Giáo viên muốn truy cập vào hệ thống tập huấn chương trình mới thì phải hoàn thành việc cập nhật dữ liệu lên Temis (hệ thống đánh giá xếp loại chuẩn giáo viên). Điều làm giáo viên mệt mỏi, đau đầu nhất là tìm minh chứng cho các tiêu chí quy định.
Phần mềm mặc định năm học 2019-2020 nên những giáo viên mới vào dạy năm học này sẽ phải đánh giá "Không đạt" vì làm gì có minh chứng. (Ảnh tác giả) |
Có những tiêu chí, giáo viên chỉ cần chụp hình văn bằng chứng chỉ, một số hồ sơ sổ sách cá nhân là được. Thế nhưng, không ít tiêu chí giáo viên không thể tìm ra minh chứng vì rất mơ hồ và vô cùng phi lý.
Ví như, tiêu chí 1 về “Đạo đức nhà giáo”. Minh chứng phải tìm là: Bản đánh giá và phân loại giáo viên (phiếu đánh giá và phân loại viên chức)/kết luận của các đợt thanh tra, kiểm tra (nếu có)
Hay, biên bản họp nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/hội đồng nhà trường ghi nhận về việc giáo viên thực hiện nghiêm túc quy định về đạo đức nhà giáo, không vi phạm quy định dạy thêm, học thêm...;
Thường thì không có biên bản nào ghi những chuyện này trừ phi giáo viên ấy vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị lập biên bản thì mới có minh chứng.
Tiêu chí 2: Phong cách nhà giáo. Minh chứng phải tìm là: Không mặc trang phục hoặc có lời nói phản cảm, không làm các việc vi phạm đạo đức nhà giáo…
Nhiều thầy cô không biết đưa minh chứng thế nào để chứng minh mình ăn mặc, lời nói tác phong chuẩn mực, đúng quy định?
Tiêu chí 14 và Tiêu chí 15: Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc và Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết Tiêu chí bị công nghệ trong dạy học, giáo dục. Hiện một số giáo viên chưa có chứng chỉ ngoại ngữ nên không biết phải lấy gì làm minh chứng?
Một số giáo viên than phiền, Bộ bỏ quy định về ngoại ngữ, tin học nhưng trong phần đánh giá này vẫn quy định đưa minh chứng lên. Lẽ nào lại phải đăng ký đi học chỉ để có chứng chỉ chụp làm minh chứng?
Giáo viên mới hợp đồng giảng dạy trong năm học này, muốn vào học các modun chương trình mới phải chấp nhận đánh giá “Không đạt”
Nhưng, dù thế vẫn chưa vô lý bằng việc giáo viên mới vào dạy hợp đồng trong năm học 2020-2021 mà cũng buộc phải nhập minh chứng của năm học 2019-2020 thì mới được vào hệ thống học chương trình mới.
Chưa đi dạy ngày nào thì những thầy cô giáo này họ biết lấy minh chứng đâu ra?
Những giáo viên này được gợi ý từ lãnh đạo là đánh giá “Không đạt “để không phải đưa minh chứng. Nhưng, nếu các thầy cô không chấp nhận sẽ không thể học các modun của chương trình mới.
Có giáo viên thắc mắc, tại sao lại quy định như thế? Tại sao lại phải là đánh giá không đạt? Nếu đánh giá không đạt sẽ ảnh hưởng đến công tác sau này thì sao? Đánh giá năm mình chưa đi dạy chẳng khác nào là đánh giá khống, là làm ma hồ sơ, ai sẽ chịu trách nhiệm việc này?
Dù thế, giáo viên cũng chỉ nhận được lời giải thích không mấy thuyết phục: do phần mềm temis đã được thiết kế sẵn như thế. Họ mặc định sẵn năm đánh giá là năm học 2019-2020 nên ai chưa đi dạy năm này cũng phải đánh giá vào.
Tập huấn chương trình mới, cần cung cấp các modun để giáo viên chủ động học tập
Có 4 mức đánh giá các tiêu chí, không đạt, đạt, khá, tốt. Chỉ cần giáo viên đánh giá bản thân ở mức đạt thì hệ thống này sẽ yêu cầu phải cung cấp ngay minh chứng.
Nếu đánh giá không đạt, giáo viên sẽ không buộc tìm minh chứng. Nhưng, dù khó, dù vất vả cỡ nào mọi người cũng phải ráng chứ chẳng ai đủ can đảm để đánh giá mình không đạt.
Việc điền thông tin, minh chứng theo các tiêu chí (cập nhật dữ liệu lên Temis) chỉ là quy định mang tính kỹ thuật để truy cập vào hệ thống tập huấn trực tuyến như lời khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trên Báo Tuổi Trẻ.
Việc quy định này có thật sự hợp lý và cần thiết không? Bởi, chỉ là quy định mà nó đã lấy biết bao thời gian, công sức không chỉ của giáo viên mà còn các bộ phận của nhà trường cũng mất không ít công sức cho việc này.
Để cung cấp minh chứng cho các thầy cô, nhiều bộ phận trong trường đều phải gác công việc của mình lại để giúp đỡ. Ví như thư viện phải lục tìm các biên bản năm cũ lưu trữ, phiếu đánh giá, hiệu phó lục tìm bảng tổng kết học tập của học sinh, hiệu trưởng hiệu lục lại hồ sơ, phiếu đánh giá công chức, giáo viên đỏ mắt kiếm tìm và chụp hình, ken hình lên trang.
Có nhất thiết giáo viên phải nhập đủ thông tin, minh chứng lên hệ thống Temis như thế mới vào học được các modun? Khó quá nên ‘cái khó ló cái khôn”, một số thầy cô giáo buộc phải “ngụy” minh chứng hòng hợp thức hóa để vào được hệ thống học tập.
Chúng tôi nghĩ rằng, chương trình mới có tất thảy 9 modun, Bộ Giáo dục cần đưa lên hệ thống để giáo viên tự truy cập vào học bất cứ lúc nào tùy vào điều kiện bản thân thầy cô giáo ấy.
Phòng, Sở và Bộ chỉ cần quản lý chất lượng học tập (bằng các điểm số, tính chuyên cần (máy sẽ tự động chấm) và thời gian cuối cùng phải hoàn thành modun.
Còn thời gian học thế nào? Học lúc nào? hãy để giáo viên tự cân đối, tự điều tiết công việc của mình sao cho việc học, việc dạy hài hòa một cách hợp lý nhất. Có thế, việc dạy vẫn đảm bảo mà việc học của các thầy cô cũng hiệu quả.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.