Không phải ai mua giáo án cũng xấu, nhiều thày cô chịu học hỏi đã dạy tốt lên

13/09/2021 06:37
BÙI NAM
GDVN- Việc trao đổi, chia sẻ, mua bán giáo án, tư liệu phục vụ giảng dạy mang lại nhiều điều tích cực hơn tiêu cực, nhờ vậy mà nhiều giáo viên dạy tốt hơn.

Gần đây loạt bài viết về vấn đề mua, bán, trao đổi, chia sẻ,… giáo án hay các tư liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học,…của các nhà giáo đang đứng lớp viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc cả nước, bình luận và nhận được nhiều ý kiến trái chiều có cả đồng tình lẫn phản đối, khen lẫn chê.

Gần đây nhất là các bài viết “Nhiều thầy cô mua giáo án vì lười, không hẳn vì Công văn 5512” của tác giả Duyên Hà; bài viết “Bán 10 ngàn bộ giáo án 5512 cho giáo viên thu về 8 tỷ đồng, chuyện thật hay đùa?” của tác giả Nguyễn Mạnh Cường,… cũng nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc.

Các bài viết phản ánh việc giáo viên ngại soạn giáo án, ngại soạn tư liệu cũng như phản ánh áp lực công việc, hồ sơ sổ sách quá nhiều,… nên để phục vụ giảng dạy nên chợ mua, bán giáo án mới có cơ hội để hoạt động rầm rộ.

Dưới quan điểm của người viết, việc trao đổi, chia sẻ, mua bán giáo án, tư liệu phục vụ giảng dạy mang lại nhiều điều tích cực hơn tiêu cực, nhờ những giáo án, tư liệu trên mà nhiều giáo viên dạy tốt hơn, giỏi hơn, giúp học sinh học tốt hơn.

Nói giáo viên lười không tự soạn giáo án mà mua trên mạng để sử dụng tôi cho rằng chưa đúng bản chất sự việc.

Nếu những giáo án, tư liệu giảng dạy được những người có thể trong và ngoài ngành kỳ công, nghiên cứu, sáng tạo,… để phục vụ việc giảng dạy học sinh đạt hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng là việc đáng hoan nghênh, khuyến khích, nên họ chia sẻ, trao đổi và thu về một khoản kinh phí là điều hợp lý.

(Ảnh minh họa: VnDoc.com)

(Ảnh minh họa: VnDoc.com)

Nhờ những giáo án, tư liệu hay,… trao đổi mà nhiều giáo viên trở nên giỏi hơn

Khi ra trường hầu như không có bất kỳ giáo viên mới nào có thể trở thành giáo viên giỏi ngay lập tức mà phải trải qua quá trình học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện năng lực, phẩm chất đạo đức, dự giờ, giảng dạy cho giáo viên khác góp ý,…

Sau đó phải nghiên cứu, tham khảo tiến trình dạy học (giáo án), tài liệu dạy học của giáo viên khác, nghiên cứu tìm tòi kiến thức chuyên môn, rồi tích lũy kinh nghiệm thông qua những tiết dạy của đồng nghiệp chung đơn vị, khác đơn vị trên ti vi, internet,… rồi phải rèn thêm bản lĩnh, kinh nghiệm truyền thụ kiến thức thì mới có thể trở thành giáo viên giỏi.

Như vậy, để cho thấy, bất kỳ giáo viên nào muốn trở thành giáo viên giỏi đều phải học hỏi kinh nghiệm hay nói đúng hơn là “xin” kinh nghiệm từ những người đi trước thậm chí mua của cộng đồng mạng, điều đó rõ ràng giúp giáo viên nâng cao tay nghề, kinh nghiệm dạy học, nâng cao bản lĩnh để dạy tốt, đạt hiệu quả cao.

Rõ ràng nhờ nhiều giáo án, tư liệu hay được trao đổi, được mua, bán,… giúp giáo viên dạy tốt hơn, học sinh hiểu bài hơn và vận dụng tốt hơn.

