Nhiều thầy cô mua giáo án vì lười, không hẳn vì Công văn 5512

09/09/2021 06:57
Duyên Hà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vẫn còn một bộ phận giáo viên ngại soạn giáo án khi có thay đổi, đổi mới chương trình nên các chợ, siêu thị giáo án ra đời để đáp ứng việc bán-mua.

Đội ngũ giáo viên phổ thông thời gian qua đã không ngừng đổi mới, tiếp cận các phương pháp, kĩ thuật dạy học hiện đại để soạn giảng nhằm nâng cao chất lượng, đưa nền giáo dục nước nhà đi lên sánh kịp với các nước tiên tiến. Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận giáo viên ngại soạn giáo án khi có thay đổi, đổi mới chương trình nên các chợ, siêu thị giáo án ra đời để đáp ứng việc bán-mua.

Giáo viên mua… giáo án

Không phải bây giờ khi có công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với bậc trung học và công văn 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với bậc tiểu học đưa ra những gợi ý các bước soạn giáo án (Kế hoạch bài dạy) mà từ lâu chợ giáo án đã nhộn nhịp trên mạng xã hội.

Là giáo viên, tôi cũng như nhiều người tham gia vào các nhóm dành cho giáo viên trên Facebook, Zalo… và thấy đủ những gì giáo viên cần: Giáo án, sáng kiến, kế hoạch môn học, đáp án các mô đun học trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thậm chí tại một hội nghị dạy trực tuyến vừa mới được tổ chức với hàng ngàn cán bộ quản lý, giáo viên thì công ty nọ cũng tranh thủ “quảng cáo” bán giáo án.

Phần lớn các nhóm đó chủ yếu là rao bán những thứ giáo viên cần. Đúng là thượng vàng hạ cám, có đủ cả. Đồng nghiệp tôi gọi đó là siêu thị, chợ giáo án. Mà đã là chợ thì có bán mua, quy luật có cầu mới có cung.

Vô tình giáo viên đã tiếp tay cho nhiều người làm giàu. Năm học 2020 - 2021, sắp thực hiện chương trình lớp 1 là có ngay các giáo án của 5 bộ sách giáo khoa.

Năm học 2021-2022 chưa khai giảng đã có đầy đủ giáo án của lớp 2 theo công văn 2345, lớp 6 theo công văn 5512, rồi dịch bệnh Covid-19 chuyển sang dạy trực tuyến đáp ứng ngay yêu cầu giáo án trực tuyến.

Kiểu gì cũng có, chợ họp online 24/24. Giá bán của những bộ giáo án khoảng 1 triệu đồng/bộ quá rẻ nếu tính thời gian, công sức bỏ ra.

Thế nhưng, không phải giáo án nào cũng sử dụng được, cũng như quảng cáo. Một giáo viên Trung học cơ sở than thở: “Lên mạng mua giáo án họ đòi chuyển tiền trước mới nhận được email gửi giáo án. Chuyển xong vác cục tức vào người bởi giáo án cũ, không đúng 5512!”.

Và không chỉ trên mạng xã hội, ngay như ngoài các trang mạng xã hội, vào đầu năm học tôi và bạn bè dạy học lâu năm đều được đồng nghiệp tìm tới, điện thoại, nhắn tin xin giáo án.

Đồng nghiệp cửa miệng thường nói về tham khảo, chỉnh sửa nhưng có mấy ai làm như lời nói đâu.

Bạn bè nên cho giáo án nhau đâu có lấy tiền nhưng mua bằng một vài chầu cà phê hay chầu nhậu.

Ảnh minh họa: Laodong.vn

Ảnh minh họa: Laodong.vn

Người bạn là phó hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết: “Giáo viên giờ nhiều người sao chép giáo án quá! Công nghệ thông tin phát triển họ mua giáo án về thay tên đổi họ là xong. Có khi sai những lỗi chính tả ngớ ngẩn mà cũng không thèm đọc để sửa.

