Theo sở Nội vụ Đà Nẵng, tính đến tháng 5, địa phương này đã cử 616 người đi học theo đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi tắt là đề án 922) bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước.
Trong đó, có 128 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú, 368 học viên bậc đại học, 89 học viên bậc sau đại học...
"Nhân tài” giữ chức vụ Phó giám đốc Sở
Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó giám đốc sở Nội vụ cho biết, đã bố trí công tác cho 460 học viên đề án 922.
Học viên đề án 922 của Đà Nẵng trình bày những bất cập, khó khăn trong công tác sau khi đi học trở về. Ảnh: TT |
Trong quá trình công tác, một số học viên được tiếp tục cử đi học ở bậc cao hơn (bằng kinh phí tự túc hoặc bằng kinh phí đề án) và một số đã thanh lý hợp đồng sau khi đã hoàn thành thời gian cam kết làm việc cho thành phố.
Đến nay, số lượng học viên đề án đang thực công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố là 380 người.
Cụ thể, 136 học viên được bố trí tại các cơ quan hành chính, 210 học viên được bố trí tại các đơn vị sự nghiệp.
Khởi kiện “nhân tài” là nhân văn và để thu hồi tiền thuế của nhân dân |
Số học viên còn lại được bố trí tại các cơ quan khối Đảng và đoàn thể, Đại học Đà Nẵng, Vườm ươn doanh nghiệp, Tòa án nhân dân thành phố…
Ông Chiến nhận định, việc tiếp nhận, bố trí công tác cho học viên đề án cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực của các cơ quan, đơn vị tại thành phố.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 173 người (thuộc đề án 922) chưa được tuyển vào công chức.
"Qua thực tế công tác, đã có 207 học viên được tuyển dụng công chức, viên chức, 60 học viên được bổ nhiệm cán bộ quản lý (44 người là quản lý cấp phòng hoặc tương đương, 16 người giữ chức vụ Phó giám đốc Sở hoặc tương đương trở lên).
Đa số các học viên đề án được các đơn vị sử dụng đánh giá cao về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong thực thi công vụ.
Trong năm 2017, các học viên đề án đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ, ngành và địa phương.
Hơn 77 sáng kiến, cải tiến của học viên đề án được Hội đồng các cấp thẩm định, công nhận", ông Chiến cho hay.
Khởi kiện 32 “nhân tài”, thu hồi 89 tỷ đồng
Bên cạnh những mặt được của đề án 922 thì nó cũng đang tồn tại nhiều khiếm khuyết, bất cập cần phải điều chỉnh.
Theo đó, đã có 93 học viên xin rút khỏi đề án, bao gồm 40 người xin rút khỏi đề án khi đã nhận công tác, 47 học viên vi phạm hợp đồng (các lỗi như: học tập không đạt, tốt nghiệp nhưng không về nhận công tác…).
Tướng Thước: Chủ tịch Đà Nẵng có nhiều tài sản thế? |
Để “xử lý” các học viên vi phạm, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng (thuộc sở Nội vụ Đà Nẵng) cho hay;
Thành phố đã khởi kiện 32 “nhân tài” ra Tòa án nhân dân các cấp để yêu cầu bồi hoàn kinh phí theo hợp đồng ban đầu. Trong đó, có nhiều học viên phải bồi thường số tiền lên đến 2-3 tỷ đồng/học viên.
Có 11 học viên chấp nhận bồi thường và hoàn thành việc chuyển trả tiền cho ngân sách nên Trung tâm rút đơn kiện trước khi vụ án đưa ra xét xử.
Tám trường hợp đang trong quá trình xét xử, 10 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn thi hành án. Ba trường hợp đã bồi hoàn xong sau phiên xét xử sơ thẩm.
Ông Võ Ngọc Đồng – giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay, thành phố đã thu hồi được 89 tỷ đồng nộp vào ngân sách.
Đây là số tiền mà địa phương này thu hồi sau khi đã đầu tư cho các “nhân tài” đi học nhưng học viên vi phạm, không thực hiện đúng cam kết.
Bên cạnh những mặt được của đề án 922 thì cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, thiếu sót của chính sách này.
Đó không chỉ là câu chuyện “nhân tài” vi phạm hợp đồng, bị thành phố khởi kiện để đòi bồi hoàn mà cả việc sử dụng và quản lý “nhân tài” ở các Sở, ngành, quận/huyện ra sao?
Những bất cập trong việc bố trí công tác, thi tuyển công chức, chế độ đãi ngộ “nhân tài”… cũng đã bộc lộ nhiều thiếu sót, cần phải điều chỉnh.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích trong các số tiếp theo.