II: Những tồn tại cần phải giải quyết:
Thứ nhất, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo được chia nhỏ theo phương thức: “Trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục thì ngân sách địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng chiếm tỷ trọng khoảng 89%, ngân sách do các Bộ, ngành, Trung ương quản lý, sử dụng là 11%. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trực tiếp quản lý, sử dụng khoảng gần 5%” (trong 11% chi cho bộ, ngành trung ương – NV). [22]
Tình trạng phân chia ngân sách “theo kiểu “chia bánh”, cứ mỗi bộ, ngành, địa phương một ít. Các Bộ và địa phương xài hết tiền, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nắm được nhưng cuối cùng phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội". [23]
Giải quyết vấn đề ngân sách nhà nước cho giáo dục là ở tầm vĩ mô do vậy nếu không có một Nghị quyết tương đương như Nghị quyết số 29-NQ/TW thì chắc chắn sự bất cập sẽ còn tồn tại lâu dài.
Thứ hai, vì ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo phần của trung ương chỉ chiếm 11% nên khoảng 6% bị cắt (như số liệu đã trích dẫn) thì phần do địa phương cắt chiếm khoảng 5,4%, trung ương chỉ là 0,6%.
Nếu phải quy trách nhiệm thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về chỉ đạo của Đảng bộ các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
(Ảnh minh hoạ: Nhandan.com.vn) |
Thứ ba, chủ trương xã hội hóa giáo dục chưa được kiểm soát chặt chẽ, chủ trương “Tự chủ đại học” đôi khi bị hiểu sai lệch.
Chất lượng đào tạo tại không ít cơ sở giáo dục, đặc biệt là bậc đại học, cao đẳng rất đáng báo động, có trường dự kiến buộc thôi học tới khoảng 3.000 sinh viên như Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Tình trạng đào tạo chui, cấp bằng thật nhưng chất lượng “rởm” diễn ra khá phổ biến mà Đại học Đông Đô, Đại học Chu Văn An là hai trong số nhiều địa chỉ.
Thứ tư, chất lượng đào tạo trên đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) chưa ngang tầm khu vực và thế giới, tình trạng “lò ấp tiến sĩ” không phải chỉ diễn ra tại Học viện khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mà còn ở không ít cơ sở giáo dục đại học khác.
Tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có giảng viên trong 6 năm hướng dẫn tới 240 học viên cao học, bình quân mỗi năm 40 người.
Bản kê khai của một giảng viên từ năm 2013 đến 2019 đã hướng dẫn 240 học viên cao học. (ảnh chụp màn hình) |
Thứ năm, về tự chủ đại học, từ năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP “Về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”.
Sau ba năm triển khai, đến năm 2017 đã có 23 trường đại học công lập thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77/NQ-CP.
Ngày 09/09/2019, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo". [24]
Rất tiếc là sau 5 năm thí điểm, điều được đề cập trong tọa đàm lại chỉ xoay quanh hai chủ đề là “tự chủ tài chính” và “tự chủ mở ngành”, rất nhiều điều cần bản thảo lại không được đề cập mặc dù báo chí trong nước đã đăng tải kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, chẳng hạn theo Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA) tự chủ trong trường đại học gồm bao gồm bốn lĩnh vực: “Tự chủ tổ chức, tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự và tự chủ học thuật”.
Tại sao chủ trương “Tự chủ đại học” của Việt Nam đã tiến hành muộn hơn các nước nhưng lại không chịu học tập kinh nghiệm các nước?
Câu trả lời đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đưa ra, đó là “Bộ GDÐT, cơ quan chủ quản (bộ chuyên ngành, UBND các tỉnh) không muốn bỏ quyền quản lý các trường đại học.
Trong khi các cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ lại thiếu nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, thiếu quyết liệt trong chuẩn bị các điều kiện để thực hiện, bảo đảm năng lực giải trình, quản trị…”. [25]
Phải chăng cách nhìn nhận chưa bao quát đã khiến hình thức quản lý theo kiểu “cơ quan chủ quản” vẫn có đất sống, vẫn được áp dụng như trường hợp Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quyết định đình chỉ chức vụ hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng trong thời gian 90 ngày mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản cho phép trường này “tự chủ”?
Trên thế giới có rất nhiều hình mẫu mà Việt Nam có thể học tập, chẳng hạn “Tại Nhật Bản, năm 2004, toàn bộ 86 trường quốc lập chuyển sang mô hình tự chủ, từ mô hình National University (đại học quốc gia) chuyển sang mô hình National University Corporation (tập đoàn đại học quốc gia).
