Bộ Lao động nên nói rõ, bằng của chương trình 9+5 không phải cao đẳng thứ thiệt

09/11/2021 06:25
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nếu đào tạo 5 năm nhưng kết quả đầu ra không phải bằng cao đẳng ‘thứ thiệt’ thì đào tạo như vậy lại trở nên lãng phí”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay.

Phải chiếu theo chuẩn quốc tế

Dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (gọi tắt là chương trình 9+5), với 10 ngành nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật và dịch vụ, chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 4.000 người được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia.

Với mô hình này, nếu đáp ứng yêu cầu, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông (chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông), được tham dự Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, được xét tốt nghiệp và cấp bằng cao đẳng. Ngoài ra, người học có thể liên thông lên trình độ đại học tương tự như các hình thức học tập khác ở trình độ cao đẳng.

Dư luận đã có nhiều băn khoăn về quy trình và chất lượng đào tạo của chương trình 9+5.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, thông lệ chung hiện nay, để đáp ứng hội nhập quốc tế cần tuân theo “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED -2011” do UNESCO ban hành năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014, cho tất cả thành viên UNESCO, trong đó có Việt Nam, để xác định trình độ của các chương trình giáo dục và đào tạo cụ thể.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh Tùng Dương)

Theo đó, ISCED 2011 được chia thành 9 cấp độ. Trong đó:

Cấp độ 2 cho trung học bậc thấp, tách ra theo hai luồng là trung học cơ sở dành cho giáo dục phổ thông và một luồng theo hướng dạy nghề được gọi là sơ học nghề.

Cấp độ 3 cho trung học bậc cao (bên giáo dục phổ thông là trung học phổ thông, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).

Cấp độ 4 cho giáo dục sau trung học, nhưng chưa phải đại học.

Cấp độ 5 cho cao đẳng.

“Theo thông lệ, ở các nước thường yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp trung học bậc cao thì từ cấp độ 3 mới có thể lên cấp độ 5, 6. Tức là phải hoàn thành chương trình trung học phổ thông hoặc trung học nghề thì mới có đủ điều kiện học lên cao đẳng hoặc đại học. Còn nếu chưa hoàn thành chương trình trung học bậc cao mà mong muốn học lên cấp độ cao hơn thì đó chỉ có thể là cấp độ 4 và cấp độ 4 không nằm trong bậc đại học. Đã là thành viên của UNESCO thì phải đối chiếu và tuân thủ theo thông lệ được quy định”, Tiến sĩ Khuyến cho hay.

Được biết, trên thế giới, mà cụ thể ngay một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Đài Loan…đã mở ra một loại hình đào tạo 5 năm sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở mà đầu ra là bằng cao đẳng. Tuy nhiên, đối với mô hình đào tạo này học sinh thường thuộc top xuất sắc, người học rất ít và đào tạo ngành nghề công nghệ cao.

Tránh sự nhập nhèm

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, so với các chương trình 9+ trước đó, chương trình thí điểm 9+5 có sự tiến bộ hơn về đảm bảo về mặt thời gian đào tạo so với chuẩn của thế giới đặt ra. Tuy nhiên, hiện tại chương trình này đang dự kiến thí điểm trên 10 ngành, tức là đào tạo đại trà, không phải chọn những sinh viên xuất sắc. Do đó, chất lượng đúng như chuẩn quốc tế hay không thì chưa có gì đảm bảo.

Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chương trình, cơ sở vật chất phù hợp, nhân lực, nguồn lực… thì chưa thấy đề cập. Cứ cho là tất cả các yếu tố đều được thỏa mãn nhưng nếu đầu ra cam kết là cao đẳng thì không đúng.

Trong công văn số 1377/LĐTBXH-TCGDNN ngày 13/5/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi tới Bộ Nội vụ để trả lời về các kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam liên quan đến vấn đề đào tạo hệ cao đẳng có nêu: "Về cơ bản, các trình độ giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam hiện nay phù hợp với ISCED 2011; bậc cao đẳng của Việt Nam hiện nay tương đương với cấp bậc 5 của ISCED (2-3) năm, đầu vào trung học phổ thông. Đây là chương trình thuộc giáo dục sau trung học nhưng không phải giáo dục đại học; chủ yếu định hướng nghề nghiệp để người học gia nhập thị trường lao động".

Điều này cho thấy, kết quả đầu ra của chương trình này cam kết là bằng cao đẳng thì trình độ cao đẳng này không phải là cao đẳng ‘thứ thiệt’ (tương ứng với cấp độ 5) mà chỉ là cấp độ 4, do không thuộc về bậc đại học.

Thế nhưng, một tồn tại hiện nay, khi giới thiệu về các chương trình 9+, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang mập mờ giữa hai loại cao đẳng này. Nếu như không rõ ràng trong chất lượng giáo dục cũng như bằng cấp giữa hai loại cao đẳng đang được đề cập thì liệu có dẫn đến câu chuyện các trường cam kết một đằng, cấp bằng một nẻo?

Phần lớn người học tin rằng đây là bằng cao đẳng được cấp chính là bằng cao đẳng thuộc bậc đại học. Vậy sau khi cam kết thì liệu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vướng vào tình trạng “đem con bỏ chợ”?

“Nếu đào tạo 5 năm nhưng kết quả đầu ra không phải bằng cao đẳng ‘thứ thiệt’ thì thời gian đào tạo này lại trở nên lãng phí. Hai bằng cấp này đang trùng nhau một cái tên và có sự nhập nhèm, không thỏa đáng”, Tiến sĩ Khuyến nhận định.

Kinh nghiệm thế giới cũng như tại Việt Nam trước đây, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở có thể đi theo hai hướng là trung học phổ thông và trung học nghề. Cả hai hướng đào tạo này đều có thời gian là 3 năm.

Nếu đào tạo hệ trung học phổ thông thì 100% các môn học đều là môn văn hóa.

Nếu đào tạo trung học nghề thì 50% là những môn học văn hóa chủ chốt như Toán, Ngữ văn, khoa học tích hợp, Ngoại ngữ… và 50% còn lại là các môn học nghề. Thời gian đào tạo bắt buộc phải là 3 năm chứ không được phép rút ngắn xuống 1-2 năm. Như vậy mới được xem là giáo dục trung học nghề thứ thiệt.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: “Hiện nay chúng ta đang làm nửa với chứ không phải là giáo dục trung học nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu đào tạo nghề rút ngắn 1,5-2 năm thì chỉ được phép cấp bằng trung cấp nghề. Còn nếu được đào tạo đầy đủ thời gian 3 năm thì sẽ được cấp bằng trung học nghề. Bằng trung học nghề có giá trị tương đương với bằng trung học phổ thông. Nếu đã đào tạo trung cấp nghề thì người học phải bổ sung phần còn thiếu về văn hóa để có bằng cấp của trung học nghề. Như vậy mới đúng theo tiêu chuẩn cũng như thông lệ giáo dục hiện nay trên thế giới”.

Cao Kim Anh