Trình độ đào tạo tiến sĩ của Việt Nam kém thế giới một bậc?

21/03/2021 07:13
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Nội vụ liệt kê trình độ Tiến sĩ khoa học trong hồ sơ cán bộ phải chăng đã mặc nhiên công nhận một “trình độ” mà giáo dục đại học Việt Nam chưa đào tạo được?

Gần đây có một số ý kiến về việc nên tăng số đại biểu Quốc hội là luật sư trong kỳ bầu cử sắp tới, ý kiến này thu hút sự chú ý của không ít người bởi đây là vấn đề quan trọng và cấp thiết mà cơ quan lập pháp cao nhất quốc gia cũng đã dành sự quan tâm.

Do số lượng đại biểu Quốc hội là chuyên gia luật chưa nhiều, mặt khác việc thảo luận tại Quốc hội còn bị hạn chế bởi thời gian mỗi kỳ họp nên có đạo luật vừa ban hành đã phải sửa đổi như Luật Bảo hiểm Xã hội, Bộ Luật Hình sự.

Hoạt động giáo dục được điều chỉnh bởi ít nhất năm bộ luật là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học, Luật Viên chức, Luật Công chức. Bên cạnh đó còn khá nhiều văn bản dưới luật mà Chính phủ và các bộ, ngành ban hành.

Trình độ đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay được đánh giá thế nào? (Ảnh đăng trên giaoduc..net.vn)

Trình độ đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay được đánh giá thế nào? (Ảnh đăng trên giaoduc..net.vn)

Trong khuôn khổ giáo dục pháp luật mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hướng tới, xin nêu vài ý kiến về một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục:

Khoản 2, điều 6, Luật Giáo dục 2019 quy định:

“2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;

b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;

c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”.

Theo quy định này, giáo dục Việt Nam gồm 4 “Cấp học”, thứ tự từ thấp đến cao là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Về ngôn ngữ trong Luật Giáo dục, cả năm bậc học của hai cấp học Mầm non và Phổ thông (nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) đều không phân theo “Trình độ”.

Chỉ hai cấp học được Luật Giáo dục cho phép có “trình độ” là “Giáo dục nghề nghiệp” và “Giáo dục đại học”.

Cấp “Giáo dục nghề nghiệp” gồm ba trình độ “Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng” còn các “Chương trình đào tạo nghề nghiệp khác” không phân theo “trình độ”, như vậy có thể tạm hiểu “thợ bậc 7” và “thợ bậc 1” về trình độ đều là “thợ”!

“Giáo dục đại học” là cấp cao nhất, cấp này đào tạo 03 trình độ: Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ (luật không xác nhận Việt Nam có trình độ “Tiến sĩ khoa học - TSKH”).

Hiểu một cách chính xác những gì quy định trong luật thì “Trình độ cao đẳng” không thuộc về cấp “giáo dục đại học” mà là cấp “giáo dục nghề nghiệp”.

Thực tế cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đang quản lý một số trường cao đẳng và trung cấp sư phạm, vậy có phải bộ này đang lấn sân sang lĩnh vực “giáo dục nghề nghiệp” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý?

Ngược lại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại quản lý một số đại học sư phạm kỹ thuật, dựa vào bộ luật nào để bộ này lấn sân sang lĩnh vực “giáo dục đại học”.

Câu hỏi này được nêu lên bởi theo quy định tại khoản 1 điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp thì “Cơ sở giáo dục nghề nghiệp” chỉ bao gồm ba loại là:

a) Trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

b) Trường trung cấp;

c) Trường cao đẳng.

Mặt khác tại điều 3 Nghị định số 15/2019/NĐ-CP quy định:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

2. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn

Kết hợp quy định về “Cơ sở giáo dục nghề nghiệp” trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định 15/2019/NĐ-CP, có thể khẳng định pháp luật đã có quy định Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không được quản lý các “cơ sở giáo dục đại học”.

Được biết kể từ ngày 01/01/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên).

Thế thì vì sao cho đến nay, gần 05 năm sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn tiếp tục quản lý hai trong sáu trường đại học sư phạm kỹ thuật là Đại học sư phạm kỹ thuật Nam Định và Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh?

