Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, thầy cô ví như "cơn mưa rào đi qua vùng nắng hạn"

07/02/2021 06:02
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những người cả năm đi dạy nhưng do không đúng chuyên ngành, cả năm chứng chỉ ấy chỉ đút túi đâu có đưa ra để sử dụng được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên từ tháng 3/2021, đây là một trong những nội dung trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Các Thông tư này được ban hành trên cơ sở sửa đổi, thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2021.

Sau khi các thông tư này được ban hành, nhiều giáo viên ví điều này như “cơn mưa rào đi qua vùng nắng hạn” mà họ đang mong mỏi bao lâu nay.

Cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Thành phố Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Thành phố Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dưới góc độ của một nhà quản lý, cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Thành phố Tam Điệp, Ninh Bình hơn ai hết là người nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên và đã có những chia sẻ thẳng thắn với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.

Cô Lễ cho biết: “Theo tôi việc làm này của Bộ Giáo dục là rất đúng đắn. Ví dụ, nếu một cơ sở giáo dục nào đó thuộc tầm cao cấp hoặc mang chuẩn quốc tế, họ cần một giáo viên phải đảm bảo tới một mức yêu cầu nhất định nào đó. Họ sẽ xét tuyển đầu vào đáp ứng được đủ chuẩn thì việc đề ra các yêu cầu phù hợp là đúng.

Giáo viên ở các trường Tiểu học, Trung học cơ sở hay Trung học phổ thông hệ công lập ở mức độ đại trà thì nên bằng chuẩn đào tạo đầu ra sư phạm.

Theo kinh nghiệm công tác, tôi thấy rằng, những chứng chỉ đó chỉ là điều kiện cần để khi mình xét cho giáo viên đó làm việc gì đó cụ thể thôi.

Còn thực ra với giáo viên, có những người cả năm đi dạy, cho dù đầy đủ các loại chứng chỉ đó trong tay nhưng không đúng chuyên ngành giảng dạy của người đó thì rõ ràng cả năm những cái chứng chỉ ấy chỉ đút túi đâu có đưa ra để sử dụng.

Như vậy khác gì chúng ta đang lãng phí thời gian và tiền bạc để đầu tư vào một cái không thực sự cần thiết hay sao.

Vì thế, khi Bộ đề ra quyết định này, không đơn lẻ chỉ là với những người làm công tác quản lý như chúng tôi mà tất cả các giáo viên đều hết sức vui mừng và hoan nghênh quyết định đúng đắn của Bộ Giáo dục. Điều này là thiết thực và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của rất nhiều giáo viên.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế chung hiện nay, khi nền giáo dục của chúng ta đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ thì việc Bộ Giáo dục không yêu cầu giáo viên cần có những chứng chỉ đó không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ mức trình độ về ngoại ngữ và tin học với giáo viên, hơn ai hết tự bản thân mỗi giáo viên cần cố gắng trau dồi hơn nữa các kinh nghiệm và kỹ năng.

Vì đã bước chân vào môi trường giáo dục thì nếu một giáo viên đảm bảo hoàn thiện về các trình độ chuyên môn bao giờ cũng sẽ gặp thuận lợi hơn so với các giáo viên khác”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc, nếu trong quá trình tuyển dụng đầu vào mà trong hồ sơ của giáo viên ấy không có những loại chứng chỉ trên thì quá trình tuyển dụng có làm khó cho nhà quản lý hay không? Và căn cứ vào đâu để đánh giá chính xác được năng lực của giáo viên đó, những điều này được cô Lễ thẳng thắn chia sẻ: “Thực tế, với một giáo viên nếu nếu họ có năng lực thực sự thì bằng con mắt nghề nghiệp và kinh nghiệm công tác quản lý lâu năm thì để đánh giá được chất lượng giáo viên đó là điều rất dễ dàng qua phỏng vấn, thực tế công việc.

Vì thế, không nhất thiết các giáo viên ấy phải trình ra được những chứng chỉ ấy thì mới được chúng tôi nhận vào.

Bởi một giáo viên muốn được vào công tác tại một cơ sở giáo dục nào đó thì tại cơ sở ấy luôn có một khung chung để cho các giáo viên đó thi đánh giá năng lực đầu vào.

Điều này đã được áp dụng bao lâu nay và luôn chọn được những giáo viên có năng lực thực sự.

Vì thế, khi tuyển dụng thì hồ sơ của họ chúng tôi cũng chỉ coi là điều kiện cần, cái cơ bản nhất vẫn là năng lực của chính bản thân họ”.

Trung Dũng