“Theo tôi học sinh lớp 4 lớp 5 trở lên thì có thể học trực tuyến được, nhưng việc này chỉ mang tính chất duy trì để các em khỏi sao nhãng việc học tập chứ không thể hy vọng học được như trực tiếp ở trường. Đây là việc khó đạt được.
Quỹ thời gian cho 1 năm học có hạn, vậy nên dùng biện pháp học trực tuyến để tính đến việc hoàn thành chương trình thì đó chỉ là hình thức, còn thực chất kết quả thì không được theo ý muốn”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội, cho biết.
Theo thầy Cường: "Chúng ta cứ lo hoàn thành chương trình mà việc nghỉ học có thể còn kéo dài tùy vào diễn biến của dịch bệnh nên dẫn tới việc dạy dồn, dạy ép làm cho chất lượng không hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Tùng Dương. |
Theo thầy Cường: “Ta thử đặt vấn đề tại sao Campuchia lại cho học sinh đỗ hết trong đợt nghỉ phòng dịch Covid - 19 vừa qua? Theo tôi có lẽ đó là họ đã chấp nhận hạ thấp yêu cầu xuống.
Chúng ta không làm như vậy nhưng cũng nên hạ thấp yêu cầu xuống, đề thi cũng phải dễ hơn. Thi tốn kém như vậy, huy động bao nhiêu sức người, sức của nhưng hầu như là đỗ gần 100% thì cũng nên tính toán lại xem có cần thiết phải tốn kém như vậy không?
Thi vào các trường đại học thì tôi không bàn đến, nhưng còn thi kiểu đại trà như vậy thì cũng nên cân nhắc trong thời điểm hiện tại, nhất là bậc tiểu học và đặc biệt là lớp 1, lớp 2.
Chúng ta cứ lo hoàn thành chương trình mà việc nghỉ học có thể còn kéo dài tùy vào diễn biến của dịch bệnh nên dẫn tới việc dạy dồn, dạy ép khiến cho chất lượng không hiệu quả như mong muốn.
Về mặt đại trà thì số học sinh có phương tiện không phải là tất cả 100%, ngoài ra nhiều học sinh có phương tiện nhưng không đạt yêu cầu, có thể không có camera, đường truyền Internet yếu, máy tính quá cũ…chưa kể nhiều gia đình có 2 con cùng học nhưng chỉ có một thiết bị.
Nhiều học sinh phản ánh rằng con giơ tay nhưng mãi không thấy được cô gọi phát biểu nên dẫn tới việc chán học, thực chất là sĩ số lớp với hơn 50 học sinh thì làm sao thời lượng tiết học trực tuyến đủ được để mà cô giáo gọi được hết học sinh tham gia. Đó cũng là bất cập.
Tôi biết một phụ huynh có con đang học tiểu học tại quận Cầu Giấy, phụ huynh này cho biết khi họp nhóm với giáo viên chủ nhiệm thì được thông báo hiện nay nhà trường chưa mua “bản quyền phần mềm học trực tuyến” vì không biết phải nghỉ học dài hay ngắn? Lớp học thì đông nên kinh phí để mua phần mềm này rất lớn, nhà trường không đủ kinh phí.
Chính vì vậy giáo viên chủ nhiệm của lớp này để nghị nếu phụ huynh nào có phần mềm bản quyền nhưng chưa dùng đến thì cho lớp mượn.
Một điều nữa là học sinh nhìn chăm chú vào máy tính một ngày mấy tiếng đồng hồ thì rất hại mắt, vậy cũng không nên học đủ cả tuần mà cần có thời gian để con trẻ nghỉ ngơi hoặc tham gia các hoạt động khác có ích, nhất là các cháu bậc tiểu học. Các lớp lớn hơn cũng chỉ nên học mỗi ngày 4 tiết chia 2 buổi sáng và chiều”.
Thầy Cường nêu quan điểm: “Nhưng nếu không dạy trực tuyến thì cũng không biết phải nghỉ học đến bao giờ, mà không học thì cũng sẽ lạc hậu so với thế giới vì học tập là việc cả đời, luôn học, luôn cập nhật kiến thức thường xuyên.
Trường tôi đã cho lập một “đội xung kích” rất giỏi về tin học với mục đích hỗ trợ học sinh tại nhà, chỗ nào mắc khó khăn là đội đến giải quyết ngay nhưng thực sự sau khi hoạt động một thời gian đã bộc lộ bất cập.
Ý tưởng thì tốt nhưng toàn những bất cập khách quan như vậy nên đội xung kích đã phải ngưng hoạt động mặc dù kinh phí chúng tôi chi trả khá lớn nhưng cũng đành chịu.
Theo tôi đối với bậc tiểu học nên nghiên cứu phương pháp chơi mà học, có thể cho học sinh xem clip, xem phim về Lịch sử, Địa lý …để các em vẫn nắm bắt được mà lại không mệt mỏi.
