Hậu quả khôn lường
Người trưởng thành có đủ tri thức, hiểu biết để lựa chọn các chương trình có ích, tuy nhiên với trẻ nhỏ thì vô cùng khó khăn, không phân biệt được nội dung đó có lợi hay có hại.
Hiện nay, có rất nhiều chương trình, kênh video, các trang web có nội dung tốt dành để phát triển tư duy, năng lực, sở thích của trẻ em xung quanh những nội dung như: dạy học tiếng anh, kể chuyện cổ tích, làm quen với bếp, khám phá thế giới động vật, bài học cuộc sống…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, xuất hiện rất nhiều trang web, kênh YouTube cá nhân xây dựng những hình ảnh, video gây phản cảm, dung tục, những bình luận tục tĩu... tác động xấu tới trẻ. Những người này không quan tâm tới sự ảnh hưởng tới trẻ, bất chấp cả phản ứng từ dư luận, vì một mục tiêu duy nhất là tăng nhanh lượt xem để thu về lợi nhuận.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) nhận định, môi trường mạng là nơi cung cấp nhiều kiến thức nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với trẻ nhỏ khi chúng còn chưa phân biệt được cái gì tốt, cái gì xấu.
Trẻ nhỏ chỉ đơn giản là vào xem các clip vì nhu cầu giải trí, nhưng chúng không hề biết đâu đó lại có nội dung xấu gắn vào đó, rồi có cảnh những bình luận xấu, có tính ấu dâm thì vô cùng nguy hại.
Để giải quyết vấn đề này thì cơ quan quản lý phải vào cuộc xử lý triệt để, đồng thời doanh nghiệp hoàn toàn có thể tẩy chay quảng cáo trên các kênh yếu kém kiểm soát, gây hại cho trẻ nhỏ và gián tiếp ảnh hưởng tới thương hiệu.
Các cơ quan chức năng cần phải thật nghiêm khắc với những trường hợp quảng cáo có gắn nội dung xấu, hoặc ngay cả khi không kiểm soát được các bình luận cũng phải có biện pháp ngăn chặn. Nếu luật chưa bao quát hết thì phải đề nghị sửa luật để kiểm soát tốt vấn đề này, những doanh nghiệp nào tái phạm cần phải rút giấy phép kinh doanh.
Mỗi gia đình cần chủ động kiểm soát nội dung con trẻ tiếp cận trên internet. ảnh: CKA. |
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giáo dục kỹ năng - Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy, cho biết: “Thực tế đã và đang tồn tại rất nhiều những clip, video bạo lực, thông tin xấu do các “thần tượng” của trẻ em làm ra. Khi trẻ em thần tượng một ai đó mà người đó bị chỉ trích lên án sẽ có “tác dụng ngược” và cho rằng ngôn luận dẫm đạp vào thông tin mà thần tượng của các em đang chia sẻ, vì thế những thông tin chính thống từ bố mẹ và thầy cô chạm vào trẻ sẽ khó khăn hơn.
Giới trẻ học đường đang trong giai đoạn phát triển hình thành nhân cách sẽ dễ bị ảnh hưởng như làm theo, ám ảnh, tự kỷ ám thị, bị lệ thuộc và thích thú, say mê những kênh truyền tải những nội dung xấu. Nguy hiểm nhất là thực hành, làm theo thần tượng. Chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp đau lòng như học làm theo clip tự tử, đó là thí dụ điển hình cho sự tác động tiêu cực tới trẻ nhỏ”.
Việc làm quen tốt xấu, đúng sai không phải ở độ tuổi nào của trẻ em cũng có thể phân biệt được. Các trò phản cảm sống trong quan tài 24h, chế biến các món ăn mất vệ sinh, hút thuốc lá bằng mũi, dạy nói tục, chửi bậy, đổ nước ngọt vào phòng tắm… sẽ gây hậu quả khôn lường đến đâu nếu trẻ em học theo, làm theo. [1]
Đã có những chế tài xử phạt được thực hiện để răn đe đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức sản xuất các chương trình, clip, video có nội dung phản cảm.
Một ví dụ điển hình trong năm 2020, tài khoản cá nhân YouTube có tên Hưng Vlog bị nhận án phạt 7,5 triệu đồng với hành vi đăng clip nấu cháo gà nguyên lông gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, không lâu sau, chủ kênh YouTube này tiếp tục đăng tải các clip bị cộng đồng mạng đánh giá là “dạy hư trẻ”, trong đó có việc “trêu chọc lấy cắp tiền em gái, đập heo đất của em gái, ăn trộm tiền của em đi chơi…” [2]
Điều gì khiến các chương trình có nội dung không bổ ích đối với con trẻ lại đang tồn tại và phát triển nhiều đến vậy?
