Sự tử tế cũng bị "ném đá", nhiều người vô cảm và thiếu tình thương

04/03/2021 11:00
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một việc làm tử tế không chỉ là hành động đẹp, cứu sống một con người mà còn là tấm gương cứu sống nhiều thế hệ làm người.

Việc tử tế đến từ những điều bình dị nhất

Khổng Tử có câu "nhân tri sơ, tính bản thiện", ý rằng con người chúng ta khi sinh ra ai cũng như nhau, đều trong sáng, đều lương thiện. Nhưng vì hoàn cảnh sống, môi trường làm việc và tác động khách quan, chủ quan nên con người mới phân định tốt xấu, hiền lương, ác độc...

Sự tử tế của con người được biểu hiện nhiều góc cạnh như cách làm tử tế, lối sống tử tế, đời sống tinh thần, vật chất tử tế... tất cả đều xuất phát từ một suy nghĩ tử tế của con người.

Chúng ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, vật chất... tạo ra một con người không tử tế, nhưng quên mất rằng sự tử tế không thể vun đắp trong vài ngày, vài tháng mà nó được định hình trong tính cách, gốc rễ ở mỗi người.

Nếu chúng ta ví sự tử tế như một viên ngọc quý thì những cám dỗ, thử thách, chông gai, khó khăn, thời gian… chỉ là những lần mài dũa để viên ngọc càng ngày càng sáng.

Việc tử tế, hành động tử tế không được định giá là bao nhiêu, không bắt nguồn từ chủ thể là ai và vào hoàn cảnh nào. Bất kỳ lúc nào, ở đâu, với ai, điều chúng ta cần hiện diện đó chính là sự tử tế chân thành nhất có thể.

Sự tử tế không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội hay cách sống của chúng ta. Sự tử tế chỉ tồn tại và thể hiện bằng những việc làm cụ thể hành động khi tận tâm can mỗi con người là sự chân thành, thật thà và lương thiện.

Câu chuyện hai người bạn thân Tất Minh và Minh Hiếu tại Trường Trung học Phổ thông Triệu Sơn 5, tỉnh Thanh Hóa đã từng khiến bao nhiêu con tim rung động trước tình bạn đẹp cõng bạn đi học.

10 năm cõng bạn đến trường bất kể trời mưa, nắng, ốm đau, hay kể cả những gièm pha, dị nghị. Đó là nơi lòng tốt chân thành được thể hiện, được đáp lại. Càng được khắc sâu, ghi nhận hơn nữa qua kết quả xét tuyển đại học Minh Hiếu bị trượt nhưng em từ chối sự giúp đỡ của mọi người. Cõng bạn đến trường chỉ đơn giản là xuất phát từ sự chân thành yêu thương, không vụ lợi, không mục đích, mong cầu. Đó chính là sự tử tế!

Minh Hiếu – Tất Minh với câu chuyện 10 năm cõng bạn đến trường. Ảnh: Báo Nhân dân.

Minh Hiếu – Tất Minh với câu chuyện 10 năm cõng bạn đến trường. Ảnh: Báo Nhân dân.

Chúng ta từng chứng kiến một người "rũ áo từ quan" như ông Đoàn Ngọc Hải đã bán những món đồ đắt giá của cá nhân để thực hiện lời hứa làm từ thiện, dồn hết vào việc mua nhà nhỏ ở ngay Thành phố Hồ Chí Minh để làm nơi tá túc qua đêm cho những người vô gia cư khi họ cần tới.

Ông Hải cũng đã mua xe cứu thương và thường xuyên chở miễn phí những bệnh nhân nghèo ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Rất nhiều người cảm phục và chia sẻ với những việc làm của ông Hải. Thế nhưng cũng có những người ác khẩu nói ông đánh bóng, làm màu!

Và mới nhất, câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh (ở Đông Anh, Hà Nội) cứu sống được em bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 tòa chung cư 60B (Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Lúc phát hiện ra có người kêu cứu, anh Mạnh rất nhanh lao ra khỏi xe, trèo qua tường rồi lên mái tôn để đỡ cháu bé. Giây phút không chần chừ trước mạng sống đang bị đe dọa của một đứa bé, đó chính là sự tử tế trong con người anh.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh và con gái lớn Nguyễn Ngọc Gia Hân.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh và con gái lớn Nguyễn Ngọc Gia Hân.

Anh Mạnh là một lái xe chở hàng bình thường, một người cha có hai đứa con nhỏ như bao người cha khác trong cuộc đời này. Sau khoảnh khắc rất nhanh để cứu cháu bé, nhiều người tung hô anh, nhưng anh Mạnh bảo rằng đừng gọi anh là người hùng, vì trong hoàn cảnh ấy ai cũng sẽ làm như vậy.

Anh đã nhận được nhiều lời khen ngợi, có cả những khoản tiền được gửi tới nhưng anh đã nhanh chóng chuyển những món quà ấy cho hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Một lần nữa, Mạnh tạo nên hình ảnh đẹp rất đáng trân trọng!

Đến bao giờ mới hết những cái nhìn cay nghiệt?

Thật lạ rằng, sự tử tế ở mỗi cá nhân trong cộng đồng lại trở thành đề tài bàn tán trên cộng đồng mạng, nhiều người buông lời miệt thị, cay nghiệt... nghi ngờ về những việc làm tốt đẹp.

