coi “Sách giáo khoa của giáo dục phổ thông là pháp lệnh”, không có chương trình riêng cho giáo dục phổ thông mà được lồng ghép cùng sách giáo khoa. Năm 2018, lần đầu tiên giáo dục phổ thông nước ta đã có “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học” riêng biệt theo xu thế chung của thế giới và coi “chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh”, sách giáo khoa đóng vai trò là tài liệu, học liệu để giáo viên giảng dạy bám theo chương trình.
Vì vậy, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã cho phép “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa”. Đây là điểm mới căn bản theo Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội mà mỗi giáo viên, cán bộ QLGD và phụ huynh học sinh cần phải thấm nhuần.
Nếu tuyên truyền không rõ, không sâu nội dung này sẽ không tạo được sự đồng thuận trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Thay đổi quan điểm, nhận thức của một người đã khó, thay đổi nhận thức và cách tiếp cận của toàn xã hội về “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông” theo Nghị quyết 88 của Quốc hội lại càng khó gấp bội.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã trao quyền chủ động cho các nhà giáo trong việc lựa chọn học liệu và phương pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu của chương trình. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi cả thày và trò, cả ngành giáo dục đều phải thay đổi phương thức tiếp cận, phương pháp sư phạm, phương pháp học cũng như phương pháp đánh giá, để giúp người học có khả năng tự học, tự chiếm lĩnh tri thức, tự tìm được những tri thức mình cần để phục vụ cuộc sống và công việc sau này.
Có thể khẳng định, đây là một sự thay đổi rất lớn về bản chất. Vì vậy, rất cần có thời gian và sự đồng hành, đồng thuận của toàn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy rằng, qua những trao đổi và tranh luận trên truyền thông vừa rồi, Bộ cần phải tổ chức tốt hơn nữa hoạt động tuyên truyền phổ biến về chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết với đội ngũ các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, qua đó lan tỏa dần đến mọi tầng lớp Nhân dân.
Chương trình giáo dục phổ thông xây dựng chuẩn đầu ra cho từng cấp học, còn sử dụng phương pháp nào, học liệu nào và tổ chức ra sao là quyền của nhà giáo và các cơ sở giáo dục. Các cán bộ QLGD luôn đồng hành cùng các cơ sở giáo dục thông qua việc tổ chức tập huấn, đổi mới công tác đào tạo sư phạm, giao lưu học hỏi từ các mô hình đổi mới thành công, các tấm gương điển hình...
Chúng tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những băn khoăn của các vị ĐBQH, các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh đang gặp khó khăn khi tiếp cận sách giáo khoa mới, vì chúng ta trước đây đều dạy và học theo “sách giáo khoa là pháp lệnh”, chưa từng dạy và học bám theo chương trình mới, nên đã cho rằng “sách giáo khoa là tối thượng, bất biến...”, chưa quen với cách nghĩ “sách giáo khoa chỉ là một trong nhiều học liệu, công cụ, phương tiện” để thực hiện chương trình.
Do đó, chưa quen với việc: “mỗi nhóm tác giả có quyền chủ động sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau mà họ tin là có thể giúp thày và trò thực hiện tốt nhất mục tiêu chương trình đặt ra”. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể cả dữ liệu đưa vào sách giáo khoa để yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia sử dụng nó làm phương tiện thẩm định, thì nhiều sách giáo khoa trên thực tế sẽ chỉ là một sách, sẽ mất ý nghĩa và mục đích mà chương trình mới đang hướng tới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là “một môn học có thể có nhiều sách giáo khoa”.
Như vậy, mục tiêu xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa sẽ không thể đạt được.
Thực hiện xã hội hóa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 05 bộ SGK, với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Tất cả các quyển SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn, phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường.
Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, không còn sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK như trước đây. Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020 về hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT theo quy định tại Nghị quyết 88 và đã được các nhà trường tổ chức thực hiện khá tốt, cho dù việc tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp.
Sách giáo khoa lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học, tuy bước đầu có một số lúng túng vì năm đầu thực hiện nhưng cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra; học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập.