Có lần kiểm tra giáo án thấy 2 bộ của 2 giáo viên giống nhau đến cả những lỗi sai tôi hỏi thì họ trả lời thật là mua trên mạng với giá cả triệu đồng.

Làm chuyên môn mình chỉ biết lắc đầu. Dạy bằng giáo án của người khác thì biết đến bao giờ tay nghề mới vững, mới giỏi được”.

Giáo viên đi mua giáo án về xài nên mỗi lần được ban giám hiệu dự giờ, dự thi giáo viên giỏi các cấp lại “vắt chân lên cổ” chạy đi hỏi giáo viên giỏi, hiệu phó chuyên môn cách soạn tiết dạy sao cho hay.

Không soạn hàng ngày nên dạy theo lối cũ, có người dự giờ dạy theo hình thức này kĩ thuật nọ phải tập đi tập lại cho học sinh thuộc kịch bản, tiết dạy trở thành giờ diễn kịch là lẽ thường.

Tại sao giáo viên lại mua giáo án? Đây là câu hỏi mà người viết đưa ra với một số đồng nghiệp và nhận được nhiều câu hỏi khác nhau.

Có thầy thì cho rằng không có thời gian soạn vì phải làm việc tay trái để trang trải cuộc sống cơm áo. Có cô lại nêu lí do để chỉ đối phó nộp cho hiệu trưởng kiểm tra, ít khi dạy theo giáo án. Có người thì thật lòng là ngán ngồi đánh máy để soạn. Giáo viên khác lại nói do hồ sơ sổ sách trường “vẽ” ra nhiều, không có thời gian soạn… Cả trăm lí do được đưa ra và nó là bức tranh nhiều gam màu về hồ sơ sổ sách, giáo án của giáo viên hiện nay.

Giáo án 4 bước theo công văn số 5512 chỉ là gợi ý

Trong khi giáo viên lớp 1 đã thực hiện giảng dạy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bồi dưỡng đại trà cho giáo viên phổ thông cả nước các mô đun 1, 2, 3 về chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng vẫn còn một bộ phận giáo viên còn ngại đổi mới.

Đó là việc gần đây không ít giáo viên còn đang kêu ca, bối rối, kêu khó, bị áp lực với giáo án 4 bước theo công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, kế hoạch bài dạy cần thực hiện theo 4 hoạt động: 1. Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu, 2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới, 3. Hoạt động 3: Luyện tập, 4. Hoạt động 4: Vận dụng.

Mỗi hoạt động cần thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện. Thực ra, giáo án mới so với cũ chỉ thêm yêu cầu ở phần mục tiêu là phẩm chất, năng lực và yêu cầu sản phẩm cần đạt ở mỗi hoạt động dạy-học, đương nhiên dạy học chương trình theo định hướng tiếp cận năng lực thì giáo viên phải làm rõ hơn mục tiêu cần phát triển phẩm chất, năng lực gì cho học sinh ở mỗi hoạt động.

Và nữa, cái hay, cái mới ở đây là giáo viên xác định được những sản phẩm của mình sau mỗi tiết dạy là gì. Giáo viên tiểu học đã làm rất tốt việc soạn giáo án mới gần như tương tự giáo án gợi ý mẫu của công văn 5512.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Kế hoạch bài dạy (giáo án) là yêu cầu bắt buộc giáo viên phải có khi dạy học và đã được quy định tại Điều lệ nhà trường. Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV kèm theo Công văn 5512 là văn bản hướng dẫn để giáo viên soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp và kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, không phải là mẫu giáo án”.

Khung giáo án của Bộ Giáo dục và Đào tạo là gợi ý, định hướng cho giáo viên soạn giảng theo tinh thần chương trình giáo dục phổ thông 2018 phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Trong lần cải cách giáo dục này, chương trình giáo dục nước ta có những thay đổi với nhiều điểm mới, chuyển từ chương trình tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa...

