Mong muốn nhất của giáo viên nếu Bộ sửa thông tư xếp hạng là bỏ xếp hạng

05/06/2021 07:49
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo khi sửa Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT nên bỏ ngay việc xếp hạng giáo viên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ cho rằng công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ với công chức, viên chức còn một số tồn tại. Đó là nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.[1]

Như vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì giáo viên sẽ vỡ òa hạnh phúc khi “giấy phép con”, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không còn hành hạ nữa.

(Ảnh minh hoạ: Vũ Ninh)

(Ảnh minh hoạ: Vũ Ninh)

Mong muốn nhất của giáo viên khi Bộ sửa thông tư là gì?

Đại đa số giáo viên đồng nghiệp khi được người viết hỏi “Mong muốn nhất của giáo viên khi Bộ sửa thông tư là gì?” có câu trả lời chung nhất là: Bộ Giáo dục và Đào tạo khi sửa Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT nên bỏ ngay việc xếp hạng giáo viên.

Thật ra xếp hạng giáo viên không phải từ khi Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ra đời mới có, mà xếp hạng giáo viên đã có trong các Thông tư số: 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.

Xếp hạng giáo viên trong các Thông tư số: 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cũng đã bị dư luận phản đối nhưng vẫn tồn tại một cách nghịch lý trong Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT nên càng bị phản đối dữ dội hơn.

Tại sao nên bỏ xếp hạng giáo viên?

Thứ nhất: Xếp hạng giáo viên trong các Thông tư số: 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cho đến hiện nay trong Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đều không phản ánh đúng năng lực thực sự của giáo viên.

Thứ hai: Hạng giáo viên trong các Thông tư số: 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cho đến hiện nay trong Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đều được xếp dựa trên “hồ sơ đẹp”, không có tác dụng với việc “dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Thứ ba: Bỏ xếp hạng giáo viên, đồng nghĩa với việc bỏ tiêu chí quy định đạo đức mỗi hạng giáo viên. Không thể giáo viên hạng cao sẽ có đạo đức cao hơn, tốt hơn giáo viên hạng thấp, vấn đề này đã bị dư luận phản đối kịch liệt trên các diễn đàn.

Thứ tư: Nghị quyết số 27/NQ-TW đang hướng đến trả lương theo vị trí việc làm, với giáo viên có ba vị trí việc làm cơ bản: Hiệu trưởng; Phó hiệu trưởng; Giáo viên.[3]

Như vậy, việc xếp hạng giáo viên sẽ bị bãi bỏ khi Chính phủ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm.

Vì thế, người viết tha thiết đề nghị cơ quan chức năng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ xếp hạng giáo viên khi sửa đổi các quy định tại chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT khi Chính phủ bỏ Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trong thời gian tới.

Hạng giáo viên chỉ có thể xếp trong trái tim của học trò, phụ huynh và niềm tin xã hội. Hạng giáo viên do chính lương tâm nghề nghiệp giáo viên xếp cho bản thân mình.

Muốn được xã hội xếp hạng cao, không gì hơn, mỗi giáo viên cố gắng vượt qua khó khăn, vì học sinh thân yêu, gieo tri thức và yêu thương cho mỗi học trò.

Mỗi giáo viên cần giúp học trò phát hiện, phát huy phẩm chất và năng lực, biết yêu thương và sẻ chia, trở thành người có ích cho cộng đồng và gia đình.

Bất cứ một văn bản chính sách nào, nếu gắn với thực tế, gắn với cuộc sống của người lao động, hài hòa lợi ích, văn bản đó mới có giá trị thực tế, kích thích xã hội phát triển.

Vì thế, các Cục, Vụ trong Bộ Giáo dục và Đào tạo khi tham mưu với Bộ trưởng cần bám sát thực tế cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà có “Đọc “Dự thảo” đoán “Chuyên viên”, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thêm chuyên gia về pháp luật cũng như chuyên gia ngôn ngữ?[4]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vtv.vn/chinh-tri/bo-noi-vu-de-xuat-bo-hang-loat-chung-chi-boi-duong-voi-cong-chuc-vien-chuc-2021060115233347.htm

[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-gd-dt-dong-y-giam-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-voi-giao-vien-742051.html

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-16-2017-TT-BGDDT-khung-vi-tri-viec-lam-so-luong-nguoi-lam-co-so-giao-duc-pho-thong-355050.aspx

[4] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/doc-du-thao-doan-chuyen-vien-2-post218219.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến