"Nhờ" Covid sinh viên được học thầy giỏi nhất, giảng viên giỏi thu nhập tốt hơn

12/09/2021 07:07
Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Tứ Thành
GDVN- Vì dịch Covid, tất cả đều chuyển sang học online, tình thế thay đổi, các sinh viên kém và giỏi đều có điều kiện được nghe các thầy giỏi nhất dạy.

Covid-19 là tai họa của nhân loại. Tuy nhiên trong khi chưa tiêu diệt hết Covid, đang phải “sống chung”, chúng ra cần tìm cách hóa giải nó. Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày một vài giải pháp “tương kế tựu kế” tạo nên những điểm sáng trong giáo dục đại học thời Covid để đồng nghiệp cùng sinh viên cả nước tham khảo.

1. Nhờ Covid, các sinh viên được học với thầy giỏi nhất

Lấy ví dụ ngành công nghệ thông tin, số sinh viên đông nhất cả nước, được nhiều trường đại học đào tạo… Điểm sàn đầu vào từ thấp nhất: 13 điểm đến cao nhất gần tuyệt đối: 29,04 điểm [1]. Đại học lấy điểm sàn thấp có đội ngũ giảng viên loại “thường thường bậc trung”, Đại học điểm sàn 29.04 có đội ngũ giảng viên trình độ đẳng cấp, siêu hạng.

Công nghệ thông tin là ngành khó, đòi hỏi cả thầy và trò phải có chỉ số IQ nhất định mới tiếp thu được kiến thức để hành nghề khi tốt nghiệp.

Do vậy dẫn đến thực trạng sinh viên giỏi được học với giảng viên giỏi lại càng giỏi, sinh viên kém phải học với giảng viên kém lại càng kém.

Nhờ Covid, tất cả đều chuyển sang học online, tình thế thay đổi, các sinh viên kém và giỏi đều có điều kiện được nghe các thầy giỏi nhất dạy. Sinh viên vùng sâu vùng xa và sinh viên ở trung tâm Hà Nội bình đẳng về tiếp cận tri thức.

Từ khi thành lập nước đến nay, Đảng và nhà nước rất quan tâm đến ngành giáo dục, luôn đồng hành cùng ngành giáo dục phấn đấu để “ai cũng được học hành”.

Giờ đây nhờ Covid, sinh viên nào cũng có điều kiện cũng được học với những thầy giỏi nhất! Không có Covid, sinh viên nằm mơ cũng không nghĩ đến.

2. Nhờ Covid, các giảng viên giỏi có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn

Mức lương của phi công, diễn viên, người mẫu, ca sĩ nổi tiếng… từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng một tháng, trong khi lương giảng viên đại học rất hiếm ai vượt 100 triệu đồng.

Covid ập đến, không còn “đất diễn”, phải ở nhà tránh dịch không có nguồn thu, có diễn viên nổi tiếng một thời nay nằm trong danh sách nhận hỗ trợ khó khăn [2], nhưng lương giảng viên đại học vẫn ổn định nhờ dạy online.

Dịch Covid-19 khiến các trường đại học chuyển sang dạy trực tuyến. (Ảnh: AP).

Dịch Covid-19 khiến các trường đại học chuyển sang dạy trực tuyến. (Ảnh: AP).

Do Covid, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới sinh viên nhiều trường đại học cũng chuyển sang phương thức học online.

Nhờ công nghệ OTT (Over-The-Top, dịch vụ gia tăng trên nền internet) phủ sóng toàn cầu, chỉ cần livestream bài giảng của một giáo sư Việt Nam uyên bác và đưa lên internet, tất cả sinh viên trên toàn thế giới có thể nghe và tương tác với bài giảng của giáo sư Việt Nam.

Sinh viên trên thế giới muốn tham gia vào lớp học chỉ nộp 1 USD, và nếu có 1 triệu sinh viên trên thế giới bấm nút tham dự, giáo sư đó sẽ thu được 1 triệu USD.

Điều này không phải giấc mơ mà đã thành hiện thực ở thời Covid khi kinh doanh giáo dục. [3]

3. Nhờ Covid, chất lượng tuyển sinh đầu vào đại học, sau đại học tăng lên và cơ hội phát triển Uber giáo dục

Mỗi năm có hàng trăm nghìn học sinh Việt Nam đi du học đại học, trong đó 90% là du học tự túc, tạo nên một lượng lớn ngoại tệ bị chuyển ra nước ngoài.

Các năm 2020-2021 do dịch bệnh Covid, nhiều lưu học sinh Việt Nam đã hoàn tất thủ tục nhập học nhưng chưa kịp ra nước ngoài, ở lại Việt Nam học online với các thầy bên trời tây.

Du học hay đại học trong nước cũng học online nên nhiều học sinh từ bỏ ý định du học, chọn cách sống an toàn ở gần gia đình, quay sang nộp hồ sơ vào các trường đại học trong nước.

Nhờ đó mà số lượng thí sinh đầu vào một số trường đại học tăng lên, điểm chuẩn đầu vào cũng tăng lên.

Tương tự, do Covid, một số du học thạc sĩ, tiến sĩ cũng từ bỏ kế hoạch, chuyển sang học thạc sĩ và nghiên cứu sinh trong nước.

Đặc biệt nhờ Covid mà Uber giáo dục có điều kiện phát triển, làm tăng cơ hội cho những người đam mê khoa học được học sau đại học và làm nghiên cứu sinh ở “nước ngoài”. Để giải thích cho công việc mới mẻ này, hãy xem hoạt động của Uber grab.

Uber grab - công ty taxi lớn nhất thế giới có trụ sở chính ở nước ngoài, không có xe taxi nào ở Việt Nam, người thuê xe và người lái xe đều là người Việt.

Tương tự Uber giáo dục đại học: trụ sở chính đặt ở nước ngoài, nhưng hợp tác với Giáo sư người Việt hướng dẫn chính nghiên cứu sinh người Việt theo chương trình đào tạo tiến sĩ của nước ngoài.

Và kết quả là vừa ở tại Việt Nam tránh dịch Covid vừa nghiên cứu do giáo sư người Việt hướng dẫn vẫn có thể nhận bằng Tiến sĩ đóng mác “Made in the USA”, “Made in France”, “Made in China”, “Made in the Finland”…

4. Nhờ Covid nhiều trường đại học không dựa vào cơ sở vật chất nhưng xuất sắc vượt qua “vũ môn” để thay đổi thứ hạng

Peter Drucker [4], nhà tư tưởng, nhà quản lý được kính trọng nhất của thế kỷ XX, năm 2000 đã nhận định: "Ba mươi năm nữa, các khuôn viên đại học sẽ chỉ còn là di tích. Chúng ta phải bắt đầu giảng bài cho các lớp học ở bên ngoài các trường đại học, qua vệ tinh và video hai chiều, với chi phí thấp nhất.”.

Tiên đoán của Peter đã “ám” vào các trường đại học truyền thống Việt Nam. Do covid, từ đầu năm đến nay, nhiều khuôn viên, giảng đường, ký túc xá của các đại học truyền thống Việt Nam đã ngừng hoạt động, chưa làm khu “di tích” nhưng đã làm khu cách ly đối tượng F0, F1 hay các bệnh viện dã chiến.

Còn các sinh viên của trường đang quen với học trực tiếp truyền thống với phấn trắng bảng đen, do không được hướng dẫn cách học online bài bản ở nhà học online nên chất lượng học tập ngày một kém, đã sang năm học mới, nhưng năm học cũ vẫn chưa kết thúc.

Trong khi đó, một số đại học Việt Nam theo tư tưởng của Peter Drucker đã chuyển sang phương châm: nghiên cứu các loại hình đào tạo mở, đào tạo từ xa… Cụ thể như mô hình đào tạo online của FUNiX thuộc tập đoàn FPT.

Thay vì đi mở rộng mặt bằng trụ sở, thiết kế khuôn viên trường đại học, xây dựng những giảng đường hiện đại… FUNiX đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng các bài giảng hướng dẫn dạy và học online một cách khoa học và chuyên nghiệp.

Sinh viên năm thứ nhất được hướng dẫn bài bản cách học online. Khi vào học chính thức luôn được hỗ trợ bởi mạng lưới hơn 4000 mentors đến từ doanh nghiệp.

Đặc biệt sinh viên được trải nghiệm bằng cách sử dụng nền tảng trực tuyến và các kết nối doanh nghiệp. Nhờ vậy, Covid không ảnh hưởng đến mọi hoạt động dạy và học. Các năm học 2019-2020, năm học 2020-2021, FUNiX đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo. Tuyển sinh năm học mới 2021 đã có nhiều khởi sắc, điểm chuẩn của FUNiX được nâng lên kèm theo thứ hạng của FUNiX cũng được thay đổi.

5. Covid tạo điều kiện cho các đề tài khoa học và đề tài luận án tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo được nhanh chóng hoàn thiện đưa vào ứng dụng [3], [5], [6]

Khi chưa Covid, đề tài về công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…dạy học online.. ít được quan tâm. Vì nhiều nhà quản lý không nhận thức đúng, cho là chưa thiết thực, chưa cấp bách, phù phiếm…

Do Covid, bắt buộc phải dạy và học online nên 100% các bài giảng đã được số hóa đưa lên mạng. Chỉ khi các bài giảng được số hóa mới tạo điều kiện triển khai nghiên cứu ứng dụng AI trong dạy học.

Trước khi tìm hiểu giá trị ứng dụng của AI trong giáo dục, chúng ta làm quen 2 “từ khóa” mới : Giảng viên thật và giảng viên ảo.

Giảng viên thật là người (bằng xương bằng thịt) đi dạy. Giảng viên ảo (không phải là người) là bản sao của giảng viên thật. Do Covid, giảng viên thật không được tiếp xúc trực tiếp với sinh viên, giảng viên thật hay giảng viên ảo đều giao tiếp, tương tác với sinh viên trên nền tảng số qua phương tiện số.

Những giảng viên thật có trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm tốt, thông qua AI chatbot sẽ dạy giảng viên ảo những kiến thức để giảng viên ảo truyền đạt kiến thức đó đến với sinh viên.

Mức độ "thông minh", "trình độ", "khả năng sư phạm" … của giảng viên ảo phụ thuộc vào trình độ và cách dạy của giảng viên thật đối với giảng viên ảo. Theo thời gian nhờ giảng viên thật, giảng viên ảo ngày một thông minh.

Nghiên cứu này xuất phát từ ý tưởng trong truyền thuyết, Tôn Ngộ Không có 72 phép biến hoá, trong đó có phép “phân thân” tạo ra nhiều Tôn Ngộ Không.

Tại cùng một thời điểm, trên lớp học truyền thống (face to face) hay lớp học online, rất nhiều sinh viên cùng lắng nghe bài giảng của một giảng viên thật. Nhưng khi tương tác với sinh viên, tại một thời điểm, một giảng viên thật chỉ có thể trao đổi tương tác giải đáp thắc mắc cho một sinh viên, gọi là tương tác theo ánh xạ 1-1.

Trong khi đó giảng viên ảo có thể "phân thân” như Tôn Ngộ Không thành N giảng viên ảo để tương tác trả lời các câu hỏi của N sinh viên tại cùng một thời điểm

Kết quả nghiên cứu trên đã đưa ra kết luận quan trọng trong giáo dục: “Nếu trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là nền tảng cơ bản tạo nên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì AI Chatbot là nền tảng đổi mới giáo dục. Nhờ AI Chatbot, giáo dục đại học 4.0 sẽ hướng tới mỗi sinh viên một chương trình, giáo dục cho một người (Education of One)”.

Kết luận

Covid là tai họa của nhân loại, gây biết bao hệ lụy, nhưng để sống chung với Covid chúng ta cần biết sử dụng Covid như là chất xúc tác đẩy nhanh chuyển đổi số, để thay đổi cái cũ áp dụng cái mới tương thích phù hợp.

Bài viết trên chỉ là cảm nhận cũng như hiểu biết của tác giả về những điểm sáng đang hiện hữu thời Covid.

Hy vọng qua bài viết này, các đồng nghiệp trên cả nước tiếp tục bổ sung thêm những điểm sáng mới để lan truyền trong cộng đồng, đóng góp thêm tri thức trong giáo dục đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/tag/pgs-ts-nguyen-phong-dien-1409745

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/thanh-huong-hong-dang-duoc-ho-tro-3-7-trieu-la-chua-dung-doi-tuong-771995.html

[3] Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay đổi vai trò giảng viên thật | Báo Dân trí (dantri.com.vn)

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Peter_Drucker

[5]. https://feed.hust.edu.vn/danh-sach-ncs

[6] Ngô Tứ Thành, Đinh Thị Mỹ Hạnh, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo đổi mới phương pháp dạy học . Tạp chí thiết bị giáo dục, Số 209 kỳ 2, 1-2020, Vol 4, ISSN 1859-0810.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Tứ Thành