Thực tế đã có nhiều phiên tòa giải quyết tranh chấp yêu cầu bồi hoàn kinh phí đào tạo giữa các Trường Đại học, địa phương với học viên được cử đi học theo các đề án.
Trong đó, điển hình là việc Đà Nẵng đã khởi kiện hàng loạt “nhân tài” đề án 922 (đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương này) ra Tòa để buộc bồi hoàn kinh phí do phá vỡ cam kết ban đầu.
Tuy nhiên, việc thu hồi kinh phí theo con đường (ra Tòa án giải quyết) này cũng khó khăn và gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có chính sách ngăn ngừa từ đầu, nhằm hạn chế tối đa việc học viên vi phạm cam kết.
Nên công khai danh tính học viên đi học… không về
Giáo sư Trần Văn Nam – nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Hầu hết, các em tham gia các đề án của nhà nước đều chọn con đường trở về nước cống hiến, chỉ một số ít ở lại vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đề án 89 tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chất lượng trong nước tuyển sinh, đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ. (trong ảnh: Đại học Đà Nẵng trao bằng Tiến sĩ). Ảnh: TT |
Đương nhiên, dù ở lại nước ngoài thì về mặt đào tạo nhân tài ở đâu cũng phục vụ cho đất nước. Ở ngoài phục vụ cho đất nước thì cũng tốt thôi.
Nhưng khi mình đã có cam kết ban đầu rồi nên phải giữ đúng theo cam kết đó và phải trở về. Thực ra, lúc đi có nhiều đơn vi, các tỉnh cũng ký kết, cũng buộc phụ huynh bảo lãnh... nhưng rồi các em cũng phá vỡ, cũng bỏ đi luôn, không kéo lại được.
Tất nhiên, khi làm đề án thì phải chấp nhận một số rủi ro, và đây là số ít thì mình phải chịu”, thầy Nam nói.
Tuy nhiên, để răn đe thì Giáo sư Nam cho rằng, bản thân các học viên đi học nước ngoài cũng có nhiều điều kiện ở lại phát triển, nếu chọn con đường đó thì cũng nên công khai danh tính những học viên đó trên mạng (có thể là website của Trường, của Bộ... - phóng viên).
Bởi thực tế có một số em bỏ đi luôn, cắt đứt mọi liên lạc, nhà trường phải nhờ sứ quán tìm kiếm nhưng rất khó khăn.
"Còn thời buổi bây giờ, khi mạng internet đã phủ sóng thì việc công bố danh sách đó bao gồm tên tuổi, trường học ở nước ngoài của học viên... sẽ buộc họ phải giữ uy tín.
Nếu họ chấp nhận ở lại thì buộc phải chấp nhận tên tuổi của mình trên danh sách đó và phải thực hiện việc bồi hoàn kinh phí. Các học viên cũng nên hiểu rằng, việc đền bù lại để cho các em khác có nguồn kinh phí để thế hệ sau đi học. Bởi đây là nguồn tiền ngân sách.
Còn phương án giữ tiền giữ bạc các em như một số nơi đã làm hay phải bắt cược tiền từ ba mẹ, trong khi các em đã đến tuổi trưởng thành thì cũng không phải là phương án hay,
Ví dụ, có một số em có kết hôn ở nước ngoài rồi ở lại nên khó có thể trở về công tác. Nếu hoàn cảnh như vậy thì phải đền bù lại.
Việc đền bù cũng tính toán bằng một giá trị nào đó phù hợp chứ không thể đền bù gấp mấy lần như hồi trước mình làm thì rất khó khăn cho học viên. Ít nhất đề nghị đó là bồi hoàn theo quy định".
Theo Giáo sư Nam, việc đòi bồi hoàn kinh phí trong trường hợp nào cũng là một vấn đề khá nan giải. Mà theo đề án 89 thì nhiệm vụ nặng nề này lại được giao lại cho các trường quản lý nhưng các trường cũng rất khó.
"Nhiều địa phương đã chọn phương án khởi kiện ra Tòa. Dù đây là cách làm nặng nề nhưng cũng là phương án cuối cùng phải chấp nhận để thực hiện", thầy Nam nói.
Thay vì cấp thì cho học viên vay đi học
Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cũng chung nhìn nhận, việc thu hồi kinh phí đào tạo cho giảng viên nếu không trở về cũng là một vấn đề nan giải.
Bởi trường hợp đó là giảng viên của Trường thì dễ hơn. Nhưng còn không phải giảng viên của Trường thì Trường chỉ cam kết nhận họ thôi, còn việc thu hồi khó khăn.
Theo đề án 89 thì ngoài nguồn học viên là giảng viên của các trường cử đi học thì còn có nguồn bên ngoài nhưng được trường đăng ký và cam kết tiếp nhận sau khi học xong.
“Chỉ có cách theo phương án như cho sinh viên vay vốn. Tức là có sự bảo lãnh của địa phương, gia đình và học viên đó. Nếu học viên vi phạm cam kết, tự ý cắt đứt mọi liên lạc thì gia đình phải đứng ra chịu trách nhiệm cho các khoản vay này.
Ngoài ra, cũng có nhiều phương án khác, kể cả việc chọn con đường ngoại giao... để yêu cầu học viên học xong phải trở về. Hoặc các trường có văn bản đồng thuận với Trường Đại học ở nước ngoài để học xong thì họ sẽ trả học viên về", thầy Trang gợi ý.
Còn theo Phó giáo sư Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, vấn đề được các trường quan tâm hiện nay trong đề án 89 là giao trách nhiệm cho các trường cử giảng viên đi học thu hồi kinh phí đào tạo nếu giảng viên đó không trở về hoặc không hoàn thành việc học.
"Để quản lý vấn đề này một cách thiết thực thì trong đề án 89 giao trách nhiệm cho các trường. Tuy nhiên, để trường thực hiện tốt thì cần cơ chế phối hợp với các bộ, cơ quan liên ngành.
Cụ thể là Bộ Ngoại giao trong trường hợp giảng viên ở bên nước ngoài không về nước, Cục xuất nhập cảnh (bộ công an) trong trường hợp giảng viên về nước nhưng không thực hiện nghĩa vụ trong việc bồi hoàn kinh phí đào tạo. Chứ mình trường thì không có cơ chế để thu hồi kinh phí đào tạo", thầy Vinh cho hay.