Bộ nên cầu thị thu hồi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, bỏ mẫu giáo án dài dòng vô bổ

07/06/2021 06:45
Sơn Quang Huyến
GDVN- Văn bản giấy trắng, mực đen, dấu đỏ rành rành như thế mà Vụ trưởng vẫn "giải thích" cho bằng được là ý Bộ không phải thế, giáo viên đang hiểu sai/hiểu lầm/...

Bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề kế hoạch bài dạy theo mẫu tại Phụ lục IV, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 05/6/2021 đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giáo viên trên cả nước.

Bài viết “Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học giải thích mẫu giáo án 5512 và "thư công tác" đã được chia sẻ trên mạng xã hội, cùng với đó là bình luận của bạn đọc, thế nhưng có rất nhiều ý kiến trái chiều với những gì ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Từ giải thích "lòng vòng" của Vụ trưởng đến chủ trương giáo dục thực chất của Bộ trưởng

Trước tiên, người viết hết sức hoan nghênh và cảm ơn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe tiếng nói phản ánh của giáo viên trên báo chí về các vấn đề còn bất cập trong ngành, cảm ơn Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành đã có bài trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề tài giáo viên phổ thông cả nước đặc biệt quan tâm: mẫu giáo án 5512 và thư công tác "4 không" của Vụ. [1]

Người viết cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trước hết là vì, các loại kế hoạch, giáo án theo mẫu mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, hướng dẫn theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020, thì trong tháng Giêng 2021, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết của các thầy cô giáo đang đứng lớp phân tích, mổ xẻ bất cập và phản ánh những cách thức đối phó đặng chẳng đừng của đồng nghiệp trước áp lực kiểm tra hồ sơ, sổ sách của cấp trên.

Thay vì đối thoại, giải đáp thắc mắc công khai minh bạch, Vụ Giáo dục trung học chọn giải pháp âm thầm gửi thư công tác về các sở, hướng dẫn cách giải quyết phản ánh của thầy cô giáo.

Tất nhiên giải pháp này không thể giải tỏa nỗi bức xúc, áp lực hồ sơ sổ sách đè nặng giáo viên nên các thầy cô giáo tiếp tục phản ánh. Cá nhân người viết tin rằng, nếu không có ý kiến từ người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có lẽ đề tài "đồng phục giáo án" theo mẫu 5512 sẽ chỉ dừng lại ở "thư công tác" và các chỉ đạo của các cơ quan quản lý ngành dọc quán triệt đến từng giáo viên.

Do đó bức xúc sẽ còn âm ỉ trong mỗi nhà giáo khi ngồi trước máy tính để soạn kế hoạch dạy học, nếu không phải muốn mất tiền mua kế hoạch đồng nghiệp soạn sẵn đang rao bán trên mạng.

Đối diện với những chỉ trích, phê phán chưa bao giờ là việc dễ dàng, từ một giáo viên bình thường như người viết cho đến lãnh đạo ngành giáo dục. Vị trí càng cao, thì áp lực khi phải đối mặt với dư luận càng lớn. Nhưng né tránh, vòng vo chưa bao giờ là giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề.

Lần này thì khác, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành đã trả lời phỏng vấn nhiều câu hỏi trực diện, đúng và trúng của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những bất cập liên quan đến mẫu giáo án 5512 và "thư công tác 4 không" được nhiều thầy cô phản ánh trên trang nhà. Nói gì thì nói, điều này cũng rất đáng ghi nhận và trân trọng.

Người viết có chia sẻ với những đồng nghiệp đang đứng lớp, những bạn nghề "gõ đầu trẻ" quen biết trên các diễn đàn của mạng xã hội thì đều có nhận định, không biết có đúng không, đó là tín hiệu đáng mừng từ tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vì một nền giáo dục thực chất: học thật, dạy thật, thi thật, mà thật đầu tiên phải bắt đầu từ chính các cơ quan tham mưu của Bộ.

