Tập huấn trực tuyến chương trình mới quá nhiều bài khảo sát, giáo viên mệt mỏi

04/04/2021 07:20
KIM OANH
GDVN- Bộ Giáo dục lại vừa ban hành Công văn số 1195/BGDDT-NGCBQLGD yêu cầu giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện bài khảo sát về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đại trà ở lớp 1 từ năm học 2020-2021 và năm học tới đây sẽ triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Chính vì vậy, thời gian qua thì Bộ đã giao cho một số trường đại học sư phạm bồi dưỡng trực tuyến cho giáo viên phổ thông trên cả nước.

Đến nay, có tỉnh thì đã tập huấn được 2 mô- đun, có tỉnh thì đã tập huấn được 3 mô- đun đầu tiên về chương trình mới.

Nhưng, điều mà giáo viên dễ dàng nhận thấy là phần mềm tập huấn trực tuyến có nhiều phần được thiết kế còn khá nặng…hình thức.

Chẳng hạn như ngày 01/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 747/BGDĐT-GDTrH về việc gia hạn thời gian hoàn thành và báo cáo Temis gửi đến lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo.

Cuối tháng 3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành Công văn số1195/BGDDT-NGCBQLGD về việc khảo sát thực trạng các mô- đun cho giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Công văn số 1195/BGDDT-NGCBQLGD yêu cầu giáo viên thực hiện khảo sát chương trình mới (Ảnh chụp từ màn hình)

Công văn số 1195/BGDDT-NGCBQLGD yêu cầu giáo viên thực hiện khảo sát

chương trình mới (Ảnh chụp từ màn hình)

Bộ lại yêu cầu giáo viên làm bài khảo sát về chương trình mới!

Ngày 26/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại vừa ban hành Công văn số 1195/BGDDT-NGCBQLGD yêu cầu giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện bài khảo sát về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại đường link: vnes.edu.vn/khaosat4.

Khi lick vào đường link này, thì giáo viên thấy thông báo như sau: “Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khảo sát về việc về thực trạng bồi dưỡng các mô đun tại các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chúng tôi mong muốn Thầy/ Cô chia sẻ những suy nghĩ của mình về thực trạng bồi dưỡng các mô đun tại cơ sở mà thầy cô đang tham gia. Chúng tôi cam kết việc khảo sát chỉ nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu, không đánh giá cá nhân hay trường lớp và bảo đảm bảo mật/ẩn danh nên các Thầy/ Cô hoàn toàn yên tâm khi trả lời.

Lưu ý: Thời gian trả lời phiếu hỏi bắt đầu từ 19h ngày 29/3 đến 19h ngày 5/4/2021”.

Và, đây không phải là bài kháo sát đầu tiên mà giáo viên phải thực hiện bởi trước đó thì giáo viên đã phải thực hiện các bài khảo sát như: Khảo sát nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên; khảo sát cuối khóa bồi dưỡng mô-đun 02 đại trà; khảo sát về chương trình bồi dưỡng thường xuyên trực tuyến mô- đun 02 đại trà…

Ngoài ra, giáo viên còn phải kê khai thông tin cá nhân; đánh giá, tải minh chứng về chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Nhưng, nội dung thì trùng lặp rất nhiều. Chẳng hạn trong phần mềm kê khai thông tin cá nhân và phần mềm khảo sát thực trạng các mô- đun cho giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều câu hỏi lặp lại không cần thiết.

Vì thế, nói là bồi dưỡng chuyên môn nhưng giáo viên đang phải thực hiện thêm rất nhiều những công việc ngoài chuyên môn.

Bồi dưỡng chuyên môn thì Bộ chỉ nên tập trung vào…chuyên môn

Chúng tôi thấy rằng phần mềm tập huấn trực tuyến Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên hiện nay có nhiều phần không cần thiết nhưng lại đang làm mất nhiều thời gian cho đội ngũ nhà giáo.

Thực ra, việc tập huấn trong thời điểm năm học đang diễn ra đã là một áp lực cho giáo viên bởi họ vừa giảng dạy trên lớp, vừa phải tranh thủ thời gian để bồi dưỡng chuyên môn thông qua phần mềm tập huấn trực tuyến.

Cùng một lúc diễn ra nhiều công việc thì giáo viên không thể nào làm tốt được- đó là một thực tế mà lãnh đạo Bộ cần biết để triển khai những nhiệm vụ đến đội ngũ nhà giáo cả nước trong thời điểm năm học.

Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang diễn ra nên khối lượng công việc cần tập trung cho đội ngũ nhà giáo sẽ rất nhiều.

Nếu tập huấn không tốt thì giáo viên sẽ làm chủ hoàn toàn nội dung, kiến thức cho việc giảng dạy chương trình mới và khó đem lại hiệu quả, đạt được mục tiêu như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra.

Chính vì thế, theo quan điểm của người viết bài này thì Bộ cần giảm tải những nội dung không cần thiết trên phần mềm trực tuyến để giảm đi áp lực cho giáo viên.

Những bất cập như tải nguồn minh chứng, thực hiện các bài khảo sát…thì đến thời điểm này giáo viên cũng đã thực hiện xong rồi. Những bất cập, hạn chế của sự việc này thì báo chí đã vào cuộc và phản ánh khá nhiều trong thời gian qua.

Vì thế, lãnh đạo Bộ hãy xem đây là những bài học để rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, triển khai việc bồi dưỡng chuyên môn về chương trình mới trong những mô- đun tới đây.

Theo chúng tôi, Bộ chỉ nên triển khai đến các trường đại học sư phạm đã được Bộ giao nhiệm vụ bồi dưỡng chương trình mới cho giáo viên rút gọn những nội dung không thật sự cần thiết, trùng lặp.

Đối với những bài khảo sát thì nên giảm bớt và đừng bắt buộc giáo viên phải thực hiện vì nó mất thời gian mà những câu hỏi khảo sát không có gì mới.

Thay vì phải tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên hay làm những bài khảo sát thì Bộ chủ trương đưa những bài giảng mẫu đối với những bài khó, bài mới, nhất là đối với các môn tích hợp, hoạt động trải nghiệm….để giáo viên xem, hình dung cho công việc cụ thể của mình trong thời gian tới đây sẽ thiết thực hơn nhiều.

KIM OANH