Dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ, "phản biện kín" mà không kín

21/11/2020 08:02
Ngô Tứ Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu Bộ Giáo dục thời nay vẫn muốn duy trì quy trình phản biện kín thì cần một lời giải thích nghiêm túc.

LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Tứ Thành về Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến rộng rãi. Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Do trong bản Dự thảo Thông tư Quy định quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến, ở chương 11 (trang 7) vẫn duy trì phản biện độc lập (kín), tôi xin kể 2 câu chuyện liên quan.

Ngày 9/10/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm góp ý cho dự thảo đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, ảnh minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

Ngày 9/10/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm góp ý cho dự thảo đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, ảnh minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại.

Chuyện cách đây 30 năm (1990)

Khi đó tôi còn rất trẻ, đang làm nghiên cứu sinh ở Đại học Bách khoa Hà Nội, có mẹ là chuyên viên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nên may mắn, gặp gỡ, trao đổi, thưa chuyện với các bác các chú lãnh đạo cơ quan mẹ tôi.

Một lần trong khi tranh luận vui vẻ thân tình đề tài: “phản biện kín có kín không ?”, ông Vụ trưởng vụ Quản lý Sau đại học - Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đưa tôi quyển Luận án đã xóa tên nghiên cứu sinh và nói:

- Chú đố cháu tìm được tên nghiên cứu sinh của luận án này.

Tôi lật trang cuối luận án, ghi lại tên một tạp chí mà nghiên cứu sinh có bài báo (nhưng đã xóa tên nghiên cứu sinh) và nói:

- Cháu xin giả lại quyển luận án, cháu sẽ đưa chú thông tin tác giả quyển luận án này.

Tôi ra khỏi văn phòng Bộ, đến thẳng thư viện Đại học Bách khoa Hà Nội, mượn tạp chí có tên bài của nghiên cứu sinh, tra tìm mục lục và lần ra tên nghiên cứu sinh. Một tiếng sau, tôi quay lại gặp ông Vụ trưởng:

- Vâng thưa chú, đây là tên nghiên cứu sinh của quyển luận án đó.

Sau khi nghe tôi giải thích cách truy tìm tên nghiên cứu sinh dễ như đưa tay vào túi lấy khăn lau mặt, ông Vụ trưởng phân trần:

- Đúng là có thể tìm được tên nghiên cứu sinh, nhưng không phải ai cũng biết cách làm đó nên vẫn KÍN!!!???.

Chuyện năm 2020, sau 30 năm

Cách đây 6 tháng, tôi nhận được điện thoại của một cơ sở đào tạo Tiến sĩ :

- Thầy có thể nhận phản biện kín luận án Tiến sĩ đề tài ":...........................". ?

Giống như tiết mục vui chơi có thưởng của thiếu nhi trên truyền hình VTV “nghe nhạc đoán chương trình”, nghe xong tên đề tài, tôi hỏi lại ngay:

- Đề tài đó có phải là Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Tiến D không?

Người quản lý cơ sở đào tạo đó quá ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao Thầy biết tên nghiên cứu sinh là Nguyễn Tiến D?. ………Rất tiếc là do Thầy biết tên nghiên cứu sinh nên theo nguyên tắc không thể đưa Thầy phản biện kín được.

Mới đây, khi nộp tập hồ sơ Phản biện KÍN của nghiên cứu sinh (do tôi hướng dẫn) cho chuyên viên của Trường. Trong tập hồ sơ đó có một bài báo chưa xóa hết tên nghiên cứu sinh, chỉ còn một nét chữ. Vị chuyên viên này yêu cầu làm lại, phải xóa hết nét chữ đó.... để đảm bảo người phản biện KÍN không thể tìm được tên nghiên cứu sinh !!!???. Sau khi nhận lại quyển luận án đã xóa “triệt để” tên nghiên cứu sinh, vị chuyên viên này phân trần:

- Thầy thông cảm, nếu không làm thế, Bộ giáo dục thẩm định hồ sơ, phát hiện còn dấu vết tên nghiên cứu sinh trên luận án, em sẽ bị KỶ LUẬT?

Bó tay.com. Thời cách mạng Công nghiệp 4.0 rồi mà sao có người “mẫn cán” đến ngô nghê!. Bộ Giáo dục có rất nhiều việc phải làm, sao lại mất thời gian đi thẩm định kiểm tra khôi hài như vậy?

Mà cũng không cần phải tôi, thời bây giờ, một nông dân lớp 1 biết sử dụng điện thoại, khi đưa bài báo xóa tên tác giả, nông dân đó cũng tìm được tên người viết.

Nếu Bộ Giáo dục thời nay vẫn muốn duy trì quy trình phản biện KÍN thì cần một lời giải thích nghiêm túc.

Ngô Tứ Thành