Các đại học hoàn toàn có thể sống chung với Covid và phát triển, bằng cách này

06/09/2021 07:24
Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Tứ Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Covid-19 gây tai họa cho toàn cầu, nhưng chính nó là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để nhanh chóng hình thành Đại học số nhằm vô hiệu hóa Covid.

Sáng 29/8 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một phát biểu đáng lưu ý:

"Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.".

Vậy xét ở tầm vĩ mô, giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng đã có giải pháp gì để “sống chung” lâu dài với Covid như chỉ đạo của Thủ tướng?

Dưới góc nhìn của người trong cuộc, tôi xin đóng góp ý kiến về một giải pháp khoa học sống chung lâu dài với Covid ở môi trường đại học.

1. Thực trạng giáo dục đại học Việt Nam thời Covid

Từ tháng 3 năm 2020 đến nay, giáo dục đại học Việt Nam đứng trước hai nghịch cảnh trái ngược nhau: trong khi các giảng đường, các thư viện, các khuôn viên trường học, các phòng thí nghiệm trọng điểm… phải “cửa đóng then cài” không một bóng người… thì các giảng viên ở nhà như lên cơn sốt, làm việc ngày đêm, trước áp lực phải chuyển đổi từ dạy học truyền thống sang dạy học online.

Hết hè, đã bắt đầu khai giảng năm học mới nhưng năm học cũ vẫn chưa kết thúc. Sinh viên vẫn chưa được thực hành thí nghiệm ngày nào, các môn lý thuyết được học online nhưng vẫn chưa được thi cuối kỳ vì phải chờ đợi hết Covid.

Công nghệ giáo dục mà nền tảng dựa trên Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, dạy và học online… đã được hình thành và diễn ra trước khi có Covid, nhưng các cơ sở giáo dục Đại học trên toàn quốc chưa mặn mà áp dụng ở diện rộng.

Chỉ khi Covid bất ngờ ập đến, dạy học online mới thật sự lên ngôi, là cứu cánh cho giáo dục Đại học tồn tại, lúc này các nhà quản lý và các thầy cô mới bừng tỉnh tìm hiểu online.

Nhưng do chưa được chuẩn bị, phần đông trở nên lúng túng không biết sử dụng công nghệ số cũng như không kịp chuyển đổi nhận thức khi áp dụng phương pháp dạy học mới.

Thay vì phải theo tư duy 4.0 “công nghệ nào phương pháp dạy học đó” thì nhiều nơi vẫn theo tư duy: “Công nghệ số thủy chung cùng phương pháp dạy học truyền thống”. Tương tự như phi công không được đào tạo khi lên máy bay lại bê nguyên si cách lái ô tô để điều khiển máy bay nên xảy ra nhiều chuyện “dở khóc dở cười”.

Để xác định danh tính người học ở lớp học online, mỗi sinh viên có một account cùng password riêng, khi sinh viên vào account thì hệ thống phát tín hiệu đã vào lớp học.

Do không biết mặt sinh viên ngoài đời tròn méo thế nào nên nhiều giảng viên muốn cầu toàn bổ sung thêm quy trình điểm danh độc đáo: mỗi buổi học, giảng viên gọi tên từng sinh viên và yêu cầu chụp ảnh cùng thẻ sinh viên rồi gửi vào mạng để kiểm tra xác thực.

Tuy nhiên khi điểm danh xong, sinh viên tắt mic bỏ đi làm việc riêng để người khác ngồi vào thay thế thì giảng viên qua camera không thể biết được.

Dạy học online nhưng đa số các thầy cô không được đào tạo phương pháp dạy học online nên vẫn độc giảng một chiều truyền thống.

Trong khi mọi kiến thức đều có sẵn trên mạng nhưng thầy cô vẫn cứ đọc lại thao thao bất tuyệt đến hết giờ, còn trò tắt camera nằm ngủ…

Nhiều sinh viên sống trong khu cách ly không có việc gì làm suốt ngày nghe giảng online nhiều đến nỗi căng thẳng tâm lý.

Vậy đâu là giải pháp giúp đại học Việt Nam sống chung với Covid? Giải pháp đó là áp dụng công nghệ giáo dục sẽ được trình bày dưới đây.

2. Một số khái niệm cơ bản trong công nghệ giáo dục

Công nghệ giáo dục là sự giao thoa giữa bước phát triển bậc cao của công nghệ số với khoa học giáo dục.

Đại học truyền thống phát triển tuần tự từ thấp đến cao, như phương tiện giao thông phát triển tuần tự từ xe đạp, xe máy, ô tô rồi mới đến máy bay chuyên cơ.

Đại học trong Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên công nghệ số sẽ tạo ra bước nhảy vọt đột phá, có thể từ đi xe đạp tiến đến máy bay mà không qua các bước phát triển trung gian của Đại học truyền thống đế tiến lên Đại học số.

Nội hàm của Đại học số phụ thuộc vào bước phát triển của công nghệ số.

Mối quan hệ giữa công nghệ giáo dục và Đại học số được so sánh như mối quan hệ biện chứng giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất.

(Ảnh minh hoạ, nguồn: Trường Đại học Mở Hà Nội)

(Ảnh minh hoạ, nguồn: Trường Đại học Mở Hà Nội)

Công nghệ giáo dục mới phải phù hợp và phát triển tương thích Đại học số mới tạo điều kiện cho Đại học số phát triển.

Trong Đại học truyền thống, thầy giáo dạy sinh viên những kiến thức có trong sách giáo khoa theo chương trình đào tạo đã định sẵn.

Đại học số, sinh viên chủ yếu học trên mạng theo hình thức online, nội dung có thể không phải là các kiến thức đã có trong sách giáo khoa bằng giấy.

Và vì thế, đại học số huy động được nhiều giảng viên ở các nguồn khác nhau tham gia vào giảng dạy.

Muốn có Đại học số, phải có giảng viên số. Mục tiêu của chuyển đổi số trong Đại học số là nhằm giảm tải cho giảng viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giảng viên.

Ngoài kiến thức chuyên môn, đào tạo giảng viên số là đào tạo họ sử dụng các công nghệ số, là phương pháp giảng dạy phù hợp với công nghệ số theo phương châm mới, tư duy mới là “công nghệ nào thì phương pháp đó” - không thể chấp nhận để ông tài xế lái ô tô đưa lên lái máy bay không qua đào tạo phi công.

Toàn bộ các khâu từ xây dựng chương trình đào tạo, giảm tải cho giảng viên… thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số… đến hình thành phương pháp giảng dạy mới để đào tạo giảng viên số… chính là nhiệm vụ của Công nghệ giáo dục.

Công nghệ giáo dục luôn gắn liền với công nghệ số và AI (trí tuệ nhân tạo) có 2 đặc điểm quan trọng:

- Thứ nhất, khác các thiết bị điện tử phần cứng: càng dùng nhiều càng bị hao mòn, càng dùng càng chóng hỏng… thì đối với công nghệ số được nhúng AI: càng sử dụng nó càng hoàn thiện, càng thông minh, càng có giá trị và giá thành ngày một tăng như “nồi cơm Thạch Sanh” trong chuyện cổ tích Việt Nam.

- Thứ hai, muốn giảm giá thành sử dụng thì phải kết nối để dùng chung như: nền tảng số dùng chung, "Uber giáo dục", điện toán đám mây giáo dục, trợ lý ảo, thầy giáo ảo…

Ví dụ 100 trường đại học kỹ thuật tương đồng về công nghệ, chuẩn đầu ra, nếu tự phát sẽ phải mua 100 phần mềm công nghệ dạy học online khác nhau, vừa tốn kém vừa không kết nối để dùng chung kho dữ liệu.

Nếu dùng chung công nghệ không chỉ giảm giá thành mà các trường còn khai thác được tổng thể thế mạnh của từng trường liên kết vì mục đích phục vụ người học được tối ưu nhất.

Luận án Tiến sĩ trong Đại học số sẽ khác luận án Tiến sĩ trong Đại học truyền thống. Luận án Tiến sĩ trong Đại học truyền thống là: Nghiên cứu sinh được học theo một chương trình đào tạo chuyên ngành nào đó để có kiến thức chuyên sâu, sau đó sử dụng các kiến thức đó làm một bài tập lớn báo cáo trước hội đồng. Sản phẩm của luận án phải theo một ngành nhất định như tư duy: trồng cây chuối chỉ sinh ra quả chuối, không thể sinh ra quả táo.

Luận án Tiến sĩ trong Đại học số thực chất là Làm Tiến sĩ, sản phẩm luận án là liên ngành xuyên ngành, phải có đóng góp mới về mặt lý luận và thực tiễn cho nhân loại chứ không phải cho một ngành cụ thể.

Ví dụ như điện thoại thông minh là sản phẩm liên ngành: điện tử, viễn thông, điều khiển tự động, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, xử lý ảnh, xử lý âm thanh… và cả công nghệ nano, vật liệu làm nên chiếc điện thoại. Một ngành riêng biệt không thể tạo nên chiếc điện thoại thông minh như ngày nay.

Nhưng nhiều nhà quản lý, lãnh đạo lại sợ sản phẩm của luận án lấn sân các ngành khác, làm trật đường ray mã ngành đào tạo của Bộ đã quy định. Suy nghĩ như vậy thì không thể chuyển đổi số, cũng không thể lên Đại học số và không thể có công nghệ giáo dục số.

3. Giải pháp để các trường đại học sống chung với Covid

Đại học số đầu tư xây dựng các nền tảng số để ít nhất 70% nội dung giảng dạy được để trên nền tảng số online, giảng viên sẽ tập trung vào tạo giá trị tăng thêm trên nền tảng này, giảng viên đứng trên nền tảng số để giảng dạy.

Hình ảnh người thầy trong bài hát “khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi” có thể sẽ không còn tồn tại trong Đại học số.

Khi đó dù có Covid thì phần lớn công tác giảng dạy đều trên nền tảng số, số giờ giảng trực tiếp truyền thống vẫn có thể được thực hiện trên nền tảng số với kích thước hình ảnh thầy trò là 1-1.

Nền tảng số phải luôn trạng thái mở (Open) để liên tục được cập nhật, tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung kiến thức mà còn cả cách thức giảng dạy, cách thức thi kiểm tra.

Chuyển đổi số trong Đại học số thì việc đầu tiên là chuyển đổi toàn bộ cơ sở vật chất cùng hoạt động của Trường thành một “quốc gia số” thu nhỏ.

Toàn bộ hoạt động của giảng viên, của sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi một giảng viên, sinh viên trong Trường sẽ có một định danh số với đầy đủ các dữ liệu như: ảnh, dấu sinh trắc học, dấu vân tay, nhóm máu, các mẫu ADN…

Khi tổ chức thi online, hệ thống nhận dạng tự động đối sách các vân tay, khuôn mặt, account của sinh viên dự thi với cơ sở dữ liệu có trong hệ thống và nhanh chóng xác định có đúng sinh viên được vào thi hay không.

Hệ thống này giúp giảm tải phần lớn thủ tục hành chính phiền hà khi sinh viên vào thi. Rõ ràng với công nghệ này, giáo dục Đại học hoàn toàn chủ động bảo đảm công bằng cho sinh viên thi online trước đại dịch Covid.

Cần tránh nhận thức sai lầm hiện nay của một số người: chỉ triển khai dạy học online khi có Covid! Thực tế khi không có Covid, dạy học online vẫn là trụ cột trong công nghệ giáo dục.

Cách mạng công nghiệp 4.0 làm nhiều nghề truyền thống phải thay đổi để tạo ra nhiều nghề mới, yêu cầu kỹ năng mới. Và vì vậy, việc học nghề mới, học kỹ năng mới là nhu cầu rất lớn của xã hội.

Để đáp ứng nhanh, cả về nội dung và người dạy, thì không gì bằng các khóa học trực tuyến MOOC (Massive Open Online Course) cho phép cá nhân hoá nhiều đối tượng người học và mở rộng ra toàn xã hội.

Mỗi một nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số. Và nếu nhìn theo góc nhìn này, thì Đại học số sẽ như một công ty công nghệ, phát triển công nghệ và nội dung để dạy học.

Công nghệ giáo dục sẽ xây dựng một quy trình công nghệ để đưa tri thức dạy học của mình lên các nền tảng số.

Đại học số luôn gắn liền với các doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn luôn tồn tại các cơ sở đào tạo cùng trang thiết bị thực hành hiện đại nhưng không dùng hết công suất. Nhưng cái họ thiếu chính là công nghệ giáo dục thực thi: nghề dạy học số.

Bởi vậy, bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp, hỗ trợ họ nghề dạy, thì Đại học số sẽ có tận dụng được nhiều cơ sở vật chất mà không phải đầu tư.

Không những thế, những cơ sở vật chất ở các doanh nghiệp lớn lại được đổi mới thường xuyên, luôn bắt kịp công nghệ mới.

Đại học mở là đại học chia sẻ nguồn lực với doanh nghiệp. Sinh viên Đại học số không nhất thiết phải làm thí nghiệm hay thực hành ở cơ sở đào tạo Đại học mà có thể tiến hành ở các doanh nghiệp liên quan.

Khi đó dù có Covid, các doanh nghiệp đang hoạt động vẫn có thể tiếp đón sinh viên đến làm việc.

Kết luận

Đại dịch Covid-19 gây tai họa cho toàn cầu, nhưng chính nó là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để nhanh chóng hình thành Đại học số nhằm vô hiệu hóa tác hại của Covid.

Công nghệ giáo dục sẽ hình thành và phát triển song hành cùng Đại học số, nó có nhiệm vụ đào tạo giảng viên, giúp giảng viên vận hành hệ thống số phục vụ cho việc dạy học online được tối ưu nhất trước đại dịch Covid

Công nghệ giáo dục cũng góp sức xây dựng cơ sở lý luận hình thành giảng viên ảo để thay thế một phần công việc nhàm chán lặp đi lặp lại của giảng viên thật như: điểm danh, coi thi, chấm bài, trả lời thắc mắc của sinh viên…

Nhờ sự trợ giúp của công nghệ AI và giảng viên ảo, phương pháp giảng dạy trong Đại học số sẽ thay đổi hoàn toàn. Lý luận & Phương pháp giảng dạy mới không xây dựng trên nền tảng lý luận dạy học hàn lâm cũ mà dựa trên tốc độ phát triển công nghệ AI theo hướng cá nhân hóa đến từng sinh viên.

Đây là hướng nghiên cứu mới đầy triển vọng của công nghệ giáo dục trước đại dịch Covid.

(*)“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Tứ Thành