Xuất phát từ những sai lầm của một vài lãnh đạo chính quyền địa phương trong việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục mà những giáo viên được ký hợp đồng lao động đúng pháp luật lại bất ngờ bị cho thôi việc.
Bao năm đèn sách để bước lên bục giảng truyền đạt cho bao lứa học trò những ước mơ, hoài bão cuối cùng phải dừng lại để bước vào cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn, chật vật.
Các thầy cô sau khi rời bục giảng phải lăn lộn làm đủ nghề để kiểm sống nhưng trong câu chuyện của họ luôn ấp ủ một ước mong ngày nào đó sẽ trở lại bục giảng, trở lại với trường lớp, học trò.
Xuất phát từ cái sai của một vài cán bộ chính quyền
Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào thời điểm cuối năm Tân Sửu (ngày 12 đến 14/1/2022), những thầy cô giáo tuổi đời còn trẻ đến dự tòa từ rất sớm. Trong ánh mắt của họ ánh lên vẻ đượm buồn khi phải thực hiện một việc chẳng đặng đừng là “đáo tụng đình”.
Cô giáo H’Dim Niê K’Đăm sau khi bị "cắt" hợp đồng phải chật vật làm đủ nghề để kiếm sống. (Trong ảnh: cô giáo phải trở về nhà đi làm rẫy. NVCC) |
Họ là 5 trong số gần 600 thầy cô giáo mà ba đời Chủ tịch huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ký quyết định tuyển dụng trái quy định dẫn đến dôi dư đội ngũ và cuối cùng là bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Trước đó, đại diện nhà trường cũng thừa nhận việc thầy cô giáo được Ủy ban nhân dân huyện gửi quyết định về, buộc ký hợp đồng nhưng lại không bố trí kinh phí, trường phải lấy quỹ chi thường xuyên để trả.
Đến thời điểm giữa năm 2016, do quỹ cạn kiệt nên đầu năm 2017, trường dôi dư đến 22 người nên phải họp thầy cô giáo lại để ký hợp đồng theo tiết.
Theo phản ánh của các giáo viên thì chính phương án này đã “ép” giáo viên ký lại hợp đồng thời vụ với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng/người, tuy nhiên mỗi người chỉ còn được nhận 1.002.500 đồng/tháng do bị trừ tới... 32,5% tổng lương để đóng các loại bảo hiểm.
Không đồng ý với cách làm “thời vụ” này mà nhiều giáo viên đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động một cách trái quy định.
Trong vấn đề này, phía chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng đã nhiều lần khẳng định các quyết định tuyển dụng giáo viên (gần 600 người) của Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk đều trái quy định pháp luật, gây ra tình trạng dôi dư đội ngũ.
Những lãnh đạo liên quan đến việc ký tuyển dụng này đều đã nhận các mức án kỷ luật, khiển trách khác nhau.
Và trong bản án Tòa sơ thẩm tuyên cũng đã khẳng định cái sai của phía chính quyền và nhà trường nên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các giáo viên, buộc phải bồi thường cho họ số tiền gần 1,3 tỷ đồng.
Kết thúc phiên tòa với tư cách là người thắng kiện nhưng các thầy cô giáo đều không vui, bởi con đường trở lại bục giảng của họ đã đóng sầm khi Tòa không chấp nhận yêu cầu nhà trường phải nhận lại giáo viên.
“Chuyện chẳng đặng đừng mới ra tòa…”
Chia sẻ với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam sau phiên tòa, thầy Nguyễn Ánh Dương cho hay, năm 2008, khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định), thầy đã mang theo bao khát vọng cống hiến để trở về Tây Nguyên để công tác.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh phải đi phụ hồ sau khi bị nhà trường chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Ảnh: NVCC |
Cuối năm 2012, thầy Dương được Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk ký hợp đồng lao động và cử về Trường trung học cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai dạy môn Hóa học. Nhưng đến năm 2017, thầy Dương cùng nhiều giáo viên khác của nhà trường bất ngờ bị cắt hợp đồng.