Tự chủ đại học không chỉ giúp Nhà nước giảm gánh nặng ngân sách mà còn giúp Nhật Bản trở thành một quốc gia có nền giáo dục có uy tín trên thế giới”. [25]
Quá trình tự chủ đại học tính từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP đến nay đã được 6 năm, chậm hơn so với Nhật Bản 10 năm và hình như vẫn còn trong giai đoạn “thí điểm”!
Thứ sáu, quy hoạch đào tạo bị buông lỏng, chạy theo thị hiếu và nguồn thu
Trong nhiều bài viết về giáo dục, tìm hiểu học hàm, học vị một số quan chức, đặc biệt là những người đã bị xử lý kỷ luật hoặc hình sự, nhận xét chung là số người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ đa phần thuộc lĩnh vực kinh tế.
Học kinh tế không khó như học kỹ thuật, công việc khi ra trường không vất vả như xây dựng, giao thông,… nên giới trẻ đổ xô vào các trường kinh tế.
Cầm tấm bằng cử nhân kinh tế hình như “sĩ diện” được nâng cao hơn cử nhân trồng trọt, chăn nuôi?
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai ngành kinh tế, luật chiếm tới 43% số sinh viên, trong khi khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ 15%; các ngành nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm 3,1%...
Việt Nam đào tạo rất nhiều nhân sự ngành luật nhưng các bộ luật vẫn phải liên tục sửa đổi, thậm chí có bộ luật vừa ban hành đã phải hoãn thi hành vì nhiều lỗi.
Việt Nam cũng đào tạo nhiều “chuyên gia” kinh tế nhưng vì sao vẫn để cho doanh nghiệp FDI chuyển giá, gian lận thuế mà Cocacola, Heineken là những ví dụ cụ thể?
Những dự báo kinh tế trung hạn, dài hạn chưa bao giờ mang lại niềm tin tuyệt đối cho người sản xuất và bộ phận hoạch định chính sách, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.
Tình trạng được mùa rớt giá gây thiệt hại cho nông dân và kinh tế đất nước diễn ra thường xuyên nhưng nhiều năm vẫn chưa được cải thiện.
Thứ bảy, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục:
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị luôn là yếu tố giữ vai trò quyết định sự thắng lợi hay thất bại của chủ trương, chính sách.
Lãnh đạo ngành giáo dục vừa phải là nhà giáo dục có uy tín, vừa phải là nhà quản lý tài năng. Cho đến nay, cảm nhận chung là việc lựa chọn người đứng đầu các cơ quan thuộc hệ thống giáo dục dường như chưa đáp ứng được các tiêu chí này.
Tình trạng chung là lãnh đạo ngành giáo dục từ trung ương xuống địa phương không phải là người đưa ra các chủ trương, quyết sách, cũng không phải là người có quyền quyết định việc thực thi các chủ trương quyết sách đã ban hành.
Dẫn chứng rõ nhất có thể thấy trong việc thực hiện chi ngân sách nhà nước cho giáo dục như đã nêu trên hoặc trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật viên chức giáo dục.
Vai trò của tư lệnh ngành được Hiến pháp quy định là “Quốc sách hàng đầu” luôn không tương xứng nếu không nói là thấp hơn nhiều ngành khác như công an, quân đội, ngoại giao,… và vì thế tiếng nói chưa đủ sức nặng cần thiết.
Năm 2013, trong kỳ bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thống đốc Ngân hàng nhà nước là hai lãnh đạo cấp bộ nhận nhiều nhất “phiếu tín nhiệm thấp”.
Đợt bỏ phiếu tín nhiệm năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nằm trong danh sách trong năm vị Bộ trưởng có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất (Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Thể, Nguyễn Chí Dũng, Phạm Hồng Hà, Nguyễn Ngọc Thiện).
Việc hai vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hai nhiệm kỳ liên tiếp lọt vào danh sách nhận số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất một phần thể hiện năng lực lãnh đạo của cá nhân song không thể phủ nhận việc cơ cấu đội ngũ lãnh đạo giáo dục - tức là công tác tổ chức cán bộ - chưa bám sát yêu cầu thực tế và khả năng người được cơ cấu.
Tại Campuchia, một cuộc tham khảo ý kiến dân chúng cho thấy có tới 72% số người tham gia khảo sát bày tỏ sự yêu quý dành cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thanh niên và Thể thao.
Năm 2018, ông được bầu làm thành viên Quốc hội nhưng từ chức 13 ngày sau đó để tập trung vào nhiệm vụ của một vị Bộ trưởng. [26]
Tại Việt Nam, chưa thấy ai vì nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp mà viết đơn từ chức.
III. Một vài đề xuất
Quy mô kinh tế của Việt Nam còn hạn hẹp nên nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo không thể dồi dào, đó là thực tế buộc phải chấp nhận.
