Có hay không chuyện “đẽo luật” cho vừa … nguyện vọng?

14/04/2021 06:48
Xuân Dương
GDVN- Quốc hội có nên sửa Luật Giáo dục để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý thêm chương trình giáo dục phổ thông?

Ngân hàng thế giới WB cho rằng Việt Nam đã làm “rất tốt” trong lĩnh vực giáo dục phổ thông nhưng chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề thì cần phải “nâng cao” hơn nữa.

Giáo dục phổ thông được quốc tế đánh giá là “rất tốt” nhưng vì sao hàng loạt bài đăng trên các tờ báo điện tử của báo chí nước nhà lại có ý kiến khác:

“Thất bại của ngành giáo dục”, Kinhtedothi.vn - 16/07/2019

“Từ sai lầm của Bùi Tiến Dũng đến thất bại của giáo dục”, Vienamnet.vn - 01/12/2019

“Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Ngồi canh con học là sự thất bại trong giáo dục”, Nld.com.vn -11/10/2019,…

Khá nhiều bài báo báo đi tìm nguyên nhân khiến xuất hiện đánh giá tiêu cực nền giáo dục nước nhà đều có chung nhận định, rằng nhiều năm qua giáo dục Việt Nam là “Nền giáo dục thí điểm” và học sinh bị biến thành “chuột bạch”:

“Đại biểu bức xúc vì học sinh bị làm 'chuột bạch'” Plo.vn – 15/11/2018;

“Đại biểu Quốc hội: Thí điểm giáo dục ngốn tiền tỷ, lấy học sinh làm 'chuột bạch'”, Vtc.vn 15/11/2018;

“Thí điểm, thực nghiệm đang lấy học sinh làm chuột bạch mà không biết đi về đâu”, Thanhnien.vn - 15/11/2018;

“Đừng đưa học sinh ra làm 'chuột bạch' nữa”, Tuoitre.vn - 11/06/2018;

“Học sinh không phải là chuột bạch thí nghiệm”, Vnexpress.vn - 01/08/2014;

…..…

Thí điểm sách giáo khoa hay phương pháp dạy và học (Vnen),… liên quan nội dung, chương trình giảng dạy, vậy có hay không chuyện “thí điểm” các “chính sách giáo dục”?

Tính cho đến nay, giáo dục Việt Nam đã trải qua 05 lần cải cách lớn vào các năm 1950, 1956, 1979, 2013 và 2017.

Đã gọi là “Cải cách giáo dục” thì đương nhiên phải có những chính sách giáo dục mới, chính sách mới này phải mang được hai đặc trưng, vừa có tính kế thừa vừa có tính cách mạng, thay đổi, từ bỏ nhiều điều không còn phù hợp.

Cho đến nay, những đánh giá về thành công hay thất bại của các kỳ “Cải cách giáo dục” đó cũng như tác động của nó đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,... rất khó tìm thấy trong các công trình nghiên cứu hoặc báo cáo tổng kết.

Cuộc cải cách giáo dục năm 2013 được coi là cuộc cải cách toàn diện, triệt với việc Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW.

Năm 2017 đánh dấu một cuộc cải cách khác khi toàn bộ mảng giáo dục nghề nghiệp (bao gồm dạy nghề, đào tạo trung cấp nghề và cao đẳng nghề) được chuyển giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Lớp học Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: TTXVN).

Lớp học Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: TTXVN).

Bốn năm trước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết:

“Đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia để nghiên cứu về triết lý giáo dục Việt Nam”.

Nếu đất nước có một “Triết lý giáo dục” thì triết lý đó phải có giá trị xuyên suốt hàng thế kỷ hoặc ít nhất cũng có giá trị trong nhiều thập niên chứ không chỉ trong vài nhiệm kỳ.

Phải chăng vì thế những chính sách ban hành sau mỗi lần “cải cách” nhưng không dựa trên một triết lý giáo dục xuyên suốt thực ra cũng không khác gì một quá trình “thí điểm”.

Chỉ trong vòng 70 năm mà có tới 05 lần “cải cách giáo dục”, trong cả năm lần đó, có không ít biến động lớn nhỏ nhưng cũng có cả những bất biến.

Biến động lớn là chuyển chương trình đào tạo phổ thông từ hệ 09 năm (từ năm 1950) sang 10 năm rồi sang 12 năm, là chuyện chia tách, sáp nhập cơ quan quản lý giáo dục trung ương, là chính sách lương đối với viên chức giáo dục,…

Điều dễ nhận thấy sau các lần cải cách ấy là có bốn điều không hề thay đổi, đó là:

Thứ nhất: Các khẩu hiệu, các đánh giá về nghề giáo, chẳng hạn:

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”;

“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất”;

“Ngân sách chi cho giáo dục là 20% tổng chi thường xuyên”;

“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”,…

Thứ hai: Sinh viên tuyển chọn cho ngành sư phạm luôn thuộc nhóm điểm thấp nhất trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng;

Đã là người Việt ai cũng biết đội ngũ nhà giáo được tuyển chọn và đào tạo thế nào trong khoảng thời gian từ 1954 đến nay và điều này có vẻ như đã trở thành một lựa chọn tất yếu của không ít học sinh an phận khi tự đánh giá khả năng cạnh tranh của mình so với chúng bạn.

Thật buồn vì đây không phải là một cuộc “thí điểm” mà nó được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, ở mọi cấp độ đào tạo nhà giáo từ mầm non đến đại học trong suốt nhiều thập niên.

Ngày nay vè đau lòng “chuột chạy cùng sào…” đã không còn được nhắc đến song nhiều sinh viên vẫn được tuyển chọn vào các cơ sở giáo dục sư phạm bởi các “chuyến tàu vét” từ điểm sàn trở lên.