Đây là xu thế tất yếu mà các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã làm.

Song song đó, việc bồi dưỡng giáo viên cũng được cải tiến bằng hình thức học trực tuyến và trực tiếp.

Việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên được chú trọng. Những lần thay sách trước, việc tập huấn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo phần lớn là cho cán bộ quản lý, sau đó về địa phương triển khai tập huấn cho giáo viên.

Lần này là chọn giáo viên cốt cán đi học sau đó về tập huấn cho giáo viên đại trà. Có thể nói đây là cách tập huấn hiệu quả vì không ai hiểu rõ, nắm vững bằng giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Nói vậy để thấy rằng khi bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới qua các mô đun 1, 2, 3 với giáo án mới của bộ đã được giáo viên cốt cán lan tỏa đến đồng nghiệp và chia sẻ cách soạn giảng.

Việc giáo viên than phiền giáo án là khuôn mẫu, là thế này thế kia chứng tỏ chúng ta chậm phát triển năng lực của chính mình hay không chịu đổi mới hoặc quá trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng còn qua loa, hình thức kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”?!

Giáo viên phải đổi mới chính mình

Một nguyên tắc bất di bất dịch trong dạy học là soạn giáo án tốt sẽ có tiết dạy tốt, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh. Có người thầy giỏi nào mà không cần soạn giáo án?

Giáo viên có quyền sáng tạo nhưng cốt lõi, mức độ tối thiểu cần phải đạt được là những gợi ý trong hướng dẫn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra ở công văn 5512.

Những nhà quản lý chuyên môn không cấm cản giáo viên đổi mới sáng tạo, không trói buộc vào khuôn mẫu, không ép buộc hình thức...

Thế nhưng, cần phải có quy định để thống nhất chung cho giáo viên cả nước trong soạn giảng.

Có như thế mới mong việc cải cách chương trình giáo dục phổ thông được vận hành trơn tru, thành công như mong đợi của xã hội trong đợt cải cách giáo dục này.

Giáo viên phải nâng cao năng lực của mình, phải tự đổi mới mình mới mong theo kịp nhịp phát triển của thời đại công nghiệp 4.0 với sự chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh.

Một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm là giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, từng là mạng lưới của Phòng Giáo dục và Đào tạo, là giáo viên cốt cán cho rằng: “Nhiều giáo viên quan niệm rằng không ai lên lớp dạy theo giáo án, giáo án chỉ để đối phó với việc kiểm tra của ban giám hiệu. Nói như vậy là ngụy biện, thiển cận vì muốn tiết dạy đạt hiệu quả, lôi cuốn học sinh thì giáo viên phải có sự chuẩn bị, có phương pháp dạy học tốt.

Từ khi học sư phạm, sinh viên phải được rèn giũa phương pháp dạy học bộ môn trong đó có giáo án. Đi kiến tập, thực tập giáo sinh phải soạn đi soạn lại nhiều lần cũng nhằm mục đích để các em có tiết dạy tốt, tay nghề được rèn luyện.

Giáo án đóng vai trò vô cùng quan trọng trong dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển chuyên môn, tay nghề của giáo viên.

Vì vậy, cần phải luôn luôn được làm mới, bổ sung, điều chỉnh phương pháp, hình thức, kĩ thuật dạy học nhằm phát huy tính tích cực, năng lực học sinh”.

Lâu nay, những suy nghĩ, việc làm của chúng ta đã quá quen cái cũ nên khi đưa ra thay đổi là cả một quá trình, mất nhiều thời gian, công sức. Liệu chương trình giáo dục phổ thông mới có thành công không khi giáo viên chưa chịu đổi mới?

Hi vọng, mô đun 4 về “xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” đang triển khai cho giáo viên cốt cán và nay mai được bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông đại trà trong cả nước sẽ không còn tình trạng giáo án chỉ để đối phó với việc kiểm tra của ban giám hiệu nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Duyên Hà