Tôi mong Bộ trưởng chỉ đạo làm rõ việc chuyển xếp lương, tiền bồi dưỡng tích hợp

18/08/2021 06:59
BÙI NAM
GDVN- Là một nhà giáo, tôi rất mong nhận được ý kiến chính thức của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo làm rõ 2 vấn đề trên để giáo viên yên tâm công tác.

Trong thời gian gần đây, có rất nhiều bài viết phản ánh bất cập của việc quy định giáo viên có thể phải trả tiền khi học các chứng chỉ bồi dưỡng các môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc xét chuyển lương giáo viên theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Là một nhà giáo, tôi rất mong nhận được ý kiến chính thức của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo làm rõ 2 vấn đề trên để giáo viên yên tâm công tác, tập trung cho việc tập huấn chương trình mới, sách giáo khoa mới, đồ dùng mới, soạn giáo án mới, cách đánh giá mới, sinh hoạt chuyên môn mới,…Tôi tin các đồng nghiệp khác có lẽ cũng có chung suy nghĩ, mong muốn này.

Thông qua bài viết này, người viết nêu lại bất cập cũng như đưa ra những giải pháp để thực hiện các vấn đề trên một cách tốt nhất, tiết kiệm nhất, tránh gây bức xúc, hoang mang trong giáo viên.

Nên quy định giáo viên bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp là miễn phí, 100% trực tuyến (online)

Chứng chỉ bồi dưỡng tích hợp mà người viết muốn trình bày dưới đây gồm: chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở bậc trung học cơ sở trong các Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT, 2454/QĐ-BGDĐT, 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021.

Cả ba quyết định trên đều có những điểm chung là: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học" môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở trung học cơ sở và kinh phí bồi dưỡng được hướng dẫn lấy từ 3 nguồn, trong đó có nguồn: “do người học tự đóng góp”

Thưa Bộ trưởng, quy định giáo viên đã có trình độ đại học hoặc cao hơn chuẩn trình độ đào tạo của Luật Giáo dục 2019 gồm các môn Tin học ở tiểu học; môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí ở bậc trung học cơ sở bắt buộc phải bồi dưỡng mà có thể phải tự đóng tiền học các môn tích hợp mới gây bức xúc trong giáo viên rất lớn, gây mất niềm tin trong giáo viên.

Theo quan sát của người viết cũng là một nhà giáo đang đứng lớp thì các thầy cô giáo hiện nay đang rất bất an, lo lắng, trong đó có cả bất bình, bức xúc vì quy định trên, của cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng ban hành quyết định trên.

(Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

(Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Để giải tỏa tâm lý cho giáo viên, rất mong Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến chính thức chỉ đạo làm rõ các vấn đề này, một là chương trình bồi dưỡng 03 môn tích hợp trong 03 quyết định trên có phải "chương trình bồi dưỡng thường xuyên" hay không? Nếu không phải, thì đó là chương trình gì và việc cấp "chứng chỉ" bồi dưỡng 03 môn này dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Hai là, Luật Giáo dục số 43/2019/QH-14, Điều 73. Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, quy định:

1. Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; nhà giáo được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ.

2. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa khoản 3 điều 16 Quy chế bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ban hành theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT quy định Phòng giáo dục và đào tạo:

"Tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp huyện về nguồn kinh phí BDTX và các điều kiện liên quan phục vụ công tác BDTX theo quy định. Kinh phí BDTX được dự toán trong kinh phí chi thường xuyên hằng năm, từ kinh phí hỗ trợ của các chương trình, dự án hoặc từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có)."

Về việc này thiết nghĩ 03 Quyết định của Bộ cần quy định tường minh, trường hợp nào ngân sách chi trả, trường hợp nào "do người học đóng góp" như trả lời của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức, quy định chung chung sẽ gây tâm lý lo lắng, bất an vì đội ngũ nhà giáo đã phải tốn quá nhiều tiền bạc, công sức, thời gian cho các loại chứng chỉ rồi.

Hàng chục ngàn giáo viên sẽ rất biết ơn Bộ trưởng, từ đó giáo viên sẽ có thêm niềm tin, động lực vào sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, có như vậy việc đổi mới hy vọng sẽ thành công.

Bên cạnh đó, tha thiết xin Bộ sửa đổi các quyết định trên theo hướng học trực tuyến (online), kiểm tra online 100%, giáo viên không phải di chuyển xa xôi, vất vả,…

Bộ Giáo dục chỉ cần bỏ kinh phí 1 lần xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên cả nước, xây dựng ma trận ôn tập linh hoạt tùy thời điểm cho giáo viên.

Tại ba Quyết định: 2453/QĐ-BGDĐT, 2454/QĐ-BGDĐT, 2455/QĐ-BGDĐT đều có chung quy định việc học và kiểm tra được đánh giá như sau:

“Đối với hình thức bồi dưỡng thì được hướng dẫn học trực tiếp 80% chương trình tại các trường đại học sư phạm và học viên phải tham gia tối thiểu 80% thời gian học tập trực tiếp của chương trình bồi dưỡng quy định cho mỗi học phần thì được tham gia kiểm tra kết thúc học phần đó.

Kết thúc mỗi học phần của chương trình bồi dưỡng, học viên phải thực hiện một bài thu hoạch. Bài thu hoạch được chấm theo thang điểm 10."

