Thế nào là trường học hạnh phúc?

09/03/2021 07:05
Tùng Dương
GDVN- Trước mỗi bài học tôi thường giao thông tin cho học sinh về nhà tự nghiên cứu, nhưng không nói chung chung mà sẽ giao từng nhóm, từng người, từng việc chi tiết.

“Nhớ những năm trước lớp tôi có một học sinh tên H.A với học lực rất tốt, rất ngoan, tuy nhiên em đó thường khép mình với các bạn mặc dù tôi đã gần gũi, tiếp cận để đưa em đó vào những buổi vui chung của cả lớp nhưng có vẻ vẫn không thoải mái, nhìn nét mặt em luôn có một cái gì đó hơi suy tư.

Cho đến một lần cả lớp thống nhất tổ chức dã ngoại trải nghiệm 1 ngày ở xa Hà Nội, sau hôm đó H.A rất buồn, ngồi ủ rũ không nói. Tôi quyết định tiếp cận, gặng hỏi mãi em mới cho biết là rất muốn đi dã ngoại cùng các bạn nhưng mẹ em không cho đi.

Tôi bí mật đến nhà em để tìm hiểu thì được biết gia đình H.A có hoàn cảnh rất khó khăn, bố bị ốm nằm một chỗ không làm việc được, tiền học của em hàng tháng là tiền lương hưu của bà. Tất cả sinh hoạt gia đình 4 người đều trông vào lương 5 triệu đồng 1 tháng của mẹ, nhà thì phải đi thuê trọ.

Vậy sự thật là mẹ em không có tiền để cho em đi dã ngoại, biết được hoàn cảnh như vậy tôi thấy thương em vô cùng. Hôm đó đi cùng với tôi có ban cán sự của lớp và khi về thì tự các bạn trong lớp bảo nhau quyết định quyên góp ủng hộ để H.A.

Số tiền đó tôi đưa trực tiếp cho mẹ H.A và nói không để em biết, chỉ hiểu là tiền của mẹ cho đi dã ngoại thì em mới đồng ý”, cô Lê Thị Xuân - Giáo viên chủ nhiệm lớp 10 D1 Trường Trung học phổ thông Đông Đô, Tây Hồ, Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Xuân nói: “Bản thân tôi vừa là giáo viên chủ nhiệm đồng thời là giáo viên bộ môn nên mỗi khi vào tiết học mới, tôi luôn ý thức được rằng mình phải làm sao để thu hút được học sinh, làm cho các em muốn đến lớp, muốn học tập...Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Xuân nói: “Bản thân tôi vừa là giáo viên chủ nhiệm đồng thời là giáo viên bộ môn nên mỗi khi vào tiết học mới, tôi luôn ý thức được rằng mình phải làm sao để thu hút được học sinh, làm cho các em muốn đến lớp, muốn học tập...Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Xuân cho biết: “Hôm đi dã ngoại với các bạn em H.A rất phấn khởi, chụp ảnh vui chơi hòa đồng và có thổ lộ với tôi rằng em không nghĩ là mẹ lại cho em đi tham quan cùng cả lớp. Em chỉ nói vậy và không chia sẻ gì thêm về hoàn cảnh.

Sau khi biết được hoàn cảnh của em, cộng với học lực tốt nên ban giám hiệu nhà trường đã quyết định giúp đỡ trao tặng cho H.A học bổng “Võ Thế Quân” số tiền mỗi tháng là hơn 1 triệu đồng trong suốt 3 năm học cấp 3, ngoài ra còn có thêm học bổng Đông Đô nên cũng phần nào giúp đỡ được em và gia đình.

Mãi sau này khi tốt nghiệp ra trường rồi thì mẹ H.A mới cho em biết là các bạn trong lớp đã giúp số tiền để đi tham quan, và còn âm thầm giúp đỡ gia đình rất nhiều lần nữa trong những năm học cấp 3. Sau khi biết như vậy H.A có viết thư cảm ơn tôi và các bạn trong lớp.

Tôi thấy câu chuyện rất ý nghĩa ở chỗ các con trong lớp biết đoàn kết thương yêu, chia sẻ đùm bọc lẫn nhau, biết tự bảo nhau giúp đỡ các bạn, đó là điều đáng quý”.

Theo cô Xuân: “Bản thân tôi hiểu muốn xây dựng được Trường học hạnh phúc thì trước hết mỗi học sinh đến trường phải cảm thấy hạnh phúc, một lớp học hạnh phúc, mỗi cán bộ giáo viên cũng vậy, tất cả hợp lại thì mới có Trường học hạnh phúc. Vấn đề này thầy Hiệu trưởng nhà trường cũng đặc biệt lưu tâm và luôn thực hiện sát sao.

Mỗi giáo viên đã cùng với ban giám hiệu nhà trường xây dựng bộ tiêu chí đó và duy trì suốt nhiều năm qua. Đồng thời chúng tôi cũng xây dựng tiêu chí thầy cô hạnh phúc và hàng tháng đều có đánh giá mức độ tín nhiệm của từng giáo viên, nó thể hiện được sự hạnh phúc, tín nhiệm của học sinh cũng như ban giám hiệu nhà trường.

Bên cạnh vấn đề chuyên môn, các thầy cô thường xuyên hỗ trợ nhau về mảng hoạt động giúp cho học sinh ngoài việc học kiến thức chính khóa còn có thêm nhiều giờ ngoại khóa, nhờ đó mà chỉ số hạnh phúc của các em cũng được tăng lên.

Từng giáo viên trong nhà trường luôn thực hiện nghiêm túc bộ tiêu chí đó, ngoài ra cũng cần phải có chuyên môn tốt, ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học, quản lý học sinh ra sao, giờ học có hứng thú hay không…

Đối với giáo viên chủ nhiệm có một bộ tiêu chí khác phù hợp với từng đối tượng cũng như quản lý học sinh, đối với giáo viên bộ môn lại có tiêu chí khác. Nhưng có thể hiểu một cách đơn giản các tiêu chí hạnh phúc này cũng giống những nội quy, quy tắc ứng xử trong trường học và chúng tôi cũng đã thực hiện những việc này từ rất lâu rồi”.

Việc áp dụng Công nghệ thông tin với những ví dụ sinh động như kể chuyện, xem video ngắn, trình chiếu…những vấn đề liên quan đến kiến thức lịch sử sắp học rồi từ đó tôi mới dẫn dắt học sinh vào bài giảng chính. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Việc áp dụng Công nghệ thông tin với những ví dụ sinh động như kể chuyện, xem video ngắn, trình chiếu…những vấn đề liên quan đến kiến thức lịch sử sắp học rồi từ đó tôi mới dẫn dắt học sinh vào bài giảng chính. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hướng cho học sinh tự nghiên cứu kiến thức

Cô Xuân nói: “Bản thân tôi vừa là giáo viên chủ nhiệm đồng thời là giáo viên bộ môn nên mỗi khi vào tiết học mới, tôi luôn ý thức được rằng mình phải làm sao để thu hút được học sinh, làm cho các em muốn đến lớp, muốn học tập...

Với môn Lịch sử mọi người thường có quan niệm đây là môn nặng nề vì khối lượng thông tin lớn và cũ, nhưng việc áp dụng Công nghệ thông tin với những ví dụ sinh động như kể chuyện, xem video ngắn, trình chiếu…những vấn đề liên quan đến kiến thức lịch sử sắp học rồi từ đó tôi mới dẫn dắt học sinh vào bài giảng chính.

Ngoài những phương pháp trên, một yếu tố rất quan trọng là tạo thiện cảm với học sinh, khi tôi bước vào lớp thì từ phong thái, trang phục nghiêm túc, giọng nói nhẹ nhàng, nét mặt, nụ cười…đều toát lên vẻ hạnh phúc. Học sinh nhìn đã thấy cô hạnh phúc rồi thì khi vào tiết học các em cũng sẽ thấy nhẹ nhàng, hứng thú đồng thời không khí vui vẻ cũng lan tỏa trong lớp.

Nhiều học sinh ban đầu chưa mạnh dạn, nhưng thấy tôi thân thiện gần gũi nên sau đó tâm lý các em thay đổi tích cực hơn. Nhiều lúc học sinh phát biểu chưa thực sự đúng với nội dung yêu cầu của bài học nhưng tôi luôn động viên, gợi mở để các em có cái nhìn sát hơn. Từ đó khơi dậy được sự cố gắng của học trò.

Có em chưa biết cách trả lời thì tôi cũng gợi ý hoặc để các bạn hỗ trợ thêm, và dù trả lời chưa đúng tôi vẫn tuyên dương về thái độ tích cực phát biểu, như vậy các em sẽ bớt ngại ngùng, mặc cảm. Qua đó tôi cũng nắm bắt được việc kiến thức học sinh còn thiếu chỗ nào để kịp thời bổ sung.

Trong lớp học bao giờ cũng có sự phân hóa học sinh, vậy nên trong bất kỳ một sự vật hay hiện tượng cuộc sống nào cũng sẽ có nhiều ý kiến và cách tiếp cận khác nhau. Tôi luôn tôn trọng quan điểm cá nhân của học sinh bởi khi các em đã bày tỏ quan điểm, mặc dù chưa biết sai hay đúng nhưng dám thể hiện ra thì bạn đó rất tự tin.

Nói một cách khác nếu như quan điểm đó đúng nhưng cách tiếp cận có thể khác biệt thì vẫn đáng để chúng ta tuyên dương, hơn nữa cũng để các bạn trong lớp học hỏi theo nhiều hướng tư duy khác.

Tuy nhiên nếu như quan điểm đó chưa thật sự chính thống, chưa chuẩn xác trong kiến thức thì tôi sẽ làm nhiệm vụ điều chỉnh lại và cũng không quên khen ngợi tinh thần của học sinh đó. Khi dạy học sinh mình phải đưa ra những kiến thức chính xác, thuyết phục chứ không thể áp đặt mặc dù suy nghĩ của học sinh chưa đúng.

Trước mỗi bài học tôi thường giao thông tin cho học sinh về nhà nghiên cứu, nhưng không nói chung chung mà sẽ giao từng người từng việc chi tiết.

Tôi chia nhóm học sinh rồi yêu cầu tìm hiểu vấn đề cụ thể, đồng thời khuyến khích các em học thuyết trình, tập làm việc nhóm. Ngoài kiến thức học sinh đạt được, tôi muốn học trò phải thật năng động, tự tin và hôm nay bạn này thuyết trình thì ngày mai là bạn khác, em nào cũng có cơ hội thể hiện năng lực của mình.

Nhóm này đã thuyết trình thì nhóm khác sẽ phản biện với mục đính lôi cuốn tất cả học sinh cùng tham gia, ngoài ra tôi có những buổi hướng dẫn các em cách thuyết trình sao cho hiệu quả, người nghe không bị nhàm chán, biết nhấn mạnh hoặc lướt qua những phần nào, nhờ đó mà học sinh khá tự tin.

Có nhóm sau khi tìm hiểu về kiến thức sắp học lại muốn được truyền tải bằng những tiểu phẩm kịch ngắn, có nhóm chọn trình chiếu và có nhóm sẽ đứng lên thuyết trình bằng PowerPoint hoặc vẽ tranh, các em thể hiện đa dạng và rất tự tin, chủ động. Đó cũng là điều đáng mừng và học sinh có thêm những giờ học chất lượng”.

Bên cạnh vấn đề chuyên môn, các thầy cô thường xuyên hỗ trợ nhau về mảng hoạt động giúp cho học sinh ngoài việc học kiến thức chính khóa còn có thêm nhiều giờ ngoại khóa, nhờ đó mà chỉ số hạnh phúc của các em cũng được tăng lên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Bên cạnh vấn đề chuyên môn, các thầy cô thường xuyên hỗ trợ nhau về mảng hoạt động giúp cho học sinh ngoài việc học kiến thức chính khóa còn có thêm nhiều giờ ngoại khóa, nhờ đó mà chỉ số hạnh phúc của các em cũng được tăng lên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Xuân chia sẻ thêm: “Có một điều khác biệt ở ngôi trường này là khi học sinh đến trường thì giáo viên chủ nhiệm đã có mặt từ trước để chào đón, và đến chiều khi các con về hết lúc đó giáo viên mới được về cho dù hôm đó thầy cô không có tiết dạy.

Giáo viên chủ nhiệm luôn quan sát xem học sinh của mình hôm nay có em nào khác lạ, có tâm tư tình cảm gì hay nét mặt vui, buồn ra sao là tôi đều có cách tiếp cận quan sát, tìm hiểu để cùng chia sẻ.

Ngoài ra tôi cũng tăng cường các mối quan hệ của học sinh trong lớp, thường xuyên tạo môi trường gắn kết giúp các em có thể hòa đồng như tặng hoa, tặng những món quà nhỏ tự tay các em làm hoặc những lời chúc…trong ngày lễ của phái nữ hoặc những ngày dành cho nam giới.

Vô hình chung các em có thêm một hoạt động trải nghiệm và tự đứng ra tổ chức, tất nhiên là luôn có tôi đứng phía sau. Qua những lần như vậy tôi phát hiện nhiều em có ý tưởng rất hay và còn tạo sức hút cho cả tập thể lớp cùng tham gia, nhờ đó các em cũng muốn đến lớp, yêu quý các bạn, yêu quý thầy cô và luôn muốn chia sẻ”.

Tùng Dương