Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Theo đó, phụ lục IV của văn bản này quy định kế hoạch bài dạy (giáo án) có một số thay đổi so với mẫu giáo án cũ về mục tiêu; thiết bị dạy học và học liệu; tiến trình dạy học. [1]
Điều đáng nói là, trước đó ngày 27/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 theo hướng giảm tải một số nội dung dạy học của chương trình hiện hành. [2]
Vì Bộ Giáo dục điều chỉnh nội dung dạy học nên thời điểm đó giáo viên phải soạn lại toàn bộ giáo án của những bài có thay đổi như: giảm tải, tích hợp, dạy học theo chủ đề, tự học có hướng dẫn.
Giáo viên rất mệt mỏi vì cùng một thời điểm nhưng phải thực hiện hàng loạt công việc. (Ảnh minh họa do tác giả cung cấp) |
Giáo viên ngập đầu trong công việc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông phải mất 3 tháng ròng rã mới có thể hoàn thành cơ bản bộ giáo án để kịp đưa vào giảng dạy năm học 2020-2021.
Tuy nhiên, giáo án mới sử dụng chưa ráo mực thì giáo viên lại phải lao vào soạn giảng giáo án khác theo công văn 5512. Vậy là, giáo án học kì 2 theo công văn 3280 không còn dùng được nữa, dẫn đến lãng phí thời gian, công sức của giáo viên vô cùng.
Kéo theo đó, giáo viên rất mệt mỏi vì cùng một thời điểm nhưng phải thực hiện hàng loạt công việc, đó là ra đề và chấm bài kiểm tra học kì 1; hoàn thiện hồ sơ sổ sách học kì 1; bồi dưỡng 3 modul của Chương trình phổ thông 2018 và soạn giáo án mới nhất cho học kì 2.
Giáo viên chúng tôi mỗi khi gặp nhau đều tỏ ra ngao ngán, bởi một năm học do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, và nay cộng thêm hàng loạt công việc phải hoàn thành trong một thời gian ngắn khiến nghề dạy học càng thêm nhọc nhằn.
Tìm cách đối phó
Chúng tôi khẳng định, hiếm có giáo viên nào tự mình ngồi soạn hết chương trình học kì 2 bởi mỗi thầy cô thường dạy 2 khối lớp với hàng chục bài học và hàng trăm trang sách. Hơn nữa, giáo viên phải làm cùng lúc rất nhiều việc, thì lấy đâu ra thời gian để tìm tòi nghiên cứu, soạn bài?
Cái khó ló cái "khôn" (dĩ nhiên là tiêu cực và không còn cách nào khác), buộc lòng giáo viên đành lên mạng xã hội tìm mua giáo án từ các đồng nghiệp. Một người mua rồi chia cho nhiều người khác, cho tổ - thậm chí mua đi bán lại nhộn nhịp như mớ rau con cá.
Vì mẫu giáo án thay đổi xoành xoạch nên có nhiều nhóm giáo viên bỗng dưng ăn nên làm ra nhờ bán tài liệu.
Lướt một vòng trên mạng xã hội, không khó để tìm ra giáo viên, nhóm giáo viên rao bán giáo án. Mua một khối thì trung bình mất phí 100 ngàn đồng, mua ba khối thì được giảm giá còn lại 200 ngàn đồng hoặc được khuyến mại thêm các tài liệu khác.
Buồn cười nhất là cảnh giáo viên chì chiết nhau, công kích nhau cũng chỉ vì người nọ mua của người kia rồi đem bán lại cho cho người khác.
Thế rồi giáo viên nộp giáo án cho có theo tinh thần đổi mới, còn lãnh đạo chuyên môn cũng chỉ kiểm tra vì nhiệm vụ, còn chất lượng giờ dạy thế nào thì không ai kiểm chứng. Mà có chăng, cùng lắm lãnh đạo chỉ dự giờ giáo viên một hai tiết chứ làm sao giám sát được giờ dạy cả năm cả tháng?
Còn về chuyện bồi dưỡng các modul của Chương trình giáo dục phổ thông 2028 cũng lắm nhiêu khê, bất cập nhưng nếu giáo viên không học thì không được cấp chứng chỉ để có thể tiếp tục giảng dạy trong thời gian tới.
Thực tế giáo viên đang bồi dưỡng Modul 2 môn Ngữ văn là một minh chứng. Giáo viên phải trải qua 3 giai đọan để hoàn thành modul này: giai đoạn 1, chuẩn bị; giai đoạn 2, học tập, thực hành; giai đoạn 3, phản hồi, đánh giá.
Ở giai đoạn 2 có nhiều nội dung giáo viên đã được học ở trường đại học hoặc bồi dưỡng trong quá trình dạy học nhưng nay vẫn phải học lại. Đó là nội dung, tìm hiểu một số phương pháp, kĩ thuật dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh trong môn Ngữ văn ở trung học phổ thông.
Giáo viên học lại các phương pháp: dạy học dựa trên dự án; dạy học hợp tác; dạy học giải quyết vấn đề; phương pháp đàm thoại gợi mở; phương pháp đóng vai; phương pháp dạy viết dựa trên tiến trình môn Ngữ văn; phương pháp dạy học theo mẫu; kĩ thuật khăn trải bàn; kĩ thuật sơ đồ tư duy; kĩ thuật phòng tranh; kĩ thuật KWL (known, want to know, learned); kĩ thuật bốn ô vuông.
Để kết thúc Modul 2, giáo viên phải soạn và nộp một giáo án theo mẫu mới đạt yêu cầu. Điều kì lạ là, giáo án mà cũng yêu cầu giáo viên soạn như nhau khiến nhiều thầy cô bức xúc.
Cần biết rằng, một giáo viên dạy giỏi thì giáo án luôn linh hoạt và không phụ thuộc vào một khuôn mẫu nào cả. Bởi giáo viên dạy lâu năm thì không cần phải soạn giáo án như người mới ra trường; giáo án lớp chuyên khác lớp thường; giáo án vùng nông thôn khác thành phố…
Nếu giáo viên thực hiện đồng phục giáo án thì lên lớp dạy sẽ mất cảm xúc, lúc đó người thầy chỉ đơn thuần thực hiện các bước như máy móc đã được lập trình sẵn.
Thiết nghĩ, để giáo viên có tư thế và tâm thế khi bước vào giảng dạy chương trình mới thì việc bồi dưỡng chuyên môn là cần thiết. Thế nhưng, cách làm tránh manh mún, lặp lại, thậm chí chỉ thuần “lí thuyết” thì sẽ khó định lượng được hiệu quả.
Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, sở giáo dục của từng địa phương cần rà soát lại quy định về việc soạn giáo án và nội dung bồi dưỡng các modul còn lại, cốt làm sao cho thiết thực, hiệu quả - là điều giáo viên mong mỏi nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1] //thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5512-BGDDT-GDTrH-2020-xay-dung-va-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-462988.aspx
[2] //thuvienphapluat.vn/cong-van/giao-duc/Cong-van-3280-BGDDT-GDTrH-2020-huong-dan-dieu-chinh-noi-dung-day-hoc-cap-trung-hoc-co-so-451297.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.