Năm mới, chuyên gia giáo dục tiếp tục băn khoăn về Đề án thí điểm 9+5

05/02/2022 07:02
Mạnh Đoàn
GDVN- Tiến sĩ Lê Đông Phương băn khoăn về việc, 4.000 em học sinh trong diện đề án thí điểm chương trình 9+5, có thể gặp rủi ro mặt pháp lý khi học lên cao đẳng.

Từ năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ triển khai Đề án Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (gọi tắt là chương trình 9+5), với 10 ngành nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật và dịch vụ, chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 4.000 người.

Đề án thí điểm trên khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng, kết quả đem đến cho người học. Bởi lẽ, trong đề án còn nhiều điểm chưa được cụ thể, rõ ràng.

Về vấn đề trên, Tạp chí điện tử đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Đông Phương -Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam).

Tiến sỹ Lê Đông Phương. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tiến sỹ Lê Đông Phương. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về việc đào tạo nghề hiện nay của các trường nghề thuộc quản lý của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội?

Tiến sĩ Lê Đông Phương: Cách hiểu về giáo dục nghề nghiệp hiện nay có nhiều thay đổi. Vì vậy, xu thế chung của Việt Nam và thế giới cũng đều phải tìm kiếm để cung cấp được một hệ thống giáo dục phù hợp.

Tuy nhiên, câu chuyện giáo dục nghề nghiệp phải đào tạo những gì và ra sao, lại phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế. Bởi vì đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là cung cấp kỹ năng lao động, ứng dụng được ngay cho người lao động, để sau khi được đào tạo, họ có thể gia nhập thị trường lao động ngay lập tức. Đó là điểm khác giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học.

Hiện tại giáo dục nghề nghiệp có nhiều thay đổi, xu thế chung hiện nay là hàm lượng chất xám bắt đầu tăng. Lao động kĩ năng đơn giản, dùng sức lực giảm đi rất nhiều do nó không phải là xu thế chủ đạo của thị trường lao động, dẫn đến việc đào tạo cũng sẽ phải thay đổi theo.

Trong bối cảnh đó, giáo dục của Việt Nam cũng đang thay đổi theo hướng tiếp cận theo xu thế chung, nhưng vẫn còn chậm.

Giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam hiện nay còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở đào tạo công lập. Trong khi đó, cơ sở đào tạo công lập lại có xu hướng nặng về chương trình đào tạo sẵn có từ lâu nên không phù hợp với thị trường lao động.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhìn chung năng lực vẫn còn hạn chế. Về cơ bản, họ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi. Họ không theo sát được biến động của thị trường lao động, công nghệ…nhất là khi thị trường lao động có nghề mới, họ cập nhật khá chậm.

Từ đây dẫn đến việc đội ngũ được đào tạo chưa có khả năng, thích ứng với thị trường như mong muốn.

Ví dụ như lao động giản đơn, hoặc những công việc không đòi hỏi kiến thức thì thậm chí doanh nghiệp người ta tự chủ động tuyển và đào tạo, họ không tuyển lao động do cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo.

Điển hình như ngành dệt may của Việt Nam là một trong những ngành chủ chốt của nền kinh tế, lực lượng lao động chủ yếu là do doanh nghiệp tự đào tạo trong thời gian rất ngắn trước khi vào làm việc chính thức.

Trong khi đó, cơ sở đào tạo dạy nghề như may công nghiệp lại đào tạo không sát với nhu cầu của doanh nghiệp nên người tham gia học không nhiều.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Với góc nhìn về phát triển nguồn nhân lực, những vấn đề trên là những bất cập rất lớn của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng có cố gắng, nỗ lực nhất định, tuy nhiên phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, cái này chúng ta chưa làm được nhiều lắm.

Với những doanh nghiệp trong các ngành kinh tế có tỷ trọng lớn của Việt Nam thì sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo rất là ít, hoặc mang tính hình thức nhiều hơn. Đáng lẽ, họ phải tham gia nhiều hơn ở khía cạnh chia sẻ nguồn lực, cung cấp thông tin yêu cầu, kiến thức chuyên môn.

Phóng viên: Về Đề án thí điểm chương trình 9+5, ông có đánh giá như thế nào?

Tiến sĩ Lê Đông Phương: Đề án 9+5 hiện nay là một vấn đề hết sức phức tạp, bởi nó mới chỉ dừng lại ở chỗ là đề xuất thử nghiệm, chưa phải là chính thức.

Theo quy định hiện nay của pháp luật, học sinh học xong lớp 9 học trung cấp thì được. Tuy nhiên, dự thảo Đề án vừa rồi lại muốn đào tạo cao đẳng đối với đối tượng trên là có vấn đề.