Hiện nay không phải giáo viên nào cũng có điều kiện để thực hiện các đồ dùng, tư liệu,... để giảng dạy hiệu quả. Nên để giảng dạy tốt hơn, nhiều giáo viên sẵn sàng bỏ tiền túi mua các phần mềm, các thí nghiệm ảo, tài liệu bồi dưỡng, giảng dạy,… để học sinh học tốt hơn là điều đáng hoan nghênh, khuyến khích.

Một giáo viên tự soạn giáo án nhưng dạy không hiệu quả và một giáo viên có thể bỏ tiền túi mua giáo án, tư liệu giảng dạy tham khảo để dạy tốt hơn thì học sinh học với giáo viên nào tốt hơn?

Do đó, theo người viết đừng quan tâm giáo viên sử dụng giáo án, tư liệu gì, ở đâu mà chỉ quan tâm hiệu quả, chất lượng ra sao thôi.

Giáo án theo công văn 5512 mỗi bài trên dưới cả chục trang, giáo viên dạy nhiều khối lớp khác nhau, việc tham khảo bài soạn hoàn chỉnh của các giáo viên khác làm tư liệu để giảng dạy không có gì đáng trách, không thể cho là giáo viên lười.

Thay vì ngồi soạn lại giáo án cả chục trang, tại sao lại không thể tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, rồi tập trung vào rèn luyện phương pháp, các bước lên lớp để giảng dạy hiệu quả.

Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu soạn bài, giảng dạy rất quan trọng

Giáo viên cũng giống như diễn viên trên sân khấu, giáo án là kịch bản, kịch bản có thể do bản thân mình thực hiện hoặc do đạo diễn (đồng nghiệp) soạn.

Giáo án tốt nhưng giáo viên không đầu tư phương pháp, tác phong sư phạm, bản lĩnh giảng dạy thì cũng không hiệu quả. Không phải cứ giáo án do giáo viên tự soạn là sẽ dạy tốt.

Giáo án có thể do giáo viên soạn hoặc phân chia các thành viên trong tổ soạn hoặc tham khảo từ các nguồn khác, kể cả mua bán thì không có gì xấu, không có gì phải lên án, cũng chưa chắc giáo viên lười.

Quan trọng là mình thực hiện dạy học như thế nào để mang lại hiệu quả, được học với giáo viên chịu khó nghiên cứu, tìm tòi và sử dụng công nghệ mới, tham khảo của người khác để mang lại hiệu quả thì là điều đáng khuyến khích, hoan nghênh.

Có thể tham khảo một giáo án khác, tuy nhiên sau khi qua họp tổ chuyên môn nghiên cứu, chỉnh sửa, đóng góp, dự giờ,… thì đương nhiên tiết dạy sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn.

Do đó, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu và triển khai bài dạy rất quan trọng, quyết định giáo viên có dạy tốt hay không, cũng rất được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm qua các công văn chỉ đạo, hướng dẫn.

Theo tôi nghĩ, không cần biết giáo viên sử dụng giáo án, tư liệu từ đâu, cách thức gì miễn sao dạy hiệu quả, học sinh thích và đạt chất lượng.

Do đó, cũng mong các cấp thanh tra bộ, sở, phòng chuyển dần từ thanh tra hồ sơ giáo viên sang thanh tra giáo viên dạy cái gì, học sinh học hiệu quả ra sao? Đây là quan trọng phải đổi mới về khảo thí theo hướng đánh giá kết quả đầu ra, kết quả học tập thật sự chứ không phải dựa vào chỉ tiêu, hồ sơ.

Tinh giản hồ sơ, loại bỏ các việc hình thức hướng đến nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, đổi mới khảo thí là những điều cần thay đổi và hướng đến trong giai đoạn hiện nay cũng là giải pháp góp phần để giáo viên không phải quá vất vả vì những giáo án dài hàng chục trang.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM