Học sinh nói tục, thái độ ngỗ ngược, thầy cô nên làm gì?

07/03/2021 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những quy định về kỷ luật tích cực nhằm xây dựng nền giáo dục nhân văn. Song, điều đó không có nghĩa chúng ta thiếu kiên quyết với hành vi vi phạm của học sinh.

Sau một thời gian thực hiện những quy định mới về kỷ luật tích cực, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh vấn đề này.

Nhiều giáo viên luôn băn khoăn sẽ phải kỷ luật như thế nào nếu học sinh mắc lỗi? Đặc biệt với những hành vi phạm lỗi có tính chất nghiêm trọng thì hướng xử lý ra sao khi thầy cô không được phê bình, không được áp dụng hình thức kỷ luật mạnh?

Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) - một trong những người thầy tiên phong tham gia dự án “Hiệu trưởng thay đổi” khẳng định: “Kỷ luật là quá trình giáo dục học sinh, cần phải xây dựng và thống nhất những quy tắc kỷ luật tích cực trong trường học, tránh những hình thức trừng phạt về thân thể hay làm tổn thương tinh thần học sinh”.

Trừng phạt không mang lại hiệu quả giáo dục lâu dài

Theo thầy Đào Chí Mạnh, trừng phạt là hình thức kỷ luật tiêu cực, có thể tác động đến thân thể, tinh thần, cảm xúc của người khác.

Khi áp dụng những cách thức trừng phạt học sinh, mục tiêu của thầy cô là nhằm loại bỏ hoặc chấm dứt những hành vi không mong muốn. Trừng phạt là đưa ra một quyết định làm đối tượng vi phạm cảm thấy khó chịu và kết thúc hành vi của mình, tuy nhiên, nó không có khả năng giúp trẻ thay đổi hành vi về lâu dài.

Thầy Đào Chí Mạnh cho biết, cần phải tránh những hình thức kỷ luật tác động đến thân thể và làm ảnh hưởng đến tinh thần học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Đào Chí Mạnh cho biết, cần phải tránh những hình thức kỷ luật tác động đến thân thể và làm ảnh hưởng đến tinh thần học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Nếu học sinh nói chuyện trong lớp, không học bài, không làm bài tập, thầy giáo quyết định đuổi em ra khỏi lớp, thậm chí đã từng có tình huống trong thực tế thầy giáo dùng bạo lực với học sinh. Đó chính là trừng phạt, một cách phản ứng phổ biến khi chúng ta cảm thấy thất vọng, tức giận trước hành vi sai phạm của người khác.

Lúc đó, học sinh đang nói chuyện sẽ không nói chuyện nữa, học sinh không làm bài có thể không dám tái phạm lần sau. Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi này xuất phát từ nỗi sợ, sợ bị phạt, sợ bị xấu hổ, sợ bị bạo lực. Kỷ luật tiêu cực không góp phần thay đổi nhận thức, không giúp hình thành nhân cách sau này của một đứa trẻ”, thầy Mạnh nêu quan điểm.

Ngược lại, kỷ luật tích cực là những hướng dẫn, chỉ dẫn mang tính tích cực để sử đổi hành vi. Nó giúp học sinh nhận thức về hành vi của mình, nhìn nhận được về tinh thần trách nhiệm của bản thân, cho các em thấy những kỳ vọng với hành vi tích cực. Các em cũng sẽ nhìn thấy được những hệ quả từ những việc làm, hành động của bản thân.

Tương tự với tình huống học sinh không làm bài, giáo viên không nên đánh mắng các em. Hình thức kỷ luật nên được áp dụng là các em phải hoàn thành số lượng bài tập theo quy tắc đã đề ra. Thầy cô hãy giúp các em có nhận thức đúng đắn về hành vi của mình, hãy để trẻ tự quản lý hành vi của mình thông qua quá trình tự kiểm soát.

Theo thầy Đào Chí Mạnh, kỷ luật tích cực không có nghĩa dung túng, bỏ qua sai lầm của học sinh; quy định không phê bình học sinh trước lớp cũng không đồng nghĩa với việc không xử lý học sinh vi phạm. Điều quan trọng mà thầy cô cần thay đổi đó là phương pháp giáo dục, là cách nhìn nhận vấn đề và biết kiềm chế cảm xúc.

Thiết lập và thống nhất những quy tắc kỷ luật tích cực

Xây dựng những quy tắc, những quy ước áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực trong trường học là việc làm quan trọng đầu tiên. Tương ứng với những hành vi phạm lỗi sẽ có những hình thức xử lý cụ thể.

“Mỗi lớp học, mỗi trường học cần có những quy tắc chung về kỷ luật, những quy tắc này cần phải hướng đến mục tiêu giáo dục, tránh việc tác động đến thân thể, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, tinh thần của học sinh.

Chúng ta không áp dụng những hình thức dùng bạo lực, phê bình trước lớp, gây tổn thương học trò. Giáo viên cần tránh việc đưa ra quyết định theo tình huống mà hãy đưa ra quyết định theo kế hoạch. Những nguyên tắc được thiết lập theo hướng tích cực vẫn đảm bảo tạo nề nếp trong môi trường giáo dục”, thầy Mạnh chia sẻ.

Cần xây dựng và thống nhất những quy tắc về kỷ luật tích cực (Ảnh minh họa: Báo điện tử VTV)

Cần xây dựng và thống nhất những quy tắc về kỷ luật tích cực (Ảnh minh họa: Báo điện tử VTV)

Sau khi hoàn thiện quy tắc này, nhà trường cần phải thông báo rộng rãi đến những đối tượng tham gia vào quá trình kỷ luật, đó là học sinh, thầy cô, cán bộ nhân viên trong trường. Một khi những quy tắc đã được thống nhất, nếu vi phạm, học sinh sẽ chấp nhận hình thức xử lý vi phạm đã được thông báo và đã được quy định từ trước.

Tuy nhiên, thầy Mạnh cũng khẳng định, trong quá trình dạy học, có thể xuất hiện những tình huống học sinh phạm lỗi nằm ngoài những quy tắc đặt ra. Thậm chí học sinh có những hành vi mang tính chất nghiêm trọng thì giáo viên vẫn cần phải bình tĩnh trong việc xử lý tình huống.

“Nếu gặp những hành vi vi phạm vượt qua giới hạn cho phép của một học sinh, ví dụ học sinh nói tục, thái độ ngỗ ngược, giáo viên vẫn cần bình tĩnh để xử lý vấn đề. Bình tĩnh không có nghĩa là nhún nhường và cho phép học sinh tiếp tục hành vi sai lầm. Lúc này, giáo viên nên xử lý vấn đề riêng với đối tượng học sinh vi phạm, tránh để hành vi xấu lan rộng đến những học sinh khác.

Vấn đề giáo dục tích cực trong tình huống này là cần phải biết gắn với hoàn cảnh, xem xét nguyên nhân của sự việc.

Giáo viên cần đặt ra câu hỏi hoàn cảnh gia đình học sinh thế nào, em có vấn đề gì về sức khỏe, bệnh lý hay đang chịu áp lực nào không? Bởi lẽ thông thường, những hành vi thiếu chuẩn mực của học sinh đều chịu sự tác động của hoàn cảnh hoặc những vấn đề trong cuộc sống”, thầy Mạnh cho biết.

Theo đó, giáo viên, trường học cần kết hợp với gia đình để tìm ra hướng giáo dục phù hợp. Thầy cô hãy để các em thấy mình có một trái tim rộng lượng, yêu thương để thay đổi, cảm hóa các em.

Đó cũng là cách chúng ta giáo dục học sinh về lòng biết ơn, giúp các em điều chỉnh để có hành vi tốt và trở thành những công dân tốt.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể có học sinh vi phạm lỗi đặc biệt nghiêm trọng. Tùy vào mức độ vi phạm, việc kỷ luật học sinh sẽ có sự chỉ đạo từ các cấp quản lý.

Cũng theo thầy Đào Chí Mạnh, để thực hiện kỷ luật tích cực thì vai trò của lãnh đạo, quản lý nhà trường là vô cùng quan trọng.

“Thực hiện kỷ luật tích cực không phải chuyện một sớm một chiều, đó hành trình thay đổi những thói quen đã ăn sâu trong nếp nghĩ, lối sống, văn hóa nên cần có thời gian. Thầy cô cần được chia sẻ, cảm thông từ lý luận đến các tình huống thực tiễn.

Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường cần phải hướng dẫn giáo viên trong việc xử lý các tình huống vi phạm của học sinh.

Cần phải tạo điều kiện và tạo động lực để giáo viên thực hiện những nguyên tắc, yêu cầu, quy định mới đó. Phải giúp thầy cô hiểu bản chất của kỷ luật tích cực và những giá trị, mục đích, ý nghĩa mà nó mang lại trong quá trình giáo dục học sinh.

Quan trọng hơn, trên cương vị đứng đầu một trường học, lãnh đạo phải là người giúp giáo viên giảm bớt áp lực, chia sẻ những gánh nặng áp lực và khó khăn cùng giáo viên.

Đồng thời, việc đồng hành cùng các thầy cô để kết nối với phụ huynh là vô cùng quan trọng. Tìm được định hướng, tiếng nói chung giữa nhà trường và gia đình thì việc giáo dục học sinh sẽ đạt được hiệu quả tích cực”, thầy Mạnh chia sẻ.

Phạm Minh