Bộ Giáo dục đã thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào?

14/10/2020 05:58
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình 2018 thông tin, phạm vi thực nghiệm chương trình diễn ra tại một số trường phổ thông thuộc 6 tỉnh.

Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới bắt đầu được triển khai từ năm học 2020-2021 cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, mới triển khai được hơn một tháng, phụ huynh, giáo viên đã chỉ ra chương trình quá nhanh và nặng với các học sinh.

Vậy, khi thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới, kết quả từng được công bố ra sao?

Theo đó, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trước khi chính thức ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới... Đây là lần đầu tiên, việc thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện.

Theo đó, nội dung thực nghiệm là những điểm mới về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục trong chương trình môn học. Việc thực nghiệm chương trình môn học được tiến hành ngay trong quá trình hoàn thiện dự thảo các chương trình môn học.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới trong buổi họp báo ngày 27/12/2018 công bố chương trình giáo dục phổ thông mới (ảnh: moet.gov.vn)

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới trong buổi họp báo ngày 27/12/2018 công bố chương trình giáo dục phổ thông mới (ảnh: moet.gov.vn)

Tại buổi công bố kết quả thực nghiệm, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới thông tin, phạm vi thực nghiệm tại một số trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ đại diện 6 vùng kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước.

Mỗi vùng chọn 1 tỉnh, mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông đại diện cho các địa bàn phát triển khác nhau để thực nghiệm.

Cụ thể vùng 1: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai và Yên Bái;

Vùng 2: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh;

Vùng 3: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận;

Vùng 4: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng;

Vùng 5: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu;

Vùng 6: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo báo cáo của Ban Phát triển các chương trình môn học, các sở giáo dục và Đào tạo đã chú trọng, tăng cường công tác chỉ đạo việc triển khai thực nghiệm các chương trình môn học, coi đây là một trong các nhiệm vụ góp phần quan trọng thực hiện thành công đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở địa phương và toàn quốc.

Cấp tiểu học có 147 tiết, cấp trung học cơ sở có 129 tiết, cấp trung học phổ thông có 96 tiết, tổng cộng có 372 tiết. Mỗi bài được dạy từ 1 đến 2 lượt.

Nội dung bài dạy thực nghiệm có hai loại: Bài học là nội dung mới, không có trong chương trình hiện hành; Bài học là nội dung có trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành nhưng được thực hiện theo phương pháp dạy học mới. Tổng cộng đã có hơn 6.200 tiết học thực nghiệm được tiến hành.

Số giáo viên thực hiện các bài học thực nghiệm là 528 giáo viên tiểu học, 602 giáo viên trung học cơ sở và 352 giáo viên trung học phổ thông, tổng cộng 1. 482 người.

Kết quả dạy thực nghiệm, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết giáo viên và cán bộ quản lý các trường tham gia thực nghiệm đều đánh giá cao ưu điểm và triển vọng của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, ông Thuyết cũng thừa nhận, giáo viên và cán bộ quản lý đã chỉ ra một số yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học thì “đã được Ban soạn thảo điều chỉnh cho phù hợp hơn”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khẳng định tại cuộc họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới vào ngày 27/12/2018.

Nhiều người băn khoăn chương trình giáo dục phổ thông mới có giảm tải so với chương trình hiện hành thì Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích, bậc tiểu học có 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5.

Trong khi đó, chương trình hiện hành có 10 môn học lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 11 môn học ở lớp 4 và lớp 5.

Còn ở bậc trung học cơ sở, các lớp đều có 12 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.

Đến cấp trung học phổ thông, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học. Trong khi chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.

Về thời lượng, ở bậc tiểu học sắp tới học sinh sẽ học chương trình với 2.838 giờ (còn chương trình hiện hành là 2.353 giờ).

Nhìn số giờ tăng nhưng việc "giảm tải" được Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích là: Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học. Còn chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.

Ở Trung học cơ sở, học sinh học 3.070 giờ; giảm 54 giờ so với chương trình hiện hành.

Ở Trung học phổ thông, học sinh học 2.284 giờ; giảm 262 giờ so với chương trình Ban cơ bản hiện hành; giảm 315 giờ so với chương trình Ban A, Ban C hiện hành.

Thùy Linh