Nếu tính toán, dự báo được nhu cầu của xã hội, thị trường lao động đòi hỏi lực lượng lao động trình độ cao đẳng làm tốt công việc, thì các trường cao đẳng có thể tuyển số học sinh học hết lớp 12 không vào được đại học, thay vì việc tuyển học sinh sau lớp 9.

Hệ đào tạo của chương trình đào tạo 9+5 ưu việt ở chỗ nào, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy. Trong dự thảo, họ đang muốn chứng minh ưu thế đó bằng cách sử dụng bằng cấp, học sinh được cấp bằng sơ cấp - trung cấp và cao đẳng.

Điều này dường như đi ngược về triết lý giáo dục nghề nghiệp là đào tạo ra con người có thể làm việc được ngay.

Đề án có 10 ngành đào tạo nhưng không nói được rõ người học xong có thể làm công việc gì, liệu đó có phải là việc làm hấp dẫn của ngành đấy không, mà tôi đọc xong dự thảo lại chỉ thấy học xong có bằng cao đẳng, rồi học tiếp lên đại học.

Người ta đang đánh tráo khái niệm, thay vì đào tạo ra người lao động trực tiếp và có thể làm việc được ngay, thì lại đưa đến sự logic học xong cái này là có thể học lên đại học.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng thời gian học của các hệ trong chương trình 9+5 chưa hợp lý, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Tiến sĩ Lê Đông Phương: Thực sự, khi tôi đọc xong cũng có băn khoăn, về việc phân bổ thời gian sơ cấp, trung cấp và cao đẳng là không ổn.

Đối với hệ trung cấp, với thời gian học 1 năm thì khi các em thành nghề, không học tiếp mà ra làm nghề có được không. Đề án cần thận trọng trong việc đó.

Hay như việc học hệ sơ cấp là nhóm đặc thù không cần điều kiện đầu vào, học xong thì chứng chỉ cũng chẳng dùng tiếp vào được chỗ nào, ngoài việc đi làm. Vậy nhưng thời gian học tận 2 năm, như vậy liệu có phù hợp?

Bên cạnh đó là liên quan đến câu chuyện pháp lý, hiện quy định muốn vào cao đẳng thì phải tốt nghiệp lớp 12, hoặc trình độ tương đương như giáo dục thường xuyên.

Trong dự thảo Đề án thì tuyệt đối không hề nói đến việc học sinh sau khi học xong được chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông dưới hình thức nào. Hoặc nhóm soạn thảo đề án không đọc kĩ các luật, cũng có thể họ biết nhưng lại lách luật.

Thực ra, câu chuyện về pháp lí thì có thể đề xuất để điều chỉnh, tuy nhiên trong khi chưa điều chỉnh thì những việc làm như vậy là không đúng quy định pháp luật. Từ đây, có thể dẫn đến hệ quả, học sinh học xong sẽ không được công nhận bằng cao đẳng.

Như vậy, với 4.000 em học sinh trong diện đề án thí điểm, sẽ gặp rủi ro . Các em học xong không được công nhận và không ai chịu trách nhiệm với người học.

Phóng viên: Trước những vấn đề còn vướng mắc của đề án thí điểm trên, ông có đề xuất, giải pháp nào?

Tiến sĩ Lê Đông Phương: Nếu như được sửa đổi, theo tôi, 3 năm đầu thì các em học chương trình giáo dục thường xuyên và trung cấp.

Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sàng lọc học sinh rất cẩn thận, bởi học lực của học sinh không vào được trung học phổ thông thì cũng vừa phải, không phải là quá tốt. Việc học một lúc nhiều chương trình không phải là đơn giản.

Thực tế, nhiều nơi cũng đã thực hiện được việc vừa học chương trình giáo dục thường xuyên và trung cấp, không có vấn đề gì cả. Hoàn thành chương trình, các em được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Có nghĩa rằng, việc này phải được tổ chức ở cơ sở được phép dạy chương trình giáo dục thường xuyên, điều này rất là quan trọng. Sau đó lại phải làm sao, để các em tham dự kì thi trung học phổ thông tạo điều kiện cho các em học lên cao đẳng. Còn đối với hệ sơ cấp, tôi thấy là vô lí và vô ích khi học tới 2 năm nên có thể gạch bỏ.

Đối với học sinh học xong cao đẳng và đi tiếp lên đại học như trong đề án đưa ra, thì chương trình cao đẳng phải thiết kế sao cho phù hợp với những chương trình chuyển tiếp hoặc liên thông lên đại học.

Lúc đó thiết kế không đơn thuần là đào tạo, mà còn cần có kiến thức lí thuyết nhiều hơn, cũng cần tính toán rất kĩ điều này. Bên cạnh đó là tư vấn cho các em trong quá trình trước khi vào học, từ trung cấp lên cao đẳng để các em ý thức được hoạt động học tập của mình, để các em không bị vỡ mộng, chuẩn bị tâm lý cho các em.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Đoàn