Những đề xuất sau đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân cho giáo dục nước nhà của một nhà giáo, hy vọng đây là ngọn gió nhỏ góp vào “cơn bão cải cách giáo dục” nếu Đảng và Nhà nước có phương án ban hành một chiến lược mới về giáo dục đào tạo.
Thứ nhất, xây dựng bằng được “Triết lý giáo dục của Việt Nam”.
Thứ hai, cải tổ hệ thống quản lý giáo dục theo hướng tập trung quản lý hệ thống giáo dục quốc dân vào một đầu mối (Bộ Giáo dục và Đào tạo) theo phương hướng đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW: “Các cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo địa phương tham gia quyết định về quản lý nhân sự, tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp”.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quản lý toàn bộ nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo và dạy nghề, thi cử, cấp phát văn bằng, chứng chỉ,…;
Xúc tiến đàm phán công nhận văn bằng tương đương giữa các đại học Việt Nam và các nước, đặc biệt là Liên minh Châu Âu;
Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý theo ngành dọc các cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo địa phương (như cách quản lý của công an, quân đội);
Cơ quan quản lý giáo dục đào tạo địa phương có trách nhiệm báo cáo công khai nguồn ngân sách nhà nước do địa phương cấp cho giáo dục.
Thứ ba, tập trung nguồn lực cho giáo dục.
Xuất phát từ quy định ghi trong Nghị quyết 29-NQ/TW: “Thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020”, xin nêu mấy gợi ý:
Xác định rõ “Giáo dục bắt buộc 9 năm” bao gồm giáo dục tiểu học và trung học cơ sở hay mầm non, tiểu học và một phần trung học cơ sở?
Nên thực hiện theo hướng nhà nước chi toàn bộ kinh phí giáo dục cho hai bậc học tiểu học và trung học cơ sở, tiến tới mở rộng cho cả bậc mầm non;
Xã hội hóa triệt để khối trung học phổ thông;
Tự chủ hoàn toàn theo các tiêu chí quốc tế khối cao đẳng, đại học.
Ban hành các chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài, nguồn lực xã hội, vốn đầu tư tư nhân cho giáo dục đào tạo (cấp đất, miễn thuế, vinh danh,…).
Thứ tư, luật hóa quá trình xã hội hóa giáo dục, bãi bỏ hoàn toàn cơ chế “chủ quản” với các cơ sở giáo dục đại học, trừ một số trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng,…
Tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục tự chủ.
Thứ năm, tổng kết, đánh giá hoạt động của các các cơ quan tư vấn giáo dục như “Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực”, “Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo”, nếu chất lượng hoạt động chưa đạt yêu cầu thì tổ chức lại.
Thứ sáu, cần có chế tài đủ mạnh để chấm dứt tệ nạn sử dụng văn bằng giả hoặc bằng thật nhưng chất lượng giả trong đội ngũ công chức, viên chức.
Thứ bảy, hệ thống giáo dục phổ thông chỉ tiến hành một kỳ thi với mục đích công nhận học sinh tốt nghiệp bậc học phổ thông. Việc tuyển sinh cho giáo dục đại học sẽ để các trường cao đẳng, đại học tự quyết định.
Có thể áp dung phương thức ghi danh vào cao đẳng, đại học nhưng quản lý thật chặt chất lượng đầu ra để tránh bằng thật nhưng chất lượng giả.
Thứ tám, chậm nhất đến năm 2022, hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, đối với giáo dục phổ thông trước mắt quy hoạch cho các khu dân cư tập trung (thành phố, thị xã, khu công nghiệp,…)
Thứ chín, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, phân tích, một cách khách quan một số tiêu chí chưa đạt, thay đổi hoặc dự kiến thực hiện:
1. Vì sao tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục không đạt 20%?
2. Chủ trương “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng” có còn giữ nguyên hay thay đổi?
3. Chủ trương “Thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020” đã được Chính phủ chuẩn bị thế nào về chính sách, nguồn lực và mốc thời gian bắt đầu…
Tài liệu tham khảo:
[22]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ngan-sach-danh-cho-giao-duc-duoc-su-dung-ra-sao-831947.vov
[23]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/20-ngan-sach-chi-cho-nganh-giao-duc-da-di-dau-394945.html
[24]http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Noi-dung-toa-dam-Tu-chu-dai-hoc-Nang-cao-chat-luong-dao-tao/374752.vgp
[25]https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/tu-chu-dai-hoc-va-trach-nhiem-minh-bach-343899
[26]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/quyet-sach-giup-vi-bo-truong-lot-xac-giao-duc-campuchia-676032.html