Mặc dù đã trải qua 2 tháng triển khai thực hiện nhưng những câu chuyện xung quanh chương trình mới, sách giáo khoa mới vẫn đang là vấn đề nóng gây xôn xao trong dư luận.
Có nhiều ý kiến cho rằng chương trình nặng, học sinh tiếp thu khó khăn.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Tác giả chương trình tổng thể, Tác giả môn Khoa học tự nhiên, Chủ biên môn Vật lý cho rằng: Nếu nhận thức đúng chương trình mới, nếu biết tổ chức phương án dạy học hợp lý, sẽ không còn câu chuyện “nặng”, “nhẹ” khi bàn về dạy học ở phổ thông.
Giáo viên quyết định nội dung bài học nặng hay nhẹ
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, hiện nay, đang có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm là chương trình và sách giáo khoa:
“Sử dụng thuật ngữ “chương trình sách giáo khoa” là hoàn toàn sai, đây là hai khái niệm khác nhau.
Theo Quyết định Số 2470/QĐ-BGDĐT, ngày 14/7/2015, Chương trình giáo dục phổ thông là văn bản chính sách của Nhà nước thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lý chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cam kết của Nhà nước bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.
Trong đó, Chương trình môn học quy định yêu cầu cần đạt của học sinh sau cuối mỗi chủ đề, cuối năm học và cuối cấp học.
Trong khi đó, sách giáo khoa chỉ là một trong những học liệu dùng cho dạy học, là một trong những công cụ để giáo viên thực hiện chương trình.
Hiện nay đang có sự đánh đồng hai khái niệm này làm một vì nhiều giáo viên cũng chưa hiểu rõ chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, Tác giả chương trình tổng thể, Tác giả môn Khoa học tự nhiên, Chủ biên môn Vật lý (Ảnh: Phạm Minh) |
Việc giáo viên dạy học theo bài trong sách giáo khoa nhưng lại phản ánh chương trình nặng là không đúng. Bởi lẽ, chương trình mới không quy định cụ thể nội dung bài học mà chỉ quy định mục tiêu, và thể hiện qua các yêu cầu cần đạt.
Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, giáo viên có thể chọn một hoặc nhiều sách giáo khoa, được trao quyền chủ động, linh hoạt để giúp học sinh đạt được mục tiêu của chương trình (thông qua các yêu cầu cần đạt), chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào một bộ sách giáo khoa.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh nhận định: “Nội dung bài học nặng hay nhẹ là hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên, bởi giáo viên có quyền tổ chức phương án, hoạt động dạy học sao cho phù hợp với năng lực học sinh cũng như điều kiện của trường lớp”.
Theo đó, giáo viên có thể tổ chức nội dung bài học một cách nhẹ nhàng, hiệu quả vì giáo viên có quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong dạy học.
Đầu tiên, giáo viên được quyền lựa chọn tài liệu dạy học, có thể chọn dạy học trong sách giáo khoa, các tài liệu bên ngoài và cả những bộ sách khác.
Trên thực tế, sách giáo khoa chỉ là một trong những phương án dạy học. Nếu nội dung bài học trong sách giáo khoa chưa phù hợp, giáo viên có thể tìm tư liệu dạy học ở những nguồn tài liệu khác nhau.
Thứ hai, giáo viên có quyền phân bố nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi lớp, mỗi trường, mỗi địa phương.
Để làm rõ vấn đề này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh nêu ví dụ đối với môn Tiếng Việt 1, dù sách giáo khoa phân chia thành bài, quy định mỗi tiết dạy bao nhiêu vần thì giáo viên cũng phải dạy học theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học.
Nếu năng lực học sinh yếu thì có thể giảm số lượng vần cần học trong một tiết. Với những lớp năng lực học sinh giỏi, tiếp thu nhanh, có thể dạy học nhiều âm vần hơn. Điều quan trọng là sau khi hoàn thành chương trình Tiếng Việt 1, học sinh đều đạt được các yêu cầu đã được quy định trong chương trình môn học.
Đối với chương trình vật lý 10, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh phân tích:
Trong một chủ đề “Chuyển động biến đổi” gồm 16 tiết học, chương trình chỉ đặt ra yêu cầu cụ thể học sinh cần đạt được sau khi học chủ đề này. Riêng quá trình tổ chức dạy học, nội dung bài học như thế nào, chương trình không quy định.