Về điều kiện cấp chứng chỉ, các quyết định này cũng hướng dẫn: người học tích lũy đủ số học phần bắt buộc và đủ số tín chỉ tối thiểu theo quy định của chương trình bồi dưỡng; điểm trung bình tích lũy của toàn khóa bồi dưỡng đạt từ 5,00 trở lên; đảm bảo đủ các điều kiện quy định khác của cơ sở đào tạo.

Như vậy, quy định là giáo viên phải học trực tiếp, phải kiểm tra,… nếu không đạt thì vừa mất tiền, vừa không được cấp các chứng chỉ các môn “tích hợp” tức là tương lai sẽ không được dạy các môn trên khiến giáo viên lo lắng hơn.

Trình độ giáo viên, khả năng sử dụng công nghệ,… đã rất tiến bộ nên hiện nay Bộ Giáo dục xây dựng việc học trực tiếp các môn tích hợp, phải đi dạy đi dạy lại tại 63 tỉnh, thành tại nhiều địa phương trên cả nước là một sự thụt lùi, gây tốn kém, lãng phí giống như việc đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng các chức danh nghề nghiệp giáo viên thời gian qua.

Không có lý do gì Bộ Giáo dục và Đào tạo không xây dựng việc bồi dưỡng các môn trên giống như các mô đun bồi dưỡng thường xuyên, rất tiện lợi, phù hợp, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách và giáo viên.

Thông qua các công cụ hiện đại, công nghệ giáo viên hoàn toàn có thể thực hiện bài kiểm tra, bài đánh giá một cách chân thật, khách quan nhất, tiết kiệm nhất, hợp lý nhất.

Do bài kiểm tra được thực hiện trên máy, chấm trên máy nên sẽ rất công bằng và khách quan nên giáo viên sẽ cố gắng hơn, học tốt hơn.

Bên cạnh đó, do thiên tai, dịch bệnh phức tạp,... nên học online là cách tốt nhất.

Giai đoạn công nghệ cao không có lý do gì để giáo viên “khăn gói lều chõng” đi học, bồi dưỡng và thi môn trên.

Không phải tự nhiên mà một tác giả tên Kim Thu đã gửi một bức tâm thư cho Bộ Trưởng Bộ Giáo dục “Xin Bộ trưởng hãy cứu các giáo viên dạy môn tích hợp bên "bờ vực chứng chỉ".

Bởi vì họ thấy hoang mang, bất an,… không có nơi nào để bấu víu nên mới mạnh dạn bày tỏ chính kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo và quan trọng là giáo viên rất tin vào Bộ trưởng, mong được xem xét lại để yên tâm công tác.

Đề nghị dừng việc chuyển xếp lương theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là đúng đắn

Bài viết mới nhất “Nên dừng thực hiện chuyển xếp lương nhà giáo theo chùm thông tư mới” của tác giả Sơn Quang Huyến là nỗi lòng của hàng triệu giáo viên cả nước.

Mặc dù đã có rất nhiều bài viết phân tích khá chi tiết các bất cập như tác giả Sơn Quang Huyến đã đề cập trong bài viết gồm:

Bùng nhùng chia hạng, xếp lương giáo viên mong Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo”; “Tôi thấy xếp hạng giáo viên dựa vào hồ sơ, chẳng căn cứ vào năng lực hiệu quả”; “Lương, phụ cấp, thăng hạng chức danh nhà giáo và chuyện vòng vo chính sách”; “Không được giao nhiệm vụ hạng II phải xuống hạng, giáo viên cầu cứu Bộ Giáo dục”; “Nhiều thầy cô hạng II phải xuống hạng III trong ấm ức vì thiếu "nhiệm vụ"”; “Mong muốn nhất của giáo viên nếu Bộ sửa thông tư xếp hạng là bỏ xếp hạng”; "Hên xui" chuyện xếp lương nhà giáo theo các thông tư mới”,…

Bài viết đề nghị dừng việc xếp hạng theo các thông tư trên không mới nhưng vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn của giáo viên, bởi sự “nóng” của nó, bởi sự bất bình đẳng, bất hợp lý khi chuyển xếp lương cả triệu giáo viên theo các Thông tư trên.

Xếp lương mới mà giáo viên thấy bất hợp lý, không công bằng thì sẽ sinh tâm lý chán nản, bất bình thì việc dạy sẽ không hiệu quả. Chùm thông tư có quá nhiều bất cập, hay nói cách khác là còn quá nhiều “sạn” thì nên được nhìn nhận và dừng lại để sửa đổi, bổ sung hợp lý.

Cá nhân người viết rất hy vọng tiếng lòng của các nhà giáo đến được tai Bộ trưởng, để Bộ trưởng xem xét lại những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình để giải quyết, những vấn đề khác có thể tham mưu các cấp để giải quyết hướng đến sự công bằng, bình đẳng để mọi người thụ hưởng sự hợp lý của chính sách.

Một lần nữa, bản thân người viết cùng rất nhiều bạn bè đồng nghiệp đang đứng trên bục giảng rất tin tưởng, kỳ vọng vào sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về 2 vấn đề đang gây tranh luận, bức xúc nêu trên.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học ngày 12/8, Bộ trưởng từng phát biểu: “Không như các lĩnh vực khác, một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Vì thế, phải cố gắng hết sức để giảm thiểu những tổn thương đối với giáo dục” .

Những chính sách học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp có thể tốn tiền, chính sách chuyển xếp lương bất công, không hợp lý cũng khiến giáo viên tổn thương nếu không có sự điều chỉnh hợp lý, khoa học thì giáo viên rất khó an lòng, an tâm công tác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM