Nỗ lực bỏ chứng chỉ ngoại ngữ-tin học, giáo viên biết ơn Bộ trưởng Nhạ nhiều lắm

28/11/2020 07:30
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây được xem là tin vui cho đội ngũ giáo viên bởi kết quả này là sự nỗ lực của lãnh đạo Bộ, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong suốt nhiệm kỳ.

Những năm qua, câu chuyện chứng chỉ của giáo viên là đề tài được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tượng giáo viên bỏ tiền mua chứng chỉ, nộp tiền rồi tham gia thi một cách chiếu lệ là có chứng chỉ xảy ra ở nhiều tỉnh thành.

Để có những chứng chỉ này, giáo viên phải bỏ ra nhiều triệu đồng mới có được nhưng phần lớn giáo viên “học” xong thì có chứng chỉ chứ gần như không thêm kiến thức.

Chính từ những bất cập này, báo chí lên tiếng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có một vài lần lên tiếng về sự việc này.

Mới đây nhất, vào ngày 26/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định và tại đây thì ông đã thông tin về việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên và chứng chỉ ngoại ngữ 2 đối với giáo viên dạy tiếng Anh.

Đây có thể được xem là tin vui cho đội ngũ giáo viên bởi kết quả này là sự nỗ lực của lãnh đạo Bộ, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong suốt nhiệm kỳ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định (Ảnh: moet.gov.vn)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định (Ảnh: moet.gov.vn)

Nhiều giáo viên từng đau đầu vì chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Ai cũng biết trong thời điểm hiện nay thì việc sử dụng tốt ngoại ngữ và tin học sẽ là một lợi thế để khám phá tri thức, nhất là đối với đội ngũ nhà giáo- những người đang làm thiên chức “trồng người”.

Cứ nhìn lại những việc hàng ngày của thầy cô giáo hiện nay sẽ thấy giá trị của công nghệ thông tin mang lại, nó giúp cho các nhà giáo rất nhiều công việc trong quá trình đứng lớp, công tác.

Vì thế, dù đã có hoặc không có chứng chỉ nhưng gần hết giáo viên phổ thông hiện nay đã sử dụng khá tốt máy tính và khai thác những lợi ích từ internet để phục vụ cho công việc giảng dạy của mình.

Điều này được thể hiện rõ nhất ở việc giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, nhất là giai đoạn dạy trực tuyến cho học sinh trong những tháng dịch bệnh vừa qua.

Nhưng, đối với chứng chỉ ngoại ngữ thì sao? Có phải tất cả giáo viên phải ai cũng cần có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hay không?

Trong khi, đây lại là một quy định được xem là bắt buộc đối với giáo viên khi tuyển dụng, khi xét (thi) thăng hạng và ngay cả chuyện đánh giá chuẩn nghề nghiệp hàng năm nên chứng chỉ ngoại ngữ vẫn đang là một bước cản lớn đối với nhiều thầy cô giáo.

Thực ra, những giáo viên không dạy ngoại ngữ không cần thiết phải có chứng chỉ bậc 1, bậc 2 như quy định hiện nay vì đơn giản là môn dạy của họ không cần thiết phải sử dụng ngoại ngữ.

Bản thân họ trước đây cũng đã từng học chương trình đào tạo ngoại ngữ ở trường phổ thông, cao đẳng hoặc đại học sư phạm theo quy định. Nhiều người đã có chứng chỉ A, B, C…nhưng vì lâu ngày không sử dụng nên nó mai một dần.

Vì thế, khi mà Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục quy định giáo viên phải có trình độ chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thì họ cảm thấy lo ngại.

Hơn nữa, nếu học xong các chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định mà không sử dụng thì lại tiếp tục quên hết. Ngay cả giáo viên ngoại ngữ phải có ngoại ngữ thứ 2 cũng là một yêu cầu làm khó nhiều giáo viên.

Vì thế, mong mỏi của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông là các Bộ liên quan bỏ yêu cầu về các chứng chỉ này là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng.

Những nỗ lực của Bộ Giáo dục và cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Trở lại với buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định vừa qua thì chúng ta thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin:

Thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Dự kiến, tháng 12/2020 sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này”. [1]

Bộ trưởng còn chia sẻ thêm: “Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau rồi, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.

Những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp”. [1]

Và, đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập đến vấn đề này bởi tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 07/11/2019 thì Bộ trưởng Nhạ cũng đã cho biết:

Qua thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết.

Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong chuẩn giáo viên”.[2]

Những chia sẻ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hoàn toàn phù hợp với thực tế của giáo viên đã và đang công tác hiện nay. Vì suy cho cùng, những thầy cô giáo đã được tuyển dụng trước đây thì họ đã đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lúc bấy giờ.

Hơn nữa, các môn tin học, ngoại ngữ thì họ cũng đã được học qua các học phần ở các trường sư phạm. Việc đòi hỏi thêm chứng chỉ thực tế chỉ gây lãng phí và làm khó giáo viên, tăng thêm tiêu cực mà thôi.

Khi đã được tuyển dụng, giáo viên chỉ cần bồi dưỡng chuyên môn là thiết thực nhất

Nhìn lại chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, chúng ta thấy tiếng Anh được học từ lớp 3, nhiều nơi có điều kiện học từ lớp 1 và đây cũng là môn mà học sinh đang phải đi học thêm nhiều nhất ở nhà thầy cô và các trung tâm ngoại ngữ.

Lên đại học, học sinh tiếp tục được học 300 tiết tiếng Anh trong 5 học kỳ đầu tiên, trong đó có một học kỳ học tiếng Anh chuyên ngành.

Vậy mà khi tuyển dụng, thậm chí giảng dạy hàng chục năm, vẫn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tiếng Anh bậc 1, bậc 2. Nghịch lý ở chỗ học sinh, sinh viên học ngoại ngữ liên tục hơn chục năm trời (từ lớp 3 đến lớp 12 là 3 tiết/tuần), đại học (học 300 tiết) nhưng lại thua cái chứng chỉ học trong vài tuần.

Những bất cập này tiếp tục được thể hiện trong các dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập đã được Bộ công bố để lấy ý kiến trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ngày 26/11 vừa qua thì dự kiến, tháng 12/2020 tới đây sẽ ban hành quy định cụ thể về việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Hy vọng, cùng với việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì Bộ cũng đồng thời sẽ bỏ tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học trong chuẩn nghề nghiệp của giáo viên hiện nay.

Nếu, điều này thành hiện thực, giáo viên sẽ rất biết ơn lãnh đạo Bộ, biết ơn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhiều lắm bởi chỉ trong nhiệm kỳ này thì ngành Giáo dục đã dần dần loại bỏ những bất cập cho giáo viên dưới cơ sở.

Trong đó, phải kể đến chủ trương giảm hồ sơ sổ sách, thay đổi nội dung các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi và tới đây là chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7093

[2] https://www.sggp.org.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-quy-dinh-ve-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-la-khong-can-thiet-627230.html

THANH AN