Liệu nguyên tắc “Dân được làm những gì pháp luật không cấm, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” có đúng với trường hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hai cơ sở giáo dục đại học?

Theo chiều ngược lại, tuy Luật Giáo dục cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý một số trường trung cấp và cao đẳng sư phạm song điều đó không có nghĩa là những cơ sở giáo dục này được gọi chung là “cơ sở giáo dục đại học”.

Nêu vấn đề này vì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành một công văn, theo đó “Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học tăng cường phòng chống dịch COVID-19”. [1]

Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các “cơ sở giáo dục đại học” tăng cường phòng chống dịch nhưng nội dung công văn lại liệt kê nơi nhận gồm “Các đại học, trường đại học, học viên, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm”!

Có thể do người “đánh máy” chưa hiểu thế nào là cơ sở giáo dục đại học.

Phải chăng để chính xác về mặt luật pháp, công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên gửi các cơ sở giáo dục trực thuộc bộ?

Vấn đề tiếp theo liên quan đến việc áp dụng luật.

Bản mẫu khai lý lịch viên chức (và công chức) ban hành kèm theo Thông tư số 07/2019/TT-BNV (Mẫu HS02-VC/BNV) đòi hỏi viên chức phải khai hai mục:

15.1- Trình độ giáo dục phổ thông (đã tốt nghiệp lớp mấy/thuộc hệ nào):…………….

15.2- Trình độ chuyên môn cao nhất:………………………………… (TSKH, TS, Ths, cử nhân, kỹ sư, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, chuyên ngành).

Như đã phân tích ở trên, “trình độ” trong giáo dục đại học Việt Nam chỉ có ba loại là Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, các đại học và trường đại học của Việt Nam không đào tạo trình độ “Tiến sĩ khoa học”.

Việc Bộ Nội vụ liệt kê trình độ Tiến sĩ khoa học (TSKH) trong hồ sơ cán bộ phải chăng đã mặc nhiên công nhận một “trình độ” mà giáo dục đại học Việt Nam chưa đào tạo được, nói cách khác đào tạo tiến sĩ của Việt Nam còn thấp hơn nước ngoài một bậc?

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT “Ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ”.

Thông tư này không quy định Việt Nam đào tạo trình độ “Tiến sĩ khoa học” thế nhưng tại khoản 1 điều 10 ghi:

“1. Tiêu chuẩn giảng viên:

a) Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật giáo dục đại học;

b) Có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ có chuyên môn phù hợp với các học phần đảm nhiệm trong chương trình đào tạo;…”.

Một số nước phân trình độ tiến sĩ làm hai bậc, bậc thứ nhất gọi với tên chung là “Doctor” (viết tắt là “Dr.”).

Bậc thứ hai của trình độ tiến sĩ tại một số nước châu Âu gọi là “Doctor habilitatus” (viết tắt là “Dr.habil”); Liên bang Nga gọi là “Doctor of Sciences” (Tiến sĩ khoa học), còn Pháp gọi là “Docteur d'État” (Tiến sĩ cấp quốc gia),…

Vậy Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa vào văn bản pháp luật nào để công nhận một bằng tiến sĩ đào tạo tại nước ngoài là tiến sĩ “thường” hay tiến sĩ “khoa học”?

Mặt khác, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong thông báo tuyển sinh ghi: “Đào tạo Tiến sĩ Khoa học Máy tính”. [2]

Đây là đào tạo “Tiến sĩ khoa học” về máy tính hay đào tạo Tiến sĩ lĩnh vực “Khoa học máy tính”?

Người bình thường không mấy ai quan tâm đến câu hỏi nêu trên nhưng về phương diện luật pháp thì không thể coi là bình thường bởi biết đâu sẽ có kiện cáo, rằng bằng “Tiến sĩ Khoa học Máy tính” phải được coi là “Tiến sĩ Khoa học”!!!

Xem ra, nếu thiếu các chuyên gia am hiểu luật pháp, Quốc hội, Chính phủ sẽ còn gặp không ít vấn đề khi phê duyệt ban hành các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật./.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dai-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=7207

[2] https://www.uit.edu.vn/dao-tao-tien-si-khoa-hoc-may-tinh

Xuân Dương