Tệp khách hàng quá lớn, nhận thức của khách hàng đối với những sản phẩm công nghệ gây hại chưa đầy đủ, thậm chí có những khách hàng không phân biệt được đúng sai chính là những điểm yếu để những người sản xuất chương trình, clip lợi dụng.
Ngoài sự “nổi tiếng” là những khoản lợi kếch xù, thu nhập hàng tỷ, thậm chí chục tỷ, những “nút vàng”, “nút bạc” nhận được từ sự tò mò, hiếu kỳ, của chính độ tuổi trẻ em để tăng lượt xem, lượt tương tác, lượt bình chọn trên các kênh truyền tải.
Dù là hoạt động dưới hình thức nào thì việc sử dụng những video, clip phản cảm cũng là điều đáng bị lên án.
Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy cảnh báo, học trò đang trong giai đoạn phát triển và hình thành nhân cách sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu. ảnh: NVCC. |
Cần kiểm soát mạnh mẽ hơn
Trong đời sống hiện đại ngày nay, việc trẻ em sử dụng các phương tiện, thiết bị truy cập vào mạng internet trở thành phổ biến. Để con trẻ học hành, làm quen, thậm chí để trẻ ngồi yên lặng, ăn cơm, ngoan ngoãn các bậc phụ huynh sẵn sàng cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ mà không kiểm soát các chương trình con em mình xem có đúng hay sai.
Chính vì thế, cùng với sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng thì các bậc phụ huynh cần chủ động chú ý hơn về thời gian trẻ em được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát các chương trình trẻ em có thể xem, phù hợp với lứa tuổi để tránh những hậu quả nghiêm trọng như làm theo, học theo các video, clip truyền tải trên mạng có nội dung xấu.
Việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm truyền thông có nội dung ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục cần quy định, rà soát và xử phạt nghiêm khắc.
Hiện nay tại Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính viễn thông về trách nhiệm đối với người dùng mạng xã hội như việc đăng tải các hình ảnh, clip có các hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc, tác động xấu đến việc kích thích người xem gây tệ nạn thì mức xử phạt cao nhất là 20 triệu đồng.
Thiết nghĩ, với thu nhập mang lại từ những lượt “câu like”, “câu view” của các sản phẩm truyền thông có nội dung “bẩn” thì việc chấp nhận chịu phạt với mức phạt từ 7-20 triệu đồng có lẽ chưa đủ sức răn đe.
Hậu quả của việc phát tán, sản xuất một video, clip có nội dung xấu xí, không đẹp về cả hình thức lẫn trí tuệ đó chính là một hình thức giáo dục sai lầm đối với những đứa trẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thủy nêu giải pháp nhằm hạn chế việc ảnh hưởng của những clip, video “bẩn” tới trẻ em: “Phải khống chế thời gian dùng thiết bị công nghệ cho trẻ vào thời gian nào, bao lâu. Bố mẹ cần phải đồng hành và nghiêm túc trong việc quản lý con cái sử dụng công nghệ để tránh để cho các con có những hành vi, thái độ, cảm xúc tiêu cực, tránh những định hướng xấu từ những thông tin 'bẩn'.
Những nguồn lợi do nhà mạng mang lại quá lớn nên những người sản xuất, thực hiện nội dung “bẩn” bất chấp những nguy hại để lan tỏa, tương tác và kiếm tiền trên chính tương lai của những đứa trẻ. Vì vậy, ngoài việc có những chế tài xử phạt nghiêm khắc thì các đơn vị quản lý, cơ quan chủ quản về truyền thông phải có vai trò kiểm duyệt các nội dung liên quan đến trẻ em”.
Chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) nêu quan điểm: “Đây không phải là việc nhỏ, vì nó hoàn toàn có thể gây tác động xấu đến hàng triệu trẻ em của Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng dứt khoát phải xử lý kiên quyết, dù là bất kỳ ai, bất kỳ doanh nghiệp nào, khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân theo luật pháp của Việt Nam.
Khi anh kinh doanh, quảng cáo mà lại gây ra những sự việc như vậy thì chính anh phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, phải xử phạt thật nghiêm khắc và đồng thời nếu cần thiết phải thu hồi giấy phép kinh doanh của những đơn vị để xảy ra sự việc này, chỉ có như vậy thì mới chấm dứt được sự nguy hại cho trẻ nhỏ”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/kien-quyet-xu-ly-cac-video-xau-doc-tren-mang-xa-hoi-621547/
[2] https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/dep-video-vlog-cau-view-phan-cam-xu-phat-nang-va-quyet-liet-voi-sai-pham-842749.ldo