Giáo viên có thể tổ chức phân bố thời lượng nhiều hơn cho phần thực hành đối với những trường có hệ thống trang thiết bị tốt. Ở những trường thiết bị chưa đầy đủ thì giáo viên có thể tổ chức dạy học theo lý thuyết, bài tập nhiều hơn. Thậm chí giáo viên còn có quyền đảo các nội dung bài học để dạy sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.
Tóm lại, giáo viên là người thực hiện chương trình mới, là người có quyền lựa chọn nội dung, tài liệu dạy học cũng như tổ chức phương án dạy học. Chính điều đó giúp giáo viên quyết định nội dung bài học nặng hay nhẹ, đơn giản hay phức tạp.
Cần phải thay đổi tư duy dạy học lệ thuộc vào sách giáo khoa (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Cần cởi bỏ tư duy lệ thuộc sách giáo khoa
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, một vấn đề bất cập trong dạy học hiện nay chính là tư tưởng phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa. Điều cần thiết là cởi bỏ tư duy này trong toàn hệ thống giáo dục.
Giáo viên với tư cách là người thực hiện chương trình cần phải thay đổi tư tưởng “thần thánh hóa” sách giáo khoa. Để làm được điều này, các thầy cô phải hiểu rõ chương trình mới, đã được ban hành bằng Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.
Vì giáo viên chưa hiểu chương trình nên vẫn dạy học theo bài sách giáo khoa, chưa linh hoạt tổ chức bài học dẫn tới nội dung nặng và quá tải.
Sách giáo khoa chỉ là một phương án dạy học, một bộ sách có thể phù hợp với lớp học này, khu vực này nhưng lại chưa phù hợp với lớp học khác, khu vực khác. Giáo viên bằng năng lực của mình cần phải dạy học sáng tạo, vận dụng các tài liệu linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh cũng nhận định: “Việc giáo viên vẫn giữ phương pháp dạy truyền thống và lệ thuộc sách giáo khoa là điều dễ hiểu. Bởi lẽ công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên chưa thực sự đảm bảo chất lượng.
Công tác tập huấn hiện nay vẫn chưa hoàn thành đủ các modul như quy định. Chúng ta chưa tập huấn đủ số modul mà đã để giáo viên thực hiện chương trình mới thì việc họ gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, vẫn còn có hiện tượng thầy cô tham gia tập huấn theo kiểu đối phó”.
Không riêng giáo viên, các cấp quản lý trong hệ thống giáo dục cũng cần cởi bỏ tư tưởng dạy học phụ thuộc vào sách giáo khoa.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, mặc dù chương trình mới đã trao quyền chủ động cho giáo viên nhưng cách thức quản lý, đánh giá vẫn vô tình trói buộc giáo viên vào những bài học, nội dung tiết học cụ thể. Đây chính là một rào cản đối với việc thực hiện chương trình hiện nay.
Các cấp quản lý cần hỗ trợ giáo viên trong dạy học chủ động, sáng tạo, thay vì kiểm tra, đánh giá giáo viên qua những tiết dự giờ theo bài sách giáo khoa. Bộ có thể đánh giá chất lượng giáo dục thông qua kiểm tra, đánh giá kết quả đạt hay không đạt về các yêu cầu cần đạt của học sinh sau mỗi chủ đề, sau mỗi năm học, cấp học.
Cuối cùng, muốn cởi bỏ tư tưởng dạy học theo sách giáo khoa thì những nhà biên soạn sách phải biên soạn sách giáo khoa theo chủ đề.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh: “Từ năm 2014, Bộ Giáo dục đã chỉ đạo dạy học theo chủ đề. Vì vậy, các nhóm tác giả cần phải thể hiện nội dung bài học theo chủ đề, theo tinh thần của chương trình mới”.
Nếu chia sách giáo khoa theo bài và quy định nội dung từng bài học thì sẽ làm khó giáo viên trong dạy học, vô tình trói buộc giáo viên vào lối tư duy cũ.
Thầy Khánh cũng khẳng định giáo viên phải là người trực tiếp được quyền lựa chọn sách giáo khoa vì giáo viên cần được chọn công cụ làm việc của mình, từ đó linh hoạt xây dựng nội dung bài học dựa trên yêu cầu, mục tiêu dạy học của chương trình mới.