Nên dừng thực hiện chuyển xếp lương nhà giáo theo chùm thông tư mới

16/08/2021 07:25
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong hoàn cảnh thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải sửa đổi các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021-BGDĐT là hợp lý.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành loạt Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông công lập, giáo giới rất vui mừng khi “giấy phép con” chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã bị “khai tử”.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, giáo viên lại thêm một phen “bối rối” sau khi tham chiếu thực tiễn cuộc sống với Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh vấn đề này: “Bùng nhùng chia hạng, xếp lương giáo viên mong Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo”; “Tôi thấy xếp hạng giáo viên dựa vào hồ sơ, chẳng căn cứ vào năng lực hiệu quả”;

“Lương, phụ cấp, thăng hạng chức danh nhà giáo và chuyện vòng vo chính sách”;

Không được giao nhiệm vụ hạng II phải xuống hạng, giáo viên cầu cứu Bộ Giáo dục”; “Nhiều thầy cô hạng II phải xuống hạng III trong ấm ức vì thiếu "nhiệm vụ"”; “Mong muốn nhất của giáo viên nếu Bộ sửa thông tư xếp hạng là bỏ xếp hạng”.

(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: khaitriag.edu.vn)

(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: khaitriag.edu.vn)

Nên dừng thực hiện Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT?

“Giấy phép con” chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã bị “khai tử” trong Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, vẫn còn đó “chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên” hàng ngày, hàng giờ đè nặng tâm tư thầy cô giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản số 1242/BGDĐT-NGCB, ngày 31/3/2021 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức ngành Giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ đã đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Trong các loại chứng chỉ Bộ Nội vụ đã đề xuất giảm có 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. [1]

Như vậy, chắc chắn thời gian tới Chính phủ sẽ có quyết định bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Đồng nghĩa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải sửa đổi loạt Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Mặt khác, các thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ.

Các thông tư mới này được ban hành cách thông tư 02/2007/TT-BNV những 14 năm với biết bao thay đổi từ thực tiễn đời sống cho đến cơ chế chính sách, nên sẽ có độ vênh với rất nhiều bất cập, thế nên mới có phản ánh "Hên xui" chuyện xếp lương nhà giáo theo các thông tư mới.

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nếu thực hiện Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT từ 01/3/2021 thì chỉ có giá trị thực tiễn trong thời gian ngắn, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, tác động tích cực cho xã hội; thêm việc cho các cơ sở giáo dục.

Lo ngại hơn, thực hiện Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, tâm tư của thầy cô giáo; thầy cô không hạnh phúc, làm sao có: lớp học hạnh phúc? Trường học hạnh phúc? Học sinh hạnh phúc?

Trong thực tế, nhiều địa phương chưa thực hiện Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức.

Việc dừng thực hiện Luật, Thông tư ban hành phù hợp với thực tế, thực tiễn cuộc sống đã được Đảng và Chính phủ áp dụng trong thời gian qua:

Phụ cấp thâm niên của nhà giáo vẫn tiếp tục được thực hiện cho đến khi thực hiện lương mới; dù trước đó Luật Giáo dục 2019 đã không có Phụ cấp thâm niên trong cơ cấu lương giáo viên từ ngày 01/7/2020.

Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương ghi rõ: Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.[2]

Thế nhưng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị đã được thay đổi sang năm 2022, thực hiện từ 01/7/2022.[3]

Vì thế, dừng thực hiện Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành; thời gian tới Chính phủ sẽ có quyết định bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải sửa đổi Thông tư 01, 02, 03, 04/2021-BGDĐT, là phù hợp thực tế, thực tiễn.

Dừng thực hiện Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT cũng là dịp Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, lắng nghe ý kiến dư luận xã hội, điều chỉnh để văn bản phát hành có giá trị, phù hợp thực tế, thực tiễn, nâng cao chất lượng giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-thong-nhat-viec-giam-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-voi-giao-vien-915864.ldo

[2]https://vksndtc.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/toan-van-nghi-quyet-so-27-nqtw-ve-cai-cach-chinh-s-d8-t1372.html?Page=5#new-related

[3] https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/35870/thuc-hien-che-do-tien-luong-moi-tu-01-7-2022-thu-tuong-yeu-cau-chuan-bi-nguon-luc

- Các thông tư: 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT.

- Luật Giáo dục 2019

- Nghị định 77/2021/NĐ-CP

Sơn Quang Huyến