Ước gì Hiệu trưởng được quyền tuyển dụng, trả lương giáo viên theo hiệu quả

30/01/2021 06:20
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những giáo viên sẵn sàng cống hiến, nhưng cũng có người chỉ chừng mực để còn dành thời gian đi dạy thêm. Người thì bận việc gia đình, người lại muốn nghỉ ngơi.

“Yên Hòa là trường công lập nên việc phân công giáo viên đều dựa trên văn bản quy định, thực tế để làm việc 8 giờ đồng hồ ở trường trong 1 ngày sau đó về nhà không làm việc thì theo tôi nghĩ các trường công lập chưa làm được điều đó.

Nguyên tắc hiện nay là dạy 17 tiết 1 tuần và giáo viên có trách nhiệm làm tròn công việc, còn lại những việc khác ngoài giờ lên lớp thì họ làm ở trường hay ở đâu thì rất khó để có thể quản lý chính xác.

Tuy nhiên theo tôi nghĩ việc này làm được khi có một cơ chế về đãi ngộ và chính sách. Tôi đã có dịp sang Úc tìm hiểu và thấy họ làm rất tốt việc này, đặc biệt là ở các trường công lập.

Họ quản lý giáo viên như thế, bao nhiêu thời gian phải làm ở trường và làm việc gì, ngoài việc chính là dạy học, rồi chăm lo cho học sinh ra sao, đi kiểm tra cái gì, giúp đỡ đồng nghiệp thế nào…? Tất cả đều có quy định rõ ràng và đặc biệt là mức thù lao sẽ là bao nhiêu.

Giáo viên coi đó là nội quy, quy định của trường và rất tuân thủ thực hiện. Ngoài ra hết công việc họ có thể tự nghiên cứu tại thư viện của trường để tối về nhà không còn phải làm việc.

Tôi đã được nghe họ chia sẻ rất chân thành như vậy rằng: Tại sao tôi phải làm việc ở nhà? Tôi nghĩ việc này chúng ta cũng nên học và áp dụng nhưng rất cần theo một cơ chế rõ ràng”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã chia sẻ.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp: "Ở Trường trung học phổ thông Yên Hòa tôi cũng đã rất cố gắng, tuy nhiên vẫn chưa thực sự xứng đáng với công sức của các giáo viên, sự thật là như vậy". Ảnh: T.D.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp: "Ở Trường trung học phổ thông Yên Hòa tôi cũng đã rất cố gắng, tuy nhiên vẫn chưa thực sự xứng đáng với công sức của các giáo viên, sự thật là như vậy". Ảnh: T.D.

Theo cô Nhiếp: “Tôi nghĩ không riêng ở Yên Hòa mà rất nhiều trường hiện nay đang rơi vào tình trạng giáo viên càng có năng lực lại càng phải làm nhiều việc.

Bởi họ dạy tốt mà thường những người đã dạy tốt lại làm được nhiều việc, ban giám hiệu rất yên tâm tin tưởng khi giao việc cho những giáo viên đó. Những người như vậy hiện nay đang bị áp lực rất lớn.

Có những giáo viên họ sẵn sàng cống hiến, nhưng trong số đó cũng có người chỉ chừng mực thôi để còn dành thời gian đi dạy thêm. Có những người không dạy thêm nhưng còn bận việc gia đình, chăm sóc con, họ muốn nghỉ ngơi.

Cơ chế hiện nay chưa phát huy được năng lực của giáo viên, nhất là những người giỏi. Chế độ đãi ngộ tiền lương chưa bù đắp xứng đáng, vậy nên lúc nào tôi cũng cảm thấy băn khoăn về điều đó, mình chưa có gì để tạo động lực cho anh em.

Ở Trường trung học phổ thông Yên Hòa tôi cũng đã rất cố gắng, tuy nhiên vẫn chưa thực sự xứng đáng với công sức của các giáo viên, sự thật là như vậy.

Từng là giáo viên và giờ đây làm quản lý nhưng nhìn thấy giáo viên như vậy đáng lẽ họ phải được hơn nhưng hiện nay cũng chỉ là những lời động viên và động viên.

Trong khi có những giáo viên dạy yếu, vào lớp nào học sinh cũng kêu nên bắt buộc phải phân thầy cô đó dạy ít đi, những tiết còn lại giáo viên hợp đồng có năng lực sẽ đảm nhận.

Việc này để đảm bảo chất lượng và rất thương học sinh, nếu nghĩ chỉ một em thôi đã buồn rồi, đây lại cả lớp 40 em phải nghe một người dạy không hay thì cực lắm, cũng từng là học sinh nên tôi rất đồng cảm với các con. Nếu không thay giáo viên là nhà trường đang tạo áp lực cho các con không muốn học.

Đây thực sự là bài toán khó, văn bản cũng đã có nhưng để giải quyết cho một giáo viên năng lực yếu nghỉ dạy không phải là chuyện đơn giản. Quy định là 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, vậy thế nào là không hoàn thành? Quá chung chung.

Nhà trường chỉ được loại chứ không được tuyển giáo viên và đây là khâu cực kỳ khó đối với những nhà quản lý trường học. Nên chăng để các trường tự chịu trách nhiệm về việc này, cho trường quyền như vậy sẽ thúc đẩy được những người giỏi, đội ngũ giáo viên mới có chất lượng.

Nếu có được cơ chế hiệu trưởng chi trả tiền lương theo năng lực của giáo viên, theo hiệu quả công việc thì tốt quá, tôi nghĩ đó sẽ là động lực tuyệt vời nhất để những giáo viên giỏi, có năng lực tự khẳng định mình.

Thực tế giáo viên hiện nay họ rất giỏi nhưng vì chưa đủ cơ chế để khơi gợi hết năng lực của họ, càng làm tôi càng thấy họ cực kỳ giỏi, rất tâm huyết”.

Theo cô Nhiếp: "Tôi mong muốn có được một cơ chế tốt về lương và chắc chắn là tâm tư giáo viên nào cũng mong như vậy, hiện nay là cào bằng khiến cho những người giỏi nản chí”. Ảnh T.D.

Theo cô Nhiếp: "Tôi mong muốn có được một cơ chế tốt về lương và chắc chắn là tâm tư giáo viên nào cũng mong như vậy, hiện nay là cào bằng khiến cho những người giỏi nản chí”. Ảnh T.D.

Nếu “cào bằng” thì những giáo viên giỏi sẽ nản?

Cô Nhiếp chia sẻ: “Theo quy định hiện hành thì hiệu trưởng phải quản lý, nắm bắt được giáo viên của trường mình ngoài giờ có dạy thêm ở đâu, tham gia giảng dạy ở trung tâm nào, có dạy thêm học sinh trong trường hay không?

Tuy nhiên để làm được việc đó là rất khó. Tôi vẫn tuyên truyền, yêu cầu những thầy cô nào dạy thêm ở đâu phải được sự đồng ý của ban giám hiệu, rồi trung tâm đó có được cấp phép hay không? Có người trung thực họ sẽ thông báo với nhà trường, còn nếu không thì không thể nắm bắt được.

Đôi khi việc dạy thêm chưa hẳn là giáo viên mong muốn mà có thể phụ huynh tự mở lớp bồi dưỡng con em họ rồi mời giáo viên đến dạy, tôi cũng đã từng vướng vào những chuyện như thế.

Học sinh không phải đi học thêm, các em hoàn toàn đảm bảo có đủ kiến thức sau những buổi học chính ở trường nếu như đội ngũ giáo viên chuẩn, dạy giỏi, chất lượng.

Ngay như số lượng tiết dạy trong 1 tuần cũng hơi căng, nên chăng giảm tải bớt một chút cũng sẽ có lợi hơn, đảm bảo các con sẽ không phải học thêm.

Sức lao động của con người ai cũng có giới hạn, khi tôi còn ở Trường Phan Huy Chú và đấy là môi trường trả lương theo năng lực, hiệu quả công việc. Ở đây giáo viên đã dạy ở trưởng cả ngày, đã dốc kiệt sức rồi nên họ không có nhu cầu dạy thêm nữa.

Họ rất sợ việc dạy thêm vì đã đảm bảo truyền đạt đủ kiến thức cho học sinh ở trên lớp, đi kèm với đó là mức lương của họ đủ trang trải cuộc sống nên thời gian rảnh họ muốn nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.

Mức thù lao rất quan trọng, về cơ bản mọi người đi làm đều vì cuộc sống, vì gia đình trăm nghìn thứ phải lo toan. Nếu có mức lương tốt thì giáo viên càng phải cố gắng, khẳng định và cống hiến hết mình để giữ vị trí công việc.

Tôi mong muốn có được một cơ chế tốt về lương và chắc chắn là tâm tư giáo viên nào cũng mong như vậy, hiện nay là cào bằng khiến cho những người giỏi nản chí”.

Cô Nhiếp cho biết: “Về lương, thưởng thì nhìn chung việc này được xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ, nhưng đây cũng là áp lực đối với bản thân tôi.

Luôn phải lo đến những ngày như 20/11, ngày Tết…mình sẽ có gì cho giáo viên và mỗi người được bao nhiêu? Giáo viên gần như không cần biết nhà trường khó khăn ra sao và chỉ là: Sao năm nay được ít hơn năm ngoái?

Nói có thể có nhiều giáo viên hiểu nhưng không phải là tất cả. Là người quản lý thì chỗ này mình phải tính toán làm sao, suy nghĩ lắm anh ạ.

Nó là truyền thống, ngày Tết ai cũng muốn có đồng ra đồng vào nên bản thân tôi cũng “co kéo” để muốn có được cái gì đó cho anh em, không được nhiều thì cũng phải có.

Giáo viên họ cũng tự hào lắm chứ, trường tôi công tác Tết này cũng có được cái này cái kia. Không riêng gì Tết mà ngày 20/11 và các ngày lễ khác trong năm bao giờ tôi cũng cố có một chút phúc lợi cho đội ngũ giáo viên của trường. Trong các mảng quản lý thì mảng tài chính khiến tôi luôn lo nhất.

Nhìn chung thì giáo viên Yên Hòa mọi người cũng hiểu và luôn chia sẻ với tôi, họ biết là tôi cũng đã cố gắng lắm rồi, tôi sống và làm việc thế nào anh em đều hiểu, mọi chuyện đều minh bạch công khai”.

Cô Nhiếp chia sẻ thêm: “Tôi nghe thấy nhiều ý kiến sắp tới giáo viên sẽ được trả lương theo năng lực và hiệu quả công việc, nếu như vậy thì quá tốt. Được thế mình sẽ được nhiều thứ, khuyến khích giáo viên giỏi cống hiến và họ được hưởng mức thù lao xứng đáng.

Học sinh cũng bớt áp lực hơn khi không phải đi học thêm, tâm lý thầy cô vui vẻ vì đã bớt được “gánh nặng” trong tâm tưởng, họ sẽ dành nhiều thơi gian hơn cho học sinh, cho những giờ lên lớp.

Giáo viên thấy cuộc sống quanh năm đủ rồi thì áp lực để lo một vài ngày Tết kia cũng sẽ nhẹ đi rất nhiều, không còn là gánh nặng nữa. Vì không có nên vẫn còn tâm lý mong chờ ngày Tết có gì đấy”.

Tùng Dương