- PV: Có không ít ý kiến phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của Nhà xuất bản Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (bộ sách giáo khoa Cánh Diều) có một số ngữ liệu đưa vào sách chưa phù hợp, dùng một số từ ngữ mang tính địa phương (phương ngữ); một số truyện được phỏng theo truyện ngụ ngôn của nước ngoài để đưa vào phần tập đọc trong sách cần được xem xét lại cho phù hợp với tâm lí lứa tuổi lớp 1. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?
- Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Trước phản ánh về việc sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (Sách do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, của Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung theo phản ánh và báo cáo Bộ trưởng theo quy định.
Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định đã nghiêm túc thực hiện các bước rà soát tổng thể nội dung bộ sách, xem xét thấu đáo các nội dung phản ánh của dư luận, có kết luận cụ thể về các nội dung cần chỉnh sửa và đã báo cáo về Bộ GDĐT theo đúng thời hạn.
Dựa trên kết quả báo cáo của Hội đồng thẩm định, Bộ GDĐT đã tổ chức buổi làm việc giữa Hội đồng thẩm định, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và GS. Nguyễn Minh Thuyết tác giả bộ sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, tất cả các bên liên quan đều thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, kịp thời thuận lợi cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học.
Trước mắt cần có những giải pháp phù hợp, kịp thời để hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế bổ sung để thực hiện hoạt động dạy học các bài nằm trong chương trình học kì 1; đồng thời khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong sách giáo khoa theo đúng quy định và báo cáo Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét phê duyệt trước ngày 15/11/2020.
Để thực hiện hiệu quả việc sử dụng các bộ sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với thực tiễn địa phương và theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 4426/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn sử dụng ngữ liệu dạy học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 để hướng dẫn các Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện cụ thể:
- Xây dựng kế hoạch dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường và trình độ học sinh, đảm bảo cuối năm học, học sinh đạt được chuẩn đầu ra theo quy định của chương trình môn Tiếng Việt lớp 1.
- Khi sử dụng sách giáo khoa trong quá trình dạy học, đối với một số ngữ liệu chưa phù hợp với địa phương, vùng miền, giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn có thể cùng trao đổi để lựa chọn những ngữ liệu tương đương, quen thuộc, gần gũi với đời sống của học sinh, từ đó đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp trong quá trình dạy học. Việc lựa chọn ngữ liệu cần đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện và chứa các âm, vần học sinh đã được học.
- Đối với một số ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt 1 - bộ sách Cánh Diều, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1, nhà xuất bản và tác giả đã thống nhất nội dung chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu, trong quá trình dạy học giáo viên thực hiện điều chỉnh để phù hợp hơn với học sinh lớp 1 và đã kịp thời gửi về các nhà trương theo hình thức phù hợp để triển khai thực hiện.
- PV: Xin Thứ trưởng trao đổi rõ hơn về quan điểm của Bộ GDĐT về việc hoàn thiện, bổ sung quy trình biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, điều chỉnh, chỉnh lý SGK giáo dục phổ thông?
- Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Qua thực tế thực hiện việc thẩm định SGK lớp 1 thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và những vướng mắc cần được bổ sung hoàn thiện, Bộ GD ĐT đã và đang thực hiện các nội dung sau:
- Đã ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo Thông tư số 33/2017/TT để khắc phục một số vướng mắc liên quan đến thẩm định SGK lớp 2, lớp 6.
- Hiện nay Bộ GDĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi Hội đồng đánh giá Đạt và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng kí ban hành.
- Chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Tăng cường nắm bắt thông tin phản biện, góp ý về sách giáo khoa để có phương án xử lí, giải thích, hỗ trợ và truyền thông kịp thời đúng thẩm quyền trách nhiệm của mình với tinh thần cầu thị, lắng nghe góp ý để tổng hợp, tiếp thu đề nghị chỉnh sửa theo quy định (Thông tư 33/2017 cho phép điều chỉnh sách giáo khoa trong quá trình thực hiện).
- PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!