TS Hoàng Công Dụng: “Thí điểm chương trình 9+5 lòng vòng và mâu thuẫn”

05/11/2021 06:34
Cao Kim Anh (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Đã phân luồng học sinh theo tỷ lệ nhất định đi học nghề mà lại định hướng số này hướng đến mục tiêu bằng cấp là lòng vòng và mâu thuẫn", Tiến sĩ Dụng cho biết.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã công bố dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (gọi tắt là chương trình 9+5) với 10 ngành nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ, chỉ tiêu khoảng 4.000 người.

Được biết, mô hình có cấu trúc 5 năm, chia 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (9+2) là 2 năm, giai đoạn 2 (9+3) là 1 năm; giai đoạn 3 (9+5) là 2 năm; tương ứng với trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Trong thời gian 5 năm, người học được học kiến thức văn hóa trung học phổ thông song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện thí điểm các chương trình 9+ hiện nay đang nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận. Để có những cái nhìn khách quan, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi cùng Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Cao Kim Anh)

Pv: Trên thực tế, người học có mong muốn học nghề mới được định hướng theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc xây dựng các chương trình thí điểm 9+ từ trước tới nay có phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường nghề hay không, thưa ông?

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng: Ngay câu đặt vấn đề đã thể hiện rõ mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đó là cần tập trung sâu vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp chứ không phải mục tiêu bằng cấp.

Với quan điểm nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, phân luồng, tránh việc thừa thầy thiếu thợ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ - TTg ngày 14/05/2018 phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

Mục tiêu giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong Đề án đã nêu cụ thể. Hiểu một cách đơn giản: Phân luồng là để làm gì?

Thực chất việc phân luồng là phân loại năng lực, sở trường, nguyện vọng, nhu cầu của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội để phát triển các nhánh theo các hướng khác nhau. Có nghĩa là sau khi phân luồng, ai có thế mạnh gì thì nên theo cái đó.

Nếu đã xác định tiếp tục học lên các cấp cao hơn thì phải chuyên tâm cho việc học hành, tiếp tục học lên trung học phổ thông, đại học và cao hơn nếu có thể. Nếu xác định học nghề thì theo hướng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và sớm tham gia thị trường lao động, nâng cao tay nghề thông qua thực hành, lao động và học tập kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Do đó, đã phân luồng cho một số học sinh theo tỷ lệ nhất định nào đó đi học nghề mà lại định hướng số này hướng đến mục tiêu bằng cấp thì tôi thấy khá lòng vòng và mâu thuẫn.

PV: Theo ông, với điều kiện đào tạo hiện nay tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì thí điểm chương trình 9+5 có khả thi hay không?

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng: Trong các nghiên cứu, báo cáo và nhận định của các tổ chức, cá nhân phản ánh phần nào bất cập, tồn tại, hạn chế của giáo dục nghề nghiệp, đó là “Công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp còn bộc lộ khá nhiều bất cập”, “các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo”, “chất lượng, hiệu quả của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được cơ chế gắn bó chặt chẽ với các cơ sở doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động”;

“Ở một số địa phương, mô hình đào tạo nghề còn thiên về lý thuyết, ít thực hành; sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả”. “Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp thấp, còn một tỷ lệ không nhỏ học sinh tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp”.

Điều này cho thấy vấn đề ưu tiên là cần áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động chứ không phải lao tâm khổ tứ đi tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thay vì hướng các em đi học nghề tới việc có được cơ hội sở hữu tấm bằng trung học phổ thông và cao hơn là tấm bằng đại học thì việc ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp là tăng cường đầu tư trang thiết bị, phối hợp với doanh nghiệp nâng cao chất lượng thực hành, thực tập, nâng cao chất lượng đội ngũ để ngay sau khi tốt nghiệp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề thì học viên/học sinh có thể tham gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động được ngay.

Nếu tập trung đầu tư cho việc học văn hóa thì vô hình trung lại biến cơ sở đào tạo nghề trở thành cơ sở giáo dục phổ thông một cách không chính quy và lệch mục tiêu đào tạo của cơ sở đào tạo nghề. Chưa nói đến việc, sẽ tốn rất nhiều công sức, tiền của và thời gian cho việc đầu tư này.

PV: Như ông phân tích ở trên, rõ ràng việc thí điểm có rất nhiều bất cập hiện hữu. Vậy theo ông, có nên đưa ra các tiêu chí cụ thể hơn về đầu ra đối với chương trình thí điểm 9+5?

Tiến sĩ Hoàng Công Dụng: Bất kỳ chương trình đào tạo nào, dù là bồi dưỡng ngắn hạn hay khóa học dài hạn cũng phải có chuẩn đầu ra, đó là điều đương nhiên và bắt buộc phải có. Dự thảo Đề án có giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội “Chủ trì, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành, nghề được lựa chọn thí điểm; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn xây dựng chương trình đào tạo thí điểm phù hợp với chuẩn đầu ra đã xây dựng”.

Như vậy, nếu theo dự thảo Đề án thí điểm, người học phải đạt được hai chuẩn đầu ra, đó là chuẩn đầu ra của giáo dục nghề nghiệp và chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông nếu theo học 5 năm. Với điều kiện được phân luồng riêng và các nhóm được phân luồng được đào tạo chính quy và chuyên nghiệp cho mỗi chuẩn này, chúng ta cũng phải rất vất vả và khó khăn để đạt mục tiêu. Tôi thấy nếu người học đạt cả hai chuẩn này là điều vô cùng lý tưởng nhưng tôi chưa dám nghĩ đến tỷ lệ đạt cả hai chuẩn/số lượng người học là bao nhiêu. Vì đó là điều rất khó khả thi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Cao Kim Anh (Thực hiện)