Khi còn là học sinh, chúng ta đều được dạy và được nuôi dưỡng tình người, vậy mà tại sao khi trưởng thành người ta lại hành xử vô cảm? Bỏ mặc người tai nạn trên đường, bỏ mặc những người đang gặp khó khăn mặc dù có thể giúp, và vô tư nói xấu người khác khiến những điều xuất phát từ sự tử tế vô cùng bình dị bị “bóp nghẹt”.

Chúng ta dành những lời hoa mỹ để tung hô một cá nhân, nhưng lại khiến họ bị khủng hoảng tinh thần cũng chính bằng những lời nói cay độc, bằng từ ngữ mà những kẻ "cào bàn phím" chưa một lần gặp gỡ, chưa một lần tiếp xúc với họ đã tự cho mình quyền được đánh giá, nhận xét và lên án.

Ông Đoàn Ngọc Hải có thể sống an nhàn, quây quần bên gia đình mà không cần bận tâm đến những người xa lạ. Nhưng ông đã dành phần lớn thời gian để giúp những số phận kém may mắn, lái xe cứu thương chở người nghèo. Đó là những việc làm rất đáng trân trọng và nhận được sự chung tay, ủng hộ của nhiều mạnh thường quân, của hàng nghìn người dân ở từng địa phương mỗi khi ông Hải lái xe cứu thương đi qua.

Minh Hiếu có thể đi nhanh hơn, đi xa hơn, có nhiều thời gian hơn để học tập và những mối quan tâm khác. Nhưng em kiên trì chia sẻ, đồng hành với Tất Minh suốt nhiều năm trời - nhiều người bảo đó là một việc làm phi thường chứ không còn là bình thường nữa.

Hay anh Mạnh, một người đàn ông bình thường đã hành động thật nhanh, trèo qua tường rồi leo lên mái tôn nghiêng ở khu chung cư với mong muốn duy nhất là ngăn không để cháu bé rơi xuống đất. Nhiều người đã vô tư nói trên mạng xã hội rằng Mạnh không xứng đáng được khen thưởng vì anh không đỡ được cháu bé rơi vào mái tôn. Thậm chí nhiều người cay nghiệt mắng nhiếc mạnh bằng những từ ngữ rất vô văn hóa.

Thực tế thì sao? Lúc ấy, Mạnh cũng không biết phải làm thế nào, nhưng với bản năng của một người cha, anh chỉ hy vọng rằng nếu bé rơi xuống thì sẽ đỡ cháu, giảm sự thiệt hại. Khi cháu bé trượt khỏi tay anh rơi vào mái tôn nghiêng thì cũng đã được giữ lại, không bị lăn xuống đất.

Phân tích của chuyên gia vật lý nói rằng, cháu bé 3 tuổi rơi ở độ cao khoảng 36m khi tới mái tôn có trọng lực lên tới hàng trăm cân. Nhiều người cũng khen ngợi trong tư thế phải quỳ nghiêng trên mái tôn cao gần 3m như vậy mà anh Mạnh vẫn còn trụ vững để giữ được cháu bé là một bất ngờ.

Bé gái rơi từ tầng 13 tòa chung cư trên đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Bé gái rơi từ tầng 13 tòa chung cư trên đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Những con người rất đỗi bình thường đã làm được những việc phi thường, chỉ đơn giản là xuất phát từ sự tử tế trong chính con người họ.

Vậy tại sao lại gán cho những việc làm tử tế bằng cụm từ “đánh bóng tên tuổi”, “làm màu”? Tại sao chúng ta “nghĩ thay, nghĩ hộ” cho những bạn trẻ tốt bụng, tình bạn đẹp đẽ bằng cụm từ “giả trân”? Tại sao chúng ta phải đi soi xét những hành động của “người hùng” để xem cứu đứa trẻ bằng cách nào và lên án họ?

Và, từ bao giờ, một người tốt bình dị, chất phác, thật thà lại phải đi “xin” cộng đồng mạng “tha” vì muốn trở lại cuộc sống bình thường?

Thực chất rằng, sự tử tế vốn dĩ đã có trong mỗi con người, nhưng để mài nó thành một viên ngọc sáng là điều không dễ dàng. Chính vì thế, thay vì soi xét, bới móc, trách cứ… chúng ta nên giữ những viên ngọc đó ngày càng sáng, càng đẹp hơn là tự mình chà đạp lên những viên ngọc đang sáng bằng những ý nghĩ ích kỷ.

Một xã hội vô cảm là một xã hội chết! Bạn vô cảm với người xung quanh thì chính những người ấy cũng vô cảm với bạn, vô cảm với người thân của bạn. Nói như Đại văn hào Maksim Gorky: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương".

Một xã hội tốt đẹp được tạo dựng bởi những tế bào cá nhân tốt đẹp, hãy để sự tử tế được lan tỏa, được “sống”. Khi cuộc đời vẫn còn tồn tại ánh nhìn bao dung, những cánh tay sẵn sàng giúp đỡ thì lúc đó sự tử tế chân thành vẫn còn luôn hiện hữu, tỏa sáng.

Cao Kim Anh