“Từ ngày vừa rời ghế giảng đường thì thầy cô nào cũng mang trong mình ước muốn gắn bó với nghề. Tất cả giáo viên đều có mong muốn trở lại về nghề mà mình yêu thích là giảng dạy.
Nhưng giờ không còn vị trí công tác nên bản án của Tòa tuyên không chấp nhận yêu cầu trở lại công việc giáo viên cũng chấp nhận thôi. Còn ước mơ thực sự cũng là trở lại vị trí công tác chứ”, thầy Dương nghẹn giọng nói.
Cũng như nhiều giáo viên khác, sau khi bị chấm dứt hợp đồng thầy Dương phải chật vật khó khăn tìm kiếm công việc để mưu sinh, nuôi sống gia đình.
Trong câu chuyện của thầy Dương, chúng tôi còn biết được rằng, sau khi nhà trường chấm dứt hợp đồng thì các thầy cô cũng đã đến các trường khác để xin việc, thi tuyển vào các vị trí giáo viên.
Tuy nhiên, mọi ngả đường đến với bục giảng đều bị “chặn đứng” bởi cách làm trái quy định của Trường trung học cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai.
“Thời điểm mà nhà trường cho chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với chúng tôi thì nhà trường không ra bất kỳ một văn bản nào cũng như không khóa sổ bảo hiểm xã hội của mình.
Dẫn đến sự việc là khi chúng tôi nộp hồ sơ xin việc ở các đơn vị khác thì người ta kiểm tra hồ sơ, qua đó phát hiện bảo hiểm xã hội của mình thì người ta vẫn đang ‘treo’. Tức là theo quy định thì họ đang đóng nhưng thực tế thì trường không đóng mà cũng không chốt sổ.
Các đơn vị khác họ nói mình không đảm bảo thời lượng công tác nên yêu cầu quay về đơn vị cũ để xác nhận hai bên rằng là mình đã ngừng giảng dạy.
Thầy Nguyễn Ánh Dương (trái) và thầy Nguyễn Tuấn Anh sau phiên tòa Sơ thẩm ngày 14/1. Ảnh: MT |
Nhưng khi mình quay về trường thì trường gây khó khăn, không xác nhận cho mình. Hơn nửa năm đầu, mình đi tìm công việc mới mà không có đơn vị nào dám nhận vì đang còn giảng dạy ở đơn vị khác”.
Anh Dương cũng tâm sự rằng, khi bước vào nghề giáo thì cũng không nghĩ đến ngày phải khởi kiện nhà trường hay chính quyền địa phương ra Tòa.
“Việc ra Tòa là bất đắc dĩ. Nhưng chúng tôi phải kiện ra Tòa để phục hồi danh dự cho mình. Bởi có nhiều lần mình đi ra ngoài xin việc thì họ cứ bảo mình bị đuổi, bị sa thải. Trong khi mình có làm gì sai trái để họ phải sa thải.
Đối với người giáo viên thì mang tiếng bị sa thải nó nặng nề và gây ức chế lắm. Buộc mình phải đưa ra Tòa để cho họ thấy rằng việc họ đuổi mình như vậy là không đúng và phải phục hồi lại danh dự cho mình”, anh Dương nói.
Ngoài 5 trường hợp giáo viên vừa được Tòa tuyên thắng kiện hôm 14/1, thì còn rất nhiều trường hợp giáo viên cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tuy nhiên, những trường hợp này lại có suy nghĩ “con kiến kiện củ khoai” nên không dám theo con đường khởi kiện ra Tòa.
Ngày 14/1, Tòa án nhân dân huyện Krông Pắk xét xử sơ thẩm, tuyên buộc Trường trung học cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai và Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk liên đới bồi thường tổng cộng gần 1,3 tỷ đồng cho 5 thầy cô giáo gồm: thầy Lương Văn Chinh, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Ánh Dương, Trịnh Thị Bích Hạnh và H’Dim Niê K’Đăm vì đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.