Môn Toán giao bài tập về nhà thì còn có thể được, chứ môn tập viết thì hoàn toàn chịu không thể dạy được, lớp 1 là cầm tay uốn nắn từ cách cầm bút, từng nét chữ …mà lại dạy trực tuyến thì chịu rồi.
Học kỳ đầu cho học sinh đến trường làm quen với việc học, học kỳ 2 mới phân loại tính điểm, đó là đối với lớp 1. Việc họ đặt ra dạy trực tuyến như hiện nay thì giáo viên phải bỏ công sức ra rất nhiều mà hiệu quả chưa đạt. Tôi thấy giáo viên quá vất vả”.
Các em học sinh Trường tiểu học lômônôxốp, Hà Nội (Ảnh chụp tháng 12/2020) |
Dạy học sinh lớp 1-2 không khác nào cầm tay chỉ việc
Chia sẻ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Phạm Thị Lý - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lômônôxốp, cho biết: “Không những ở Việt Nam mà hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng chung tình trạng dịch bệnh và cũng không biết kéo dài đến bao giờ.
Chính vì vậy sau năm 2019 thì nhà trường chúng tôi đã rất chủ động về các kịch bản, chuẩn bị cho các phương án. Riêng đối với lớp 1 tuần đầu tiên chúng tôi cho học buổi tối, đó là lúc các thầy cô hướng dẫn phụ huynh cách dạy các con tự học.
Sau tuần đó không thể nói các con đã thành thạo hết nhưng cũng đã phần nào biết cách đăng nhập vào lớp học, biết cách giao tiếp với giáo viên trong phòng học đó. Còn việc gửi bài thì phải phối hợp với phụ huynh chụp lại bài rồi gửi cho cô.
Ở lớp 1 thì chủ yếu là đọc, viết. Học trực tuyến thì chúng tôi quan trọng việc đọc, học sinh phải đọc thông thì mới giải quyết được các môn học khác.
Còn nếu để nói về chất lượng đạt được như học trực tiếp trên lớp thì không thể được, không ai có thể khẳng định được học trực tuyến mà lại đạt được chất lượng như học trực tiếp.
Còn nói việc cầm tay nắm các con viết chữ thì giáo viên không thể làm được rồi, thay vào đó chúng tôi xây dựng các clip hướng dẫn viết rồi nhờ phụ huynh phối hợp cùng. Những gì chưa hoàn thiện được trong quá trình dạy trực tuyến thì chúng tôi đã có kế hoạch dạy bù đắp cho các con khi quay trở lại trường.
Cô Lý nói: “Khi dạy và học thì sự tương tác giữa giáo viên và học sinh là yếu tố rất quan trọng. Nếu ở bài giảng trên lớp, sự tương tác được phát huy hiệu quả thì học trực tuyến, giáo viên chủ yếu là thực hiện bài giảng một chiều, học sinh tiếp nhận qua các phương tiện, sự tương tác cần thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập sau đó chứ không trực tiếp. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.
Về phía gia đình học sinh, ngoài khó khăn về phương tiện phục vụ cho học sinh học trực tuyến thì nhiều phụ huynh không có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để trợ giúp cho con em mình, họ vẫn phải đi làm hằng ngày, không có thời gian để tổ chức, quản lý việc học của các em ở nhà…
Về phía các nhà trường, các thầy cô giáo triển khai dạy học trực tuyến, nếu không xây dựng kế hoạch cụ thể thì chắc chắn học sinh sẽ rơi vào tình trạng học chồng chéo giữa các bộ môn vì có thể, cùng một thời gian sẽ nhiều môn học, làm bài tập được giao. Như thế, hiệu quả khi học theo từng môn học sẽ không cao”.
Cô Lý chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ không chỉ là dịch Covid - 19 mà có thể còn nhiều tình huống khác nữa có thể xảy ra, vậy nên thế hệ trẻ bây giờ rất cần phải thích ứng với cách học mới, nhiều hình thức học mới và bắt buộc là phải theo guồng mới. Nếu không theo thì mình sẽ bị bật ra khỏi guồng chung của xã hội phát triển.
Nếu tất cả đều không học theo guồng mới đó thì sẽ bị lạc hậu, lùi sự phát triển lại. Hơn nữa cũng không đến nỗi các con không thể theo học trực tuyến được, chỉ cần tập huấn cũng như trang bị đầy đủ thiết bị là các con theo được.
Còn có ý kiến nên cho học sinh lớp 1 -2 học buổi tối để phụ huynh có thời gian kèm nhưng thực tế chúng tôi nhận thấy trẻ con thường không thích học nhiều vào buổi tối, đó là đặc điểm tâm lý. Hơn nữa không thể đủ thời lượng cho những môn học”.