Nói cụ thể là không ít trường, khoa sư phạm chỉ lấy điểm trúng tuyển từ điểm sàn trở lên.

Thứ ba: Nhà giáo vẫn chưa thể sống chỉ bằng lương;…

Thứ tư: Dư luận xã hội, nhất là truyền thông càng ngày càng khắt khe với nhà giáo, thậm chí đôi khi một vài vụ việc còn bị đẩy đi quá mức cần thiết. Không ít trường hợp, nhà giáo không được bảo vệ cả về quyền lợi và sức khỏe.

Chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được thực hiện như thế nào?

Câu hỏi này được nêu lên bởi chỉ mấy năm sau khi mảng giáo dục nghề nghiệp được chuyển cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý đã xuất hiện khá nhiều bất cập.

Chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được hiểu là học sinh học hết lớp 9 (có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở) có thể tiếp tục vừa học nghề, vừa học văn hóa để liên thông lên đại học, cao đẳng.

Cần khẳng định đây là chủ trương lớn, hợp lý cần được nhân rộng theo hướng tăng cả về số lượng và chất lượng người học.

Vấn đề nằm ở chỗ để thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, không ít cơ quan, tổ chức đưa ra những “chiêu thức” quảng cáo quá đà như học trung cấp 02 năm kết hợp với học và thi đạt chuẩn văn hóa (trình độ trung học phổ thông) ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp là đủ điều kiện để liên thông lên đại học.

Để gỡ rối việc giảng dạy chương trình trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gần đây xuất hiện ý kiến thành lập các cơ sở giáo dục thường xuyên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. [1], [2]

Một trong những kết luận được đưa ra tại buổi làm việc ngày 06/04/2021 giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tư pháp,… về dạy học chương trình văn hoá trong các trường nghề là:

“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang giảng dạy chương trình văn hoá bậc trung học phổ thông theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện quyền tự chủ, được thành lập trung tâm giáo dục thướng xuyên để tiếp tục thực hiện dạy chương trình văn hoá giáo dục phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục, trên tinh thần không làm tăng biên chế, bộ máy tổ chức”. [1]

Kết luận nêu trên nói lên điều gì?

Thứ nhất: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên để tiếp tục thực hiện dạy chương trình văn hoá giáo dục phổ thông”.

Vậy thì các “trung tâm giáo dục thường xuyên” do cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập sẽ do bộ nào quản lý về chuyên môn, nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất,…?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Chỉ có các trung tâm giáo dục thường xuyên được chủ động hoặc kết hợp với trường phổ thông để dạy chương trình văn hoá bậc trung học phổ thông”. [2]

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng:

“Người học không cần có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng được pháp luật công nhận tương đương để tham gia thị trường lao động hoặc học lên trình độ cao”. [3]

Về điều này cần phải nhắc tới mục a, khoản 2, điều 4, Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện liên thông từ trung cấp lên đại học như sau:

“Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Ngôn từ không rõ ràng của điều khoản nêu trên dễ dàng bị lợi dụng để người ta cho rằng chỉ cần “thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông” tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (được thành lập bên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp) là đủ điều kiện liên thông từ trung cấp lên đại học!

Học sinh phải có năng lực thế nào để trong hai năm học trung cấp vừa học kiến thức nghề lại có thể “học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông”?

Với lứa học sinh có năng lực vượt trội như thế, chuyện phân luồng sau trung học cơ sở là thừa và vì vậy chúng ta có nên bãi bỏ chương trình giáo dục phổ thông 12 năm, thay thế bằng chương trình đào tạo nghề trung cấp rồi liên thông thẳng lên đại học?

Theo luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Với các quy định trong các đạo luật và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cách thức tiến hành đúng luật phải là:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quyết định việc thành lập các trung tâm giáo dục thường xuyên chứ không phải Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thứ hai, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết nhu cầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nguyện vọng mở trung tâm giáo dục thường xuyên dạy văn hóa trình độ trung học phổ thông gửi sang Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ ba, hai bộ có thể ban hành một “Thông tư liên bộ” về việc thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên, trong đó quy định rõ cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy mô nào thì được mở trung tâm, quy mô nào thì phải gửi học sinh đến các trung tâm giáo dục thường xuyên ngoài cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ tư, giáo viên dạy văn hóa trình độ trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải là viên chức giáo dục tuân theo các quy định hiện hành của Luật Giáo dục 2019.

Thứ năm, dù học chương trình giáo dục thường xuyên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì học sinh muốn liên thông lên đại học bắt buộc phải tham gia và đỗ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, không thể có chuyện không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn đủ điều kiện theo học đại học.

Để tránh mọi sự chồng chéo, mọi bất cập nảy sinh từ chuyện “phân mảnh giáo dục”, các cấp có thẩm quyền có nên xem xét đưa Giáo dục về chung một đầu mối theo hướng chỉ có một đạo luật chung cho các cấp học mầm non, phổ thông, nghề nghiệp và đại học. Có một cơ quan nhà nước duy nhất chịu trách nhiệm quản lý toàn diện ngành giáo dục?

Khó có thể tin rằng với sự chia năm sẻ bảy như hiện nay, hoạt động giáo dục đào tạo mọi cấp độ vẫn sẽ đạt hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/pho-thu-tuong-khan-truong-ban-hanh-quy-dinh-day-van-hoa-trong-truong-nghe-20210406204145201.htm

[2]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/co-the-thanh-lap-trung-tam-gd-thuong-xuyen-trong-cac-co-so-gd-nghe-nghiep-UtcotPlMR.html

[3]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/day-van-hoa-cho-hoc-sinh-tai-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-hai-viec-can-lam-ngay-725010.html

Xuân Dương