Nhưng sẽ đáng mừng và đáng trân trọng hơn, giải quyết triệt để vấn đề hơn, sẽ nhanh tiến gần nền giáo dục THỰC CHẤT hơn nếu Vụ trưởng nhìn thẳng vào sự thật:

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đang chỉ đạo giáo viên và cơ sở phải thực hiện theo các mẫu kế hoạch ban hành trong các phụ lục kèm theo công văn này, không phải chỉ là gợi ý như cách giải thích lòng vòng; đồng thời Bộ nên nhận lỗi và ra công văn đính chính/thu hồi để thay thế bằng một văn bản khác tương đương, như đúng quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ (trái) và Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, ảnh: rgep.moet.gov.vn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ (trái) và Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, ảnh: rgep.moet.gov.vn.

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký, đơn vị tham mưu không ai khác ngoài Vụ Giáo dục trung học mà thầy Thành là Vụ trưởng. Người xưa nói, con dại, cái mang. Tham mưu "dại" thì thủ trưởng phải làm sao, liệu có nên im lặng để tham mưu tiếp tục giải thích?

Còn nhớ, ngày 3/10/2017 Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cũ (chương trình 2000/2006) theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018.

Công văn này vừa ban hành đã gây bão dư luận vì yêu cầu “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”. 2 tuần sau, ngày 17/10, cũng ông Nguyễn Xuân Thành khi đó còn là Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học phải đứng ra giải thích. Đáng tiếc là Phó Vụ trưởng cho rằng "việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ”. [2]

Nói như thầy Thành thì là Bộ không sai, chỉ có giáo viên và các trường "hiểu lầm". Cho đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ra văn bản nào thay thế Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH, người ký công văn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng chưa một lần lên tiếng.

Giáo viên như tôi cảm thấy tủi thân lắm, chẳng lẽ mình đọc một văn bản của Bộ còn không nên, lấy chi mà dạy học trò? Nhưng không phải riêng tôi "hiểu lầm", mà có lẽ không một đồng nghiệp nào có thể hiểu khác hoặc hiểu như giải thích của Vụ trưởng.

Các cụ vẫn dạy, "khôn ngoan chẳng lọ thật thà", văn bản giấy trắng, mực đen, dấu đỏ rành rành như thế mà Vụ trưởng vẫn "giải thích" cho bằng được là ý Bộ không phải thế, giáo viên đang hiểu sai/hiểu lầm/hiểu chưa đúng, thì giáo viên hỏi ai bây giờ? bao giờ mới có một nền giáo dục thực chất?

Có thật kế hoạch bài dạy khoảng 2 - 3 trang/tiết?

Quay trở lại một chút với vấn đề chuyên môn, là mẫu giáo án 5512. Ông Nguyễn Xuân Thành đã trả lời “Trước hết, tôi phải khẳng định ngay, "kịch bản" tổ chức các hoạt động trong bài học cần ngắn gọn, trong đó giáo viên đưa ra các "Câu hỏi" hoặc "Câu lệnh" rõ ràng về nội dung và sản phẩm (nhìn thấy) mà học sinh phải hoàn thành để "giao việc" và hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ cho học sinh thực hiện, chứ không phải là chép lại nội dung (ngữ liệu, hình ảnh) từ sách giáo khoa hay các tài liệu khác. Vì vậy không thể và không cần dài nhiều trang đến thế. Tôi giải thích rõ hơn như sau:

Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh là thực hiện "Học qua làm". Khung kế hoạch bài dạy theo mẫu tại phụ lục của Công văn 5512 nhằm gợi ý cho giáo viên cách thiết kế các hoạt động để giao cho học sinh "làm để học". Muốn vậy thì "Câu hỏi" hoặc "Câu lệnh" cần cho học sinh hiểu rõ phải "Làm gì?", "Làm như thế nào?" và "Làm ra cái gì?".

Vì vậy, đối với mỗi hoạt động định tổ chức, giáo viên phải xác định "trúng": Mục tiêu, Nội dung và Sản phẩm (các mục a, b, c trong mỗi hoạt động là gợi ý giúp giáo viên thực hiện yêu cầu này nên phải được nêu rất ngắn gọn).

Mỗi bài học nhìn chung có 2 hoạt động chính, đó là "Học lý thuyết" (Hoạt động 2: Kiến thức mới) và "Làm bài tập" (Hoạt động 3: Luyện tập). Ngoài ra cần có "Vào bài" (Hoạt động 1: Xác định vấn đề/Nhiệm vụ học tập/Mở đầu) và "Vận dụng" (Hoạt động 4: Vận dụng).

Hoạt động "Vận dụng" được thực hiện sau 1 bài hoặc 1 nhóm bài là "hoạt động mở", giáo viên đưa ra "Câu hỏi mở" để học sinh thực hiện chủ yếu ở ngoài giờ học trên lớp.

Như vậy, "kịch bản" tổ chức các hoạt động trong bài học là rất ngắn gọn. Nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần khoảng 2 -3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang; không thể dài hàng chục trang như một số thầy, cô đã làm, phản ánh”. [1]

Thầy giáo H (đề nghị không nêu tên) ở Vũng Tàu chia sẻ: “Mình đọc bài trả lời của ông Thành, thấy rất hay, rất đúng, rất trúng, nhưng không như thực tế trong chương trình bồi dưỡng giáo viên.

Minh chứng ư? Đơn giản thôi, ngay trong chương trình bồi dưỡng Chương trình giáo dục 2018 cho giáo viên đang tiến hành, với giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên lớp 6, mô đun 1.

Phần Phân tích kế hoạch bài dạy minh họa có 6 bài Kế hoạch bài dạy. Trong đó có 2 bài 11 trang/tiết; 2 bài 10 trang/tiết; 1 bài 9 trang/tiết; 1 bài 8 trang/tiết”.

Kế hoạch bài dạy số trang lên đến 8.
Kế hoạch bài dạy số trang lên đến 8.
Ảnh chụp màn hình Kế hoạch bài dạy minh họa trong Mô đun 1, môn Khoa học tự nhiên số trang lên đến 11

Ảnh chụp màn hình Kế hoạch bài dạy minh họa trong Mô đun 1, môn Khoa học tự nhiên số trang lên đến 11

Trả lời của ông Nguyễn Xuân Thành là lý thuyết, kế hoạch bài dạy minh họa trong chương trình bồi dưỡng giáo viên của Bộ là thực tế.

Phần đánh giá lý thuyết và thực tế đã xảy ra như thế nào, người viết dành cho bạn đọc.

Người viết chỉ mong muốn cán bộ ở Bộ Giáo dục khi trả lời báo chí hay ban hành văn bản chỉ đạo phải dựa trên thực tế, trả lời được câu hỏi: văn bản đó có áp dụng vào cuộc sống được không, có nâng cao chất lượng giáo dục không, rồi mới ban hành.

Không theo khung Kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH giáo viên có đạt Bồi dưỡng chương trình 2018?

Ông Nguyễn Xuân Thành đã nói: “Như tôi đã nói ở trên, khung kế hoạch bài dạy không phải là mẫu giáo án mà là những hướng dẫn, gợi ý để giáo viên xác định mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động học, tổ chức cho học sinh thực hiện để "Ra câu hỏi/lệnh" đúng, "trúng" vấn đề theo nội dung dạy học và đối tượng học sinh”.

Thế nhưng, thực tế hoàn toàn khác. Người viết đã liên hệ với một số giáo viên cốt cán, đang là người hướng dẫn trong chương trình bồi dưỡng giáo viên của Bộ, khi được hỏi kế hoạch bài dạy nộp chấm có bắt buộc thực hiện theo Công văn 5512 không, tất cả trả lời là bắt buộc.

Nếu kế hoạch bài dạy không thực hiện theo Công văn 5512, chắc chắn bị đánh rớt, không đạt yêu cầu.

Nếu thực tế như ông Nguyễn Xuân Thành đã nói khung kế hoạch bài dạy không phải là mẫu giáo án mà là những hướng dẫn, gợi ý để giáo viên xác định mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động học, tổ chức cho học sinh thực hiện để "Ra câu hỏi/lệnh" đúng, "trúng" vấn đề theo nội dung dạy học và đối tượng học sinh; đề nghị Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo can thiệp, thay đổi yêu cầu trong chương trình bồi dưỡng giáo viên của Bộ đang tiến hành.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-vu-giao-duc-trung-hoc-giai-thich-mau-giao-an-5512-va-thu-cong-tac-post218343.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-nhan-sai-sot-trong-chi-dao-khong-day-nhung-noi-dung-ngoai-sach-giao-khoa-post180478.gd

Sơn Quang Huyến