Bài viết Còn chứng chỉ vô duyên nhất giá như Bộ Giáo dục bỏ nốt, thầy cô mừng biết mấy của tác giả Nhật Duy được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 05/2/2021 đã có tới 163 ngàn lượt người đọc và 72 phản hồi sau 2 ngày đăng tải.
Trên các diễn đàn của giáo viên cũng được chia sẻ lại và thu hút rất nhiều phản hồi từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước.
Các ý kiến phản hồi của bạn đọc đều đồng tình với nội dung của bài viết và thiết tha mong muốn Bộ bỏ luôn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bởi thực tế nội dung học tập chẳng có cái gì mới mẻ nhưng lại tốn kém, lãng phí vô cùng.
Giáo trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chuẩn chức danh nghề nghiệp (Ảnh: Thanh An) |
Những “giấy phép con” hành giáo viên khủng khiếp
Những năm qua, kể từ khi Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành thì nhiều giáo viên phải cắn răng để bỏ tiền, thời gian đi học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Suốt từ năm 2015 cho đến nay, các trường đại học, các trung tâm mà Bộ cho phép đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không chỉ dạy tại trường mà họ còn ngược xuôi về các địa phương, các trung tâm giáo dục thường xuyên chiêu sinh, mở lớp, gửi email về các trường nói về tầm quan trọng của các chứng chỉ…
Bây giờ, khi mà phần lớn đội ngũ giáo viên đã học, đã thi, đã có chứng chỉ thì Bộ mới có chủ trương bỏ 2 chứng chỉ này. Vì thế, có nhiều giáo viên chưa học cũng mừng thật nhưng có lẽ cũng có nhiều giáo viên cảm thấy nuối tiếc vì mình đã bỏ ra 1-2 tháng lương để đi học.
Vài năm nay, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp lại được Bộ triển khai mà mới đây nhất là các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường công lập đều yêu cầu giáo viên các hạng đều phải có chứng chỉ tương ứng.
Mỗi lần chuyển hạng từ hạng III lên hạng II, hạng II lên hạng I là giáo viên lại bắt buộc phải đi học 1 chứng chỉ theo hạng để làm “giấy thông hành” cho việc xét (thi) thăng hạng.
Từ cấp mầm non lên đến trung học phổ thông, mỗi cấp học đều có hạng giáo viên (III, II, I) đều răm rắp. Mỗi chứng chỉ lại tốn kém từ 2 triệu đồng trở lên để đóng tiền học phí và mua tài liệu học tập.
Cả nước có 1,3 triệu giáo viên, chỉ cần tính mỗi giáo viên học 1 chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhân với số tiền trung bình là 2,2 triệu đồng thì trên 2 ngàn tỉ đồng đã nghiễm nhiên chạy vào túi của các trường sư phạm.
Nhưng đó mới là số tiền mà giáo viên phải đóng trực tiếp cho các trường đại học, cao đẳng sư phạm, chưa kể những chi phí phát sinh trong quá trình học, đi lạ bởi vì những giáo viên xa nhà còn tốn kém thêm tiền trọ, tiền đi lại.
Mỗi thứ cộng lại một chút cũng thành một khoản tiền lớn so với mức lương mà giáo viên lĩnh hàng tháng.
Trong khi, tới đây thì cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng sẽ thực hiện chính sách trả lương theo vị trí việc làm (dự kiến thực hiện vào năm 2022) thì việc trả lương theo hệ số sẽ không còn nữa.
Thế nhưng, các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường công lập mà Bộ vừa ban hành vẫn hướng dẫn xếp lương giáo viên theo hệ số giống như hiện nay?
Nếu Bộ bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong nhiệm kỳ này…
Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là một nỗ lực của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và lãnh đạo ngành giáo dục trong nhiệm kỳ này.
Bởi vì 2 loại chứng chỉ đó đã trở thành nỗi ám ảnh cho hàng triệu nhà giáo mỗi khi xét chuẩn nghề nghiệp giáo viên cuối năm và những khi Sở, Phòng gửi mail về trường chiêu sinh như một lời thúc giục nhà giáo ghi danh, đăng ký học tập…
Nếu như bây giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo mà nghiên cứu, thống nhất bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên nữa sẽ là điều trọn vẹn nhất.
Bởi, thực tế nội dung mà các trường sư phạm đang giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì giáo viên cũng đã học ở trường sư phạm và hàng năm cũng đã được tập huấn, bồi dưỡng.
Vì thế, chúng tôi cho rằng Bộ bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thay thế bằng một hình thức bồi dưỡng khác sẽ đỡ lãng phí tiền của, thời gian cho giáo viên trong những năm tới đây.
Đối với giáo viên đã được tuyển dụng và đang công tác trong ngành giáo dục thì Bộ nên lồng ghép vào nội dung bồi dưỡng thường xuyên hàng năm vì đây là công việc đã được triển khai thực hiện trong mỗi năm học.
Ngoài việc chiêu sinh được thông báo tại các trường đại học, gửi mail về các trường phổ thông thì trên mạng xã hội nhan nhản thông tin chiêu sinh như thế này (Ảnh: Thanh An) |
Những cái nào trùng lặp thì bỏ đi, những cái nào mới thì lồng ghép cho giáo viên bồi dưỡng thường xuyên, không cần thiết phải học để được nhận những chứng chỉ riêng lẻ.
Đối với những sinh viên sư phạm đang học tại các trường đại học, cao đẳng thì Bộ chỉ đạo để các trường sư phạm lồng ghép luôn vào chương trình đào tạo chính khóa vì chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hiện nay cũng đang được các trường sư phạm đào tạo và cấp chứng chỉ.
Thực tế, ai cũng thấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp học xong không sử dụng đến nhưng hàng ngàn tỉ đồng mà giáo viên phải bỏ ra quả là những con số đáng cho nhiều người phải suy ngẫm, tiếc nuối.
Vậy nên, đội ngũ nhà giáo trên cả nước hy vọng Bộ sẽ bỏ luôn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong thời gian sớm nhất như việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học vừa qua.
Nếu Bộ bỏ được chứng chỉ này sẽ là một nhiệm kỳ thành công và đội ngũ giáo viên biết ơn Bộ nhiều lắm bởi trong nhiệm kỳ này thì lãnh đạo ngành đã giảm đi được rất nhiều áp lực, bỏ đi những chứng chỉ vô bổ nhưng tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng của đội ngũ nhà